Tại làng giải trí Hoa ngữ, mỗi năm đều có hàng nghìn thực tập sinh ghi tên vào các show tuyển chọn thần tượng. Tuy nhiên, sau cùng cũng chỉ còn vài người trong số đó có cơ hội được thăng tiếng. Vậy nguyên nhân là gì?
Sina đưa tin ngày 24/5, trên mạng xã hội Weibo lan truyền video ghi lại hình ảnh Trần Ngữ Yên biểu diễn, nhảy múa và ca hát trong buổi diễu hành tại Disneyland. Trần Ngữ Yên từng là thành viên của nhóm nhạc nữ Cherry Girls. Năm 2018, cô tham gia chương trình Sáng tạo 101 với tư cách thực tập sinh đến từ China Cherry Culture Company.
Sau khi dừng chân tại Sáng tạo 101 ở vị trí 82, Trần Ngữ Yên không có công việc. Nữ thần tượng hiện làm vũ công biểu diễn tại công viên giải trí để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
“Ở ‘kỷ nguyên thần tượng’, có hàng trăm, hàng nghìn thực tập sinh tham gia show sống còn để hiện thực hóa giấc mơ thần tượng. Trần Ngữ Yên là ví dụ điển hình chứng minh chỉ sở hữu gương mặt, tài năng thôi chưa đủ. Nếu không có hậu thuẫn, bạn vĩnh viễn không thể trở thành ngôi sao sáng giữa một bầu trời sao”, Sina bình luận.
Hát rong, làm thêm để kiếm sống
“Mong rằng kiếp sau tôi có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ, tiếp tục đứng trên sân khấu. Từ bỏ không phải chuyện dễ dàng, nhưng hiện thực tàn khốc khiến tôi phải buông tay. Xin lỗi những người luôn ủng hộ tôi”, Trần Ngữ Yên chia sẻ trên trang cá nhân sau khoảng thời gian im ắng.
Trần Ngữ Yên làm vũ công biểu diễn tại Disneyland để kiếm sống
Trở lại với Sáng tạo 101, Trần Ngữ Yên là cái tên được dàn huấn luyện viên đánh giá cao nhờ sở hữu diện mạo xinh đẹp và giọng hát nhẹ nhàng, truyền cảm. Trên sân khấu Ngược sáng, Ngữ Yên thể hiện kinh nghiệm biểu diễn cùng khả năng xử lý sân khấu được đào tạo bài bản.
Đáng tiếc, hành trình với Sáng tạo 101 của Ngữ Yên không kéo dài lâu. Thời lượng lên hình khiêm tốn khiến nữ thực tập sinh nhận được ít sự chú ý của khán giả. Sau chương trình, hoạt động nghệ thuật của cô chững lại vì không có hậu thuẫn tốt.
Trần Ngữ Yên trong chương trình Sáng Tạo 101
Nam thực tập sinh Trương Nghệ Phàm cũng là một tài năng bị quên lãng vì thời lượng lên hình ít ỏi. Trong Thanh xuân có bạn mùa đầu tiên, Trương Nghệ Phàm được phân vào lớp A trong hai lần đánh giá. Huấn luyện viên dành nhiều lời khen cho khả năng vũ đạo, biểu diễn sân khấu của Trương Nghệ Phàm.
Thế nhưng ở những tập đầu chương trình, Trương Nghệ Phàm chỉ được máy quay lướt qua 1-2 lần. Anh rời chương trình ngay sau vòng loại trừ đầu tiên vì không lọt top 60. Hơn một năm chật vật vì không có việc làm, Trương Nghệ Phàm quyết định chuyển hướng. Anh mở lớp dạy nhảy để kiếm thêm thu nhập, tiếp tục nuôi nấng đam mê vũ đạo.
Không chỉ những cái tên bị loại, nhiều tài năng có cơ hội ra mắt thậm chí cũng khó bảo đảm tương lai cho bản thân. Sở hữu giọng ca kỹ thuật đầy nội lực, Long Đình – người con gái đến từ Liêu Ninh, Trung Quốc vượt qua nhiều đối thủ để đăng quang ngôi vị quán quân trong chương trình Đại lộ ngôi sao năm 2019.
Thành công này trở thành bước đệm giúp Liêu Ninh có cơ hội xuất hiện trong Gala mừng xuân của đài CCTV, đứng chung sân khấu với nhiều nghệ sĩ kỳ cựu như Lý Cốc Nhất, Thang Phi…
Trong ba năm, Trung Quốc tổ chức 10 show tuyển chọn thần tượng. Hàng nghìn thực tập sinh đăng ký tham gia để trở thành idol
Thế nhưng, hào quang không ở lại với Long Đình. Thiếu sự hỗ trợ của công ty quản lý, Long Đình không nhận được lời mời hợp tác nào trong hơn một năm. Quán quân của chương trình nổi tiếng cứ thế trở nên mờ nhạt.
