PGO – Giữa mùa Vu Lan, không bỗng dưng mà họ đăng lại bài viết: “Tôi quay lưng lại với chùa” của tác giả Trần Tân, nhằm để đánh phá Phật giáo. Vì trong các dịp lễ, thì rằm tháng bảy được xem là quan trọng nhất của tín đồ PGVN. Đây là thông lệ thường thấy của truyền thông bẩn và ngoại đạo suốt mấy năm gần đây, mỗi khi có dịp lễ quan trọng của Phật giáo, đều tìm mọi cách tấn công truyền thông.
Sự việc ở chùa Kỳ Quang 2 rộ lên khi truyền thông vào cuộc. Với những hình ảnh cốt một nơi, hình một nẻo khó lòng giữ được bình tĩnh trong dư luận. Càng gây bức xúc hơn, do nhà chùa quyết định di dời tro cốt mà thiếu thông báo đến thân nhân của tro cốt. Nhất là trong mùa Vu Lan Báo Hiếu, khi họ trở về chùa thắp nhang cho người quá vãng.
Tuy nhiên GHPGVN đã vào cuộc kịp thời, nhất là sự chỉ đạo của HT. Thích Trí Quảng. Nhà chùa cũng đứng ra chịu trách nhiệm, xin lỗi quần chúng, chứ không hề thối thác. Nhưng đây cũng là cơ hội cho ngoại đạo thao túng truyền thông và tấn công Phật giáo. Sự việc gửi hũ cốt với số tiền hiến cúng mười mấy cây vàng như đồn thổi là thiếu chứng cứ. Phải chăng trong số những người đang vây hãm chùa như mạng xã hội, báo chí đưa tin, lại có những thành phần đục nước béo cò?
Tâm nguyện duy nhất của mọi người là tìm đúng di cốt của tiên vong họ, còn việc tiếp tục gửi chùa Kỳ Quang 2 hay không, là do họ quyết định. Sự kiện, nhà chùa đang xây dựng, nên cần tháo dỡ, di dời là điều chẳng thể tránh khỏi. Vấn đề quan trọng nhất là thái độ của người Phật tử. Nếu có trí tuệ, sẽ ứng xử rất khác. Vì Đức Phật dạy: ”Thân mạng vô thường”.
Nên nắm tro của người mất là biểu hiện xác thực cho chân lý ấy. Tuyệt đối không thể tìm được gì là ta, của ta của người mất qua nắm tro tàn ấy. Bởi người mất cũng chỉ biểu hiện duyên sanh. Cho nên, gìn giữ tro cốt người mất là do thói quen chấp thủ của người sống. Điều này ảnh hưởng do phong tục tập quán xem trọng mồ mả tổ tiên, của người Việt do ảnh hưởng của Nho giáo. Nhất là trong thời buổi khan hiếm đất đai như hiện nay, thì việc an trí tro cốt vào chùa với họ là điều cần thiết.
Theo quan niệm Nho giáo, con cái muốn báo hiếu cho cha mẹ, cần phải tìm được cuộc đất tốt mà an táng, không chỉ làm tròn bổn phận người con, nhằm lấy mồ mã tổ tiên ra ràng buộc cho con cháu sum họp, không thất lạc, mà còn lợi dụng long mạch, vượng khí nơi địa cát nhằm làm hiển vinh hậu thế. Cho nên, từ xưa người con trai đã lo tìm sanh phần cho cha mẹ trước khi qua đời, đó là nhờ vào thầy phong thuỷ lỗi lạc. Sở dĩ, tục cải táng còn tồn tại là do quan điểm sợ lúc cha mẹ mới mất, an táng sơ sài, chưa tìm được nơi địa cát vậy. Thực tế ngày nay việc này không đáp ứng được nên hoả táng là cần thiết.
