Cái chết của nhân tài này chẳng những là một tổn thất không nhỏ với tập đoàn chính trị Tào Ngụy mà còn là một yếu tố khiến Tào Tháo phải từ bỏ giấc mộng đế vương của mình.
Giờ đây mỗi khi nhìn lại cuộc đời cũng như cách đối nhân xử thế của Tào Tháo, đa số các ý kiến đều cho rằng ông là kiểu người hành sự cương quyết. Bởi vậy mà vị quân chủ họ Tào lúc sinh thời rất ít khi vì cái nhìn của người khác mà thay đổi sự lựa chọn của mình.
Đây cũng là lý do khiến ông năm xưa từng hạ thủ không chút lưu tình với gia đình Lã Bá Xa hay Dương Tu, Khổng Dung…
Tuy nhiên theo nhận định của tờ báo Phượng Hoàng (Ifeng – Trung Quốc), Tào Tháo cả đời “thà phụ người trong thiên hạ chứ không để thiên hạ phụ ta”, thế nhưng cuối cùng vẫn không khỏi nuối tiếc khi bỏ đi một nhân tài hiếm có bên cạnh mình.
Nhân vật được cho là để lại cho Tào Tháo không ít tiếc nuối và thậm chí còn khiến vị quân chủ này không thể xưng đế chính là Tuân Úc – người đứng đầu trong tập đoàn mưu sĩ của thế lực Tào Ngụy năm xưa.
Lý tưởng của đại mưu sĩ hàng đầu dưới trướng Tào Tháo: Thân ở Tào doanh nhưng lòng vẫn hướng về Hán thất?
Tuân Úc từng là một trọng thần rất có tiếng tăm trong các mưu sĩ của Tào Tháo, giữ chức Thượng thư lệnh nhiều năm nên người đời hay tôn kính gọi ông là Tuân Lệnh quân. (Ảnh minh họa).
Tuân Úc (163 – 212), biểu tự Văn Nhược, là một mưu sĩ nổi danh vào cuối thời Đông Hán, cũng là người có công lớn trong việc giúp Tào Tháo gây dựng sự nghiệp thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Theo nhận định của báo Phượng Hoàng, vị mưu sĩ họ Tuân lúc sinh thời đã chọn cho mình một chí hướng hết sức kỳ lạ. Vào giữa buổi quần hùng loạn thế, ông đã quyết định đi theo phò tá Tào Tháo ngay từ khi vị quân chủ họ Tào ấy còn chưa có căn cơ vững chắc, chưa có thế lực bành trướng.
Cũng theo đánh giá của tờ báo này, Tuân Úc lựa chọn đi theo Tào Tháo là bởi ông tin tưởng rằng chỉ người có tài năng như vậy mới có thể trở thành kẻ “cười đến cuối cùng” trong thế cục tranh hùng khi đó.
Trong tập đoàn mưu sĩ dưới trướng mình, Táo Tháo lúc hành quân đánh giặc thường sẽ đem theo Quách Gia, còn khi chọn người trấn giữ hậu phương thì ắt hẳn sẽ chọn Tuân Úc. Vì vậy khác với Quách Gia, Chu Du hay Khổng Minh, tên tuổi của vị mưu sĩ họ Tuân không gắn liền với nhiều mưu kế độc lạ trên chiến trường.
Nếu Quách Gia là một mưu sĩ cốt cán của Tào Tháo trên chiến trường thì Tuân Úc chính là chỗ dựa vững chắc của ông tại hậu phương. (Ảnh minh họa).
Luận về tuổi tác, Tuân Úc năm xưa nhỏ hơn Tào Tháo tới vài tuổi. Tuy nhiên mỗi khi gặp chuyện khó quyết định, vị quân chủ họ Tào thường sẽ hỏi ý kiến của Tuân Úc trước tiên và để ông giúp mình đề ra chiến lược giải quyết.
Không chỉ dừng lại ở đó, vị mưu sĩ họ Tuân còn từng tiến cử cho tập đoàn chính trị của họ Tào nhiều nhân tài xuất chúng, mà tiêu biểu là Tư Mã Ý, Quách Gia, Trần Quần…
Cũng bởi được xem như “đầu não” trong tập đoàn mưu sĩ cốt cán, Tào Tháo năm xưa đã từng ca ngợi Tuân Úc là “Tử Phòng” của mình, hàm ý so sánh với ông Trương Lương – một trong Hán sơ Tam kiệt trứ danh từng giúp Lưu Bang lập quốc.
