Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam William C. Westmoreland từng lên kế hoạch dùng vũ khí hạt nhân tấn công Việt Nam cho tới khi ý tưởng hiểm độc này bị Tổng thống Lyndon Johnson phát giác.
Khi bắt đầu cảm nhận được quân Mỹ đang thất thế và có thể sẽ thua tại mặt trận Khe Sanh dù ngoài miệng luôn tỏ ra tự tin, Đại tướng William C. Westmoreland, Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) giai đoạn 1964-1968 bắt đầu manh nha lên kế hoạch chuyển loại vũ khí chết chóc tới Việt Nam mang tên “Vỡ hàm”.
“Nếu tình hình tại khu phu phi quân sự thay đổi đáng kể, chúng ta nên chuẩn bị đưa các loại vũ khí có hiệu quả cao hơn chống lại kẻ địch. Trong trường hợp như vậy, tôi hình dung rằng vũ khí hạt nhân hay chất độc hóa học sẽ rất phù hợp”, Tướng Westmoreland nhấn mạnh trong bức điện gửi tới Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng (JCS), Tướng Earle Wheeler hôm 3/2/1968.
4 ngày sau đó, Đô đốc Ulysses S. Grant Sharp, Jr., Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết ông đã nắm được thông tin về kế hoạch “được phác thảo vài ngày trước ở Okinawa”. Vị Đô đốc Mỹ sau đó yêu cầu được xem một bản kế hoạch đầy đủ, hoàn chỉnh để có thể đưa ra kế hoạch hỗ trợ cần thiết.
Tới ngày 10/2, trong bức điện hồi đáp Đô đốc Ulysses Grant Sharp, Tướng Westmoreland cho biết ông đã thông qua kế hoạch.
Nhưng cùng lúc này, toàn bộ ý tưởng trên đã đến tai Cố vấn an ninh quốc gia khi đó là Walt W. Rostow. Ông này lập tức thông báo tới Tổng thống Johnson và nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu hủy bỏ toàn bộ kế hoạch này vài ngày sau đó.
“Khi Tổng thống hay tin về kế hoạch, ông ấy đã hết sức bực bội và gửi lời tới Tướng Westmoreland thông qua ông Rostow hủy ngay kế hoạch”, Tom Johnson, một trợ lý đặc biệt của Tổng thống Johnson cho biết.
“Tổng thống Johnson chưa bao giờ hoàn toàn tin tưởng các tướng lĩnh của mình. Ông ấy rất ngưỡng mộ Tướng Westmoreland, nhưng không muốn các tướng lĩnh của mình điều khiển cuộc chiến”, ông Johnson cho hay.
Ông này tiết lộ thêm rằng, mặc dù muốn Mỹ giành chiến thắng trong trận Khe Sanh, nhưng vị Tổng thống thứ 36 của Mỹ lại lo ngại một cuộc chiến tranh lan rộng với Trung Quốc nếu xung đột leo thang hơn nữa.
“Johnson đã gây ra những lỗi lầm không thể vãn hồi khi phát động chiến tranh Việt Nam. Nhưng phải cảm ơn ông ấy vì đã không để cuộc xung đột năm 1968 trở thành một thảm họa hạt nhân”, nhà sử gia người Mỹ Michael Beschloss viết trong “Presidents of War”, cuốn sách sắp được ra mắt tiết lộ câu chuyện người Mỹ đã tiến gần tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam như thế nào.
Tới ngày 12/2/1968, trong bức điện khẩn gửi Tướng Westmoreland kèm một bản sao tới Tướng Wheeler, Đô đốc Sharp nhấn mạnh: “Ngừng tất cả kế hoạch “Vỡ hàm”. Tất cả các nhân viên có quyền truy cập vào kế hoạch này không được tiết lộ nội dung kế hoạch và phải hiểu được rằng kế hoạch hoặc là tiếp tục hoặc là bị tạm ngưng”. Ông này đồng thời yêu cầu đưa tất cả các tài liệu về kế hoạch, bao gồm các tin nhắn và thư từ liên quan ở dạng bảo mật tuyệt đối.
Không một binh sỹ Thủy quân Lục chiến nào của Mỹ hay những lính Mỹ nào ở Khe Sanh khi đó nắm được bất cứ thông tin nào về kế hoạch.
“Tôi không nhớ có bất cứ cuộc thảo luận nào về vũ khí hạt nhân ở Khe Sanh”, Lewis M. Simons, một phóng viên chiến trường Mỹ cho biết.
William Westmoreland từng tham gia Thế chiến thứ II, chiến tranh Triều Tiên những năm 1952-1953. Trước khi được điều tới Việt Nam ông giữ chức Giám đốc Học viện quân sự West Point (1960-1963).
Trong gian đoạn 1964-1968 là thời điểm đỉnh cao của số lượng quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Viên tướng Mỹ cũng là tác giả của chiến thuật “Tìm và Diệt” (Search and Destroy) với hàng loạt chiến dịch tấn công Quân Giải phóng và ông cũng là người ủng hộ ném bom miền Bắc Việt Nam không hạn chế.
Ông luôn cho rằng cần liên tục tấn công để gây tổn hao và làm suy yếu lực lượng quân Giải Phóng để số quân bổ sung sẽ không bù đắp kịp số quân bị mất mát trên chiến trường. Do đó ông luôn bắt buộc tiến hành “đếm xác” để báo cáo con số tổn thất của đối phương trong các trận chiến.
Các chính sách của tướng Mỹ áp dụng trên chiến trường Việt Nam thời gian này thường xuyên bị dư luận Mỹ và quốc tế chỉ trích.