Đến năm 2020, giọng ca người Liêu Ninh quyết định từ bỏ giấc mộng người nổi tiếng. Cô cầm micro hát rong trên phố, nhận lời mời biểu diễn đám cưới, hội chợ kiếm tiền.
Lương Bác – quán quân của The Voice of China mùa đầu tiên cũng không ngoại lệ. Vắng bóng hậu thuẫn, tên tuổi Lương Bác sớm bị khán giả lãng quên. Những năm gần đây, công chúng nhiều lần bắt gặp nam ca sĩ sinh năm 1991 trong hình ảnh giản dị, đánh guitar trên đường phố.
Nhiều thực tập sinh đi làm thêm, hát dạo kiếm sống vì không có show
Không thế lực khó thành công
Khi ngành công nghiệp âm nhạc của Trung Quốc tiếp nhận văn hóa Kpop, nhu cầu trở thành idol thế hệ mới của giới trẻ ngày càng tăng. Thực tế, mô hình kinh doanh thần tượng đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều năm nhưng mức độ ảnh hưởng của loại hình này phổ biến rộng rãi vào năm 2018, sau khi Tencent mua bản quyền Produce 101 và sản xuất ở xứ tỷ dân. Đây cũng là giai đoạn nở rộ của “kỷ nguyên thần tượng”.
Sina cho hay mỗi show giải trí ít nhất có thể giúp 10 cái tên được khán giả biết đến chỉ sau 3-4 tháng. Thế nhưng không phải thành viên nào cũng thành công vượt trội, nâng cao danh tiếng, địa vị trong giới giải trí Hoa ngữ. Trong 100 thí sinh của một show sống còn, chỉ có khoảng 2-3 người thực sự “đổi vận” nhờ chương trình.
An Kỳ (THE9) từng gây tranh cãi khi được tổ sản xuất và công ty quản lý ưu ái ra mặt.
Điều này liên quan chặt chẽ đến quy luật lăng xê của các công ty giải trí và ê-kíp sản xuất chương trình. China Daily chỉ ra trong hàng trăm cái tên, những nhân tố sở hữu gia thế, hậu thuẫn vững chắc sẽ được ưu ái hết cỡ. Sự ưu ái thể hiện rõ qua thời lượng lên sóng hay thứ hạng “nhảy vọt” ở phút thứ 90.
An Kỳ (THE9) từng gây tranh cãi khi được tổ sản xuất và công ty quản lý ưu ái ra mặt
An Kỳ (THE9) từng bị nhiều khán giả Trung Quốc chỉ đích danh là “hoàng” (người được ưu ái, nâng đỡ dù tài năng gây tranh cãi) trong Thanh xuân có bạn 3. Cụ thể khi chương trình ra mắt, cư dân mạng phát hiện nữ thực tập sinh có thời lượng lên hình áp đảo các thành viên khác.
Debut ở vị trí thứ 6 song khi xếp ảnh nhóm, An Kỳ luôn là thành viên ở vị trí trung tâm. Khi THE9 cùng tham gia chương trình thực tế, chỉ có An Kỳ được đăng tải video quảng bá cá nhân. Theo chia sẻ của một blogger Trung Quốc, nữ thần tượng sinh năm 1996 sở hữu gia thế khủng, thế lực hậu thuẫn sau lưng lớn mạnh.
Nine Cao Khanh Trần (INTO1) cũng gây tranh cãi với lý do tương tự. Được biết, Cao Khanh Trần có xuất thân danh giá, với cha là chủ sở hữu thương hiệu dụng cụ thể hình có tiếng tại Thái Lan. Việc ra mắt ở vị trí thứ 5 chung cuộc của Nine được cho là liên quan đến hậu thuẫn phía sau nam thần tượng. Trước đó, Cao Khanh Trần hiếm khi được xướng tên trong 11 thứ hạng đầu tiên.
Một thực tế khắc nghiệt là nếu không có “chống lưng” hay mang yếu tố thu hút đề tài, thời lượng lên hình của thực tập sinh ít đến đáng thương, dù cho thực lực mạnh đến đâu. Một tập phát sóng chỉ vỏn vẹn 1-2 tiếng đồng hồ, hiển nhiên các nhà đài sẽ ưu ái đối tượng mang đến lợi nhuận, thu hút sự chú ý của truyền thông.
“Sự thật là trong số 100 thực tập sinh, có đến 80 người phải từ bỏ giữa chừng dù sở hữu tiềm năng trở thành ngôi sao. Với 20 cá nhân còn lại, dù nỗ lực cố gắng cũng chỉ có một, hai người ra mắt và nổi tiếng. ‘Sản xuất’ thần tượng trên nền tảng hậu thuẫn và gia thế dẫn đến sự ra đời của nhiều nghệ sĩ trẻ ‘hữu danh vô thực’. Cứ tiếp tục như vậy, đừng thắc mắc tại sao thần tượng thế hệ mới luôn bị coi thường”, cây viết Đằng Hoa Vệ nhận định.
Theo Zing