Nhờ có nhiều công lao, Tuân Úc từng được phong làm Vạn Tuế đình hầu. Trong lịch sử từ trước đó, chưa từng có ai không lập được công lao trên chiến trận, chỉ làm Thượng thư lệnh mà được phong tới tước hầu như vị mưu sĩ họ Tuân ấy.
Từ đó có thể thấy, Tuân Úc trong mắt Tào Tháo đã từng có lúc được xem như một vị công thần sở hữu vai trò và chiến công không thể thay thế.
Chỉ tiếc rằng mặc dù hết lòng phò tá Tào Ngụy ngay từ những buổi đầu gây dựng sự nghiệp, nhưng vị mưu sĩ họ Tuân ấy vẫn một lòng muốn phục hưng Hán thất. Đây cũng là khởi nguồn cho tấn bi kịch sau này của cuộc đời ông.
Cái chết của Tuân Úc và yếu tố khiến Tào Tháo phải từ bỏ giấc mộng đế vương
Mặc dù từng có khát vọng nhất thống thiên hạ và tự gây dựng nên đế nghiệp của bản thân, nhưng Tào Tháo lúc sinh thời vẫn không thể thực hiện giấc mộng đế vương của mình. (Ảnh minh họa).
Kể từ sau khi Tào Tháo thành công bình định Viên Thiệu và diệt trừ các dư đảng còn lại của họ Viên, nội bộ triều đình Đông Hán dần xuất hiện hai phe cánh là Hán thần (những người trung thành với Hán thất) và Ngụy thần (những người chỉ ủng hộ Tào Tháo).
Thực tế, không ít những thuộc hạ thân tín của Tào Tháo đều quyết định đi theo con đường trở thành Ngụy thần với hy vọng nếu sau này quân chủ xưng đế thì họ sẽ nghiễm nhiên là khai quốc công thần.
Về phần Tuân Úc, mặc dù là một nhân vật cốt cán trong hàng ngũ của tập đoàn chính trị Tào Ngụy từ những ngày đầu, thế nhưng thay vì làm một Ngụy thần, thế nhưng ông lại lựa chọn trở thành một trung thần của nhà Hán.
Từ sau khi thế lực của Tào Tháo càng lúc càng trở nên lớn mạnh, Hán Hiến Đế cũng như tôn thất nhà Hán dần trở nên không có quyền hành.
Năm 212, Tào Tháo khi ấy đã làm tới chức Thừa tướng, tước Vũ Bình hầu nhưng vẫn có mưu đồ muốn thăng lên tước Công, được ban Cửu tích, lấy Ký Châu làm lãnh thổ riêng của họ Tào để dựng nước riêng trong lãnh thổ nhà Hán.
Trước dự tính này, ông đã cho mưu sĩ Đổng Chiêu đi dò ý Tuân Úc. Tuy nhiên Tuân Úc không đồng tình và cho rằng:
“Người quân tử lấy đức yêu người, không nên như vậy. Tào công vốn là vì việc giúp triều yên nước mà chiêu tập nghĩa binh, từ trước đến nay giữ lòng trung trinh, giữ bề khiêm tốn. Chúng ta không nên làm trái bản ý của Tào công”.
Mặc dù sau đó Tào Tháo đã tạm hoãn kế hoạch nói trên, thế nhưng vị quân chủ ấy vẫn âm thầm đem lòng bất mãn đối với Tuân Úc.
Những dã tâm của Tào Tháo từng bị Tuân Úc nhìn thấu và công khai đưa ra ý kiến phản đối trước mưu đồ tự lập của vị quân chủ này. (Ảnh minh họa).
Thấy Tuân Úc không ủng hộ việc mình tự lập, lại một mực đem lòng phò tá Hán thất, Tào Tháo dần xa lánh vị mưu sĩ cốt cán năm nào bằng cách loại bỏ vai trò Thượng thư lệnh của ông và điều ra khỏi kinh thành.
Năm 212, Tuân Úc theo lệnh ra lĩnh quân tại huyện Tiêu, nhưng tới Thọ Xuân thì bị ngã bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 50.
