Nhiều người cho rằng hành vi này vi phạm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cần phải xử lý.

Liên quan đến vụ việc Giám đốc hợp tác xã môi trường quận Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh) cấp giấy thông hành trái phép cho con gái, nhiều khán giả đã bày tỏ thắc mắc rằng hành vi này có bị xử phạt hay không, nếu có thì mức xử phạt như thế nào?

Theo đó, để phòng chống dịch COVID-19, từ 09-07, TP.HCM đã áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân được yêu cầu ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong các trường hợp thật cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, thiên tai…

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã thành lập các chốt kiểm soát ở các tuyến đường giáp ranh các quận huyện để kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị 16 của người dân. Những trường hợp cần thiết, phải trình ‘giấy thông hành‘ do cơ quan cấp và chứng minh việc đi ra ngoài là cần thiết.

Con gái khoe được bố cấp ‘giấy thông hành’ để qua chốt kiểm dịch

Chia sẻ trên Báo  An Ninh Thủ Đô, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: ‘Giấy thông hành’ là các loại giấy tờ giúp người dân có thể đi qua được các chốt kiểm soát dịch như Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 hay Giấy xác nhận cấp cho người lao động đi làm việc tại các đơn vị được phép mở cửa hoạt động khi giãn cách. Tùy địa phương, tùy mức độ giãn cách, quãng đường di chuyển mà yêu cầu xuất trình giấy tờ khác nhau.

Đối với Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, hiện tại người dân có thể đến các đơn vị được cấp phép xét nghiệm và nhận kết quả. Còn Giấy xác nhận dành cho người lao động đi làm việc thì đơn vị sử dụng lao động chủ động cấp cho nhân viên của mình.’

Luật sư Lê Hồng Vân cho biết, nếu có đủ đăn cứ cho thấy Giám đốc HTX môi trường Phú Nhuận ký khống ‘giấy thông hành’ cho con gái không phải là nhân viên, xã viên của HTX để đi qua chốt kiểm dịch là sai quy định.

Mọi người dân đều phải trình ‘giấy thông hành’ mới có thể được di chuyển (Ảnh minh họa)

‘Cá nhân sử dụng giấy này lưu thông trên đường nhằm đối phó với cơ quan chức năng thì có thể bị xem xét, xử phạt hành chính.

Theo điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi ‘không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế’ (ra ngoài trong trường hợp không thực sự cần thiết) sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Người đại diện của cơ quan, đơn vị xác nhận ‘khống’ ‘giấy thông hành’ thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng với lỗi: ‘Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch’ (theo điểm c, khoản 5, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP) – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Trước đó, một cô gái chia sẻ một bài viết khoe được bố là Giám đốc hợp tác xã cấp giấy thông hành để thông chốt kiểm dịch. Bài viết ngay lập tức gây bão trên mạng xã hội, tất cả mọi người đều cho rằng đây là hành vi lạm dụng quyền hành và yêu cầu phải xử lý.

‘Chuyện kể ngày hôm qua, con gái nói với mẹ muốn về nhà mà sợ đi đường phạt 3 triệu đồng. Thế là mẹ nói với ba liền, cho người gửi giấy thông hành đến tận nhà khoảng 20 phút có ngay giấy thông hành đi 15 ngày cho con gái và con rể. Thế thì ngần ngại gì nữa, sử dụng ngay thôi’ – cô gái viết.

Theo Chang Min/Baodatviet.vn