Hà Nội chính thức tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và đưa vào vận hành, khai thác thương mại từ sáng 6/11 sau 10 năm chờ đợi.
Đúng 7h, Bộ Giao thông vận tải và TP. Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông
Clip: Lễ bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông
Đúng 7h sáng, lễ bàn giao, đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh – Hà Đông giữa Bộ GTVT và Hà Nội bắt đầu. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và nhiều lãnh đạo Bộ, Ban ngành đến dự.
Toàn cảnh lễ bàn giao
Thứ trưởng Bộ GTVT và Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn đã tiến hành các nghi thức bàn giao dự án dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT, thành phố Hà Nội
Ông Vũ Hồng Phương – Giám đốc BQL Dự án đường sắt Bộ GTVT cho biết, thời gian vừa qua, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô luôn được Chính phủ, Bộ GTVT, UBND Thành phố Hà Nội quan tâm ưu tiên dành nguồn lực để xây dựng, trong đó có các tuyến đường sắt đô thị.
Ông Vũ Hồng Phương – Giám đốc BQL Dự án đường sắt Bộ GTVT
Theo ông Phương, đây là một trong những loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hiện đại, văn minh nhằm nâng cao năng lực vận hành, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Trong số 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành đai kết nối đô thị trung tâm Hà Nội với các đô thị vệ tinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông được Chính phủ, Bộ GTVT lựa chọn thí điểm đầu tư sớm nhằm giải quyết tình trạng giao thông gia tăng nhanh chóng tại khu vực phía Tây của Hà Nội. Đồng thời dự án cũng góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của toàn thành phố.
Tổng mức đầu tư của dự án là 18.001,5 tỉ đồng
Phát biểu tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008 (phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016), bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Đông – thứ trưởng bộ GTVT
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐBGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2008 là 8.769,9 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).
Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 2 năm 2016 và số 1511/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 5 năm 2017 là: 18.001,5 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỉ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, trong đó vốn vay của Trung Quốc: 13.867,1 tỉ đồng (tương đương 669,62 triệu USD); vốn đối ứng của Việt Nam: 4.134,399 tỉ đồng (tương đương 198,42 triệu USD).
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay thì phải mất từ 8 – 10 năm mới hoàn thành xong một dự án đường sắt đô thị.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn
Chính vì vậy, tới đây ngoài sự tiếp tục kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA thì cần có những giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển mạng lưới dự án đô thị. Đây là loại hình giao thông ưu việt, có khối lượng vận chuyển lớn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu của giao thông thành phố và của nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn tuyên bố tiếp nhận bàn giao và đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào khai thác vận hành thương mại giai đoạn đầu từ hôm nay.
Đúng 7h ngày 6/11, Bộ Giao thông vận tải và TP. Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông và đưa vào vận hành, khai thác thương mại
Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt sẽ phục vụ miễn phí để hành khách làm quen với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam
Khách hàng sử dụng thẻ từ quẹt trước khi lên tàu
Dự kiến 9h sáng nay, tuyến đường sắt sẽ đón những hành khách đầu tiên
7h40′, chuyến tàu trải nghiệm đầu tiên sau khi bàn giao xuất bến
Chuyến tàu đầu tiên chính thức lăn bánh từ ga Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đi đến ga Hà Đông (thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) với thời gian khoảng 25 phút cho quãng đường 13,5km
Chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông đón những hành khách đầu tiên
Hành khách được đội ngũ nhân viên hướng dẫn tận tình
Hình ảnh bên trong khoang tàu
8h03′ chuyến tàu đến ga cuối ở ga Yên Nghĩa – Hà Đông
Clip: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành sau 10 năm chờ đợi
Sau khoảng 25 phút trải nghiệm, hành khách xuống tàu tại ga cuối Yên Nghĩa, Hà Đông
Nhiều người thích thú khi được trải nghiệm chuyến tàu đầu tiên
Có người quay phim, chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc kỷ niệm đáng nhớ này
8h47′, người dân đầu tiên bắt đầu lên nhà ga để trải nghiệm chuyến tàu đón khách đầu tiên
Trước 9h, đã có rất nhiều người dân háo hức xếp hàng để chờ được vào ga
Người dân được hướng dẫn quẹt thẻ để vào nhà ga
Ai nấy đều háo hức được trải nghiệm chuyến tàu, kể cả các ông bà tuổi đã cao
9h, chuyến tàu khởi hành trong sự háo hức của người dân
Đến 9h, người dân bắt đầu vào ga để lên tàu với nụ cười rạng rỡ
Hai cụ cũng tranh thủ chụp ảnh check-in
Ông Trương Duy Sơn (ngoài cùng bên trái), 69 tuổi, sống tại phố Giang Văn Minh, cùng cháu nội 9 tuổi háo hức đến nhà ga từ 7h sáng
Nhiều bạn trẻ háo hức trải nghiệm chuyến tàu đầu tiên
3 giai đoạn vận hành của dự án
Dự án được vận hành qua 3 giai đoạn. Giai đoạn vận hành thử đã thành công, an toàn tuyệt đối với 5.740 chuyến tàu và hơn 70.000 km an toàn dưới sự giám sát của tư vấn và các cơ quan chức năng.
Giai đoạn 2 từ ngày 6/11, kéo dài khoảng một năm, sau đó đánh giá, đủ kiều kiện sẽ chuyển sang giai đoạn 3 – khai thác vận hành bền vững.
Trong những ngày đầu, đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ chạy 6 đoàn tàu với giãn cách 10 phút/chuyến. Sau 6 tháng sẽ chạy 12 đoàn tàu với tần suất 6 phút/chuyến, còn 1 đoàn tàu dự phòng.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ.
Hành khách sử dụng thẻ từ quẹt trước khi lên tàu. Sau thời gian miễn phí, giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 7.000 đồng (giá mở cửa) với quãng ngắn nhất.
Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, áp dụng giá 140.000 đồng/người/tháng.
Hà Nội miễn tiền vé cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo.
Đến nay, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) đã cập nhật toàn bộ các khuyến cáo về vận hành của tư vấn và bổ sung 82 nhân sự khắc phục phòng ngừa rủi ro khi khai thác như cảnh giới an toàn tại ke ga. Tổng số nhân sự khai thác đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 733 nhân viên.
Trong 6 tháng đầu, tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành theo tần suất từ thấp tới cao để vừa phù hợp với thông lệ chung và mức độ sử dụng dịch vụ của người dân. Các đoàn tàu sẽ khai thác từ 5h30, đóng lúc 23h hằng ngày, tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến.
Với kết nối xe buýt, dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Hiện không có chỗ bố trí cho khách đi ô tô cá nhân gửi xe để đi tàu nhưng có 12 ga bố trí chỗ gửi xe máy cho người dân đi tàu. Hành khách đi tàu được bảo hiểm khi có tai nạn như với xe buýt, tàu hỏa, máy bay.
Infographic: Nhìn lại hành trình 10 năm dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-chinh-thuc-van-hanh-sau-10-nam-cho-doi-bat-dau-don-khach-ngay-tu-9h-sang-nay-16121061106590833.htm