Cho tới ngày nay, chân tướng phía sau cái chết của vị mưu sĩ họ Tuân vẫn là một điều gây tranh cãi đối với hậu thế. Học giả Trần thọ trong “Tam Quốc chí” cho rằng ông vì lo âu mà qua đời, còn Tôn Thịnh trong “Ngụy thị xuân thu” lại khẳng định, Tuân Úc đã tự sát theo ý của Tào Tháo.
Thế nhưng dù cho Tuân lệnh quân đã qua đời vì lý do nào, thì sự ra đi của ông vẫn được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới giấc mộng xưng đế của Tào Tháo lúc sinh thời.
Cái chết của Tuân Úc không chỉ khiến cho vị quân chủ họ Tào mất đi một đầu não về mưu lược mà còn làm ông nhận ra một sự thật:
Ngay trong số các thân tín dưới trướng ông còn có những đem lòng phò tá Hán thất, vậy nếu gia tộc họ Tào lật đổ Hán triều để tự lập đế nghiệp, thì thứ họ nhận lại có lẽ không phải là sự ủng hộ của bách tính trăm họ hay bá quan văn võ, mà rất có thể lại là kết cục bi thảm giống như Viên Thuật năm xưa.
Sự thực là chỉ 1 năm sau khi Tuân Úc qua đời, Tào Tháo đã ép Hán Hiến Đế phong mình làm Ngụy công và thiết lập bộ máy triều đình riêng biệt của nước Ngụy, sau đó tới năm 216 thì chính thức xưng làm Ngụy vương. (Ảnh minh họa).
Theo ý kiến của báo Phượng Hoàng, sự ra đi của Tuân Úc xét trên một phương diện khác còn khiến cho Tào Tháo nhớ về lý tưởng từng tồn tại trong lòng ông lúc trẻ. Bởi bản thân ông năm xưa cũng từng có một thời dốc lòng phò tá cho đại nghiệp Hán triều.
Sử cũ ghi lại, Tào Tháo thi đỗ Hiếu liêm vào năm 20 tuổi, được giữ chức Bắc bộ úy (coi giữ phía bắc) ở kinh thành Lạc Dương.
Trong những năm tháng làm chức quan nhỏ khi ấy, Tào Tháo vốn đã nổi tiếng là người nghiêm túc. Khi đến nhiệm sở, ông cho đặt roi ngũ sắc trước cửa công đường, hễ kẻ nào phạm tội đều trị thẳng tay, không vị nể tư tình hay kiêng dè quyền thế.
Sau này, Tào Tháo giữ chức tướng quốc nước Tế Nam, liên tiếp đứng ra tố cáo các quan tham phạm pháp. Danh tiếng của ông khi đó nổi tiếng khắp nơi, cũng vì vậy mà có người từng ví ông như một “năng thần thời trị”.
Liệu rằng Tào Tháo không xưng đế có liên quan tới cái chết của Tuân Úc hay chỉ đơn giản là vì thời cơ chưa tới? (Ảnh minh họa).
Chỉ tiếc rằng những biến cố thời đại sau này dù đã trở thành bệ đỡ để Tào Tháo bộc lộ bản lĩnh chính trị kiệt xuất, đồng thời cũng khiến ông có thêm nhiều dã tâm và khao khát đối với quyền lực, để rồi dần trở thành một “gian hùng thời loạn” trong mắt không ít người.
Thế nhưng thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, Tào Tháo lúc sinh thời cho tới cuối đời vẫn không xưng đế. Có người cho rằng cái chết của Tuân Úc năm nào đã thức tỉnh tâm can ông, cũng có người khẳng định việc Tào Tháo an phận làm Ngụy vương chẳng qua là vì chưa tới thời điểm chín muồi mà thôi.
Dù chân tướng phía sau đó có là gì đi chăng nữa, thì suy cho cùng việc mất đi một “Tử Phòng” của mình như Tuân Úc cũng có thể xem là một tiếc nuối hiếm hoi trong cuộc đời của vị quân chủ thà phụ cả thiên hạ chứ không để người thiên hạ phụ ta như Tào Tháo.
*Theo quan điểm của báo Phượng Hoàng (Trung Quốc)