Theo Phật giáo, không có chủ trương Hoả Táng, Địa Táng, Thủy Táng hay Không Táng (Điểu táng), mà tuỳ theo tập quán từng vùng. Từ đó xuất hiện các nghi lễ khác nhau nhằm trợ duyên cho người mất và thích ứng với văn hoá bản địa mỗi nơi. Chủ trương duy nhất của Phật giáo là xa lìa chấp thủ. Vì còn dính mắc vào thân xác này, thì người mất không siêu thoát. Nên khi Ông Cấp Cô Độc sắp lâm chung, ngài Xá Lợi Phất đến khai thị: ”sắc này chẳng phải là ta, của ta… cho đến năm thủ uẩn”. Bởi đó là sự tan rã của năm yếu tố danh và sắc, hay tứ đại.
Dù có chủ trương thân Trung Ấm hay không. Các trường phái Phật giáo đều thống nhất, người mất tái sanh theo nghiệp thiện ác của mình đã gây tạo. Theo Phật giáo Đại Thừa, sau 49 ngày người mất đã chuyển sanh vào thế giới khác. Nếu người thân quyển còn mộng thấy hay lên đồng, thì họ đã tái sanh vào cảnh giới Ngạ Quỷ. Tức cảnh giới của loài Cô Hồn. Luôn trông cậy vào sự bố thí, cúng kính của người thân. Vì luyến tiếc thân xác cũ, nên một số chuyển sanh làm quỷ giữ thây chết (Quỷ giữ mồ), không siêu thoát. Do đó, mồ càng tốt, hòm càng tốt, xác càng lâu tan, thì người mất càng khó siêu. Đây không phải là cách báo hiếu tốt nhất. Mà cần phải tụng kinh, niệm Phật, làm phước hồi hướng cho tiên vong siêu thoát. Như vậy, hoả táng giúp cho người mất nhanh chóng siêu thoát vì xả ly chấp thủ với thân tứ đại. Sau 49 ngày nên làm lễ rải tro, chỉ cần gửi hình vong linh vào chùa. Đó là việc làm phù hợp với đạo lý.
Với tình trạng các khu nghĩa trang hiện nay, chưa chắc là cát địa, giả như may phước gặp đất tốt, thì không thể an táng đúng hướng của người mất vì thực hiện theo quy định nghĩa trang, hơn nữa lại có thời hạn quy hoạch. Nên đối với phong thủy cũng bằng không. Cải táng là phong tục lạc hậu vì phải đem người mới mất lên rồi róc da thịt, để vào tiểu, làm như thế khiến người mất, đau thêm lần nữa, rất khó siêu thoát. Gặp trường hợp mộ kết, xác người mất do hấp thu linh khí trời đất nên không phân hủy, có thể vay mượn vượng khí long mạch để con cháu giàu sang thành đạt. Nhưng người mất không siêu. Còn đến khi hết phước thì cũng gặp những nhân duyên buộc động chạm mồ mã làm cho con cháu thân bại danh liệt, bệnh tật ốm đau. Nên chỉ có tâm lương thiện, biết tu học Phật Pháp là phong thuỷ tốt nhất. Hễ âm siêu thì dương thịnh. Hoả táng là giải pháp tối ưu. Vừa lợi cho người mất, lại không phiền con cháu bận lo chăm sóc mồ mã về sau.
Tâm lý mọi người đem tro cốt lên gửi chùa vì các ngôi chùa đa số đều được xây trên cuộc đất tốt. Không chỉ giúp cho người thân họ siêu thoát mà còn đỡ mất công chăm sóc. Nên việc cúng dường Tam Bảo là tất yếu. Còn nhà chùa giữ hũ cốt là vì muốn hiếu quyến người mất lui tới, kết duyên lành với Tam Bảo. Tất nhiên, cũng không tránh khỏi sự phiền hà, rắc rối cho bổn tự về sau khi thiếu sự thống nhất với thân nhân người mất.
Nhiều gia đình gửi cốt rồi bỏ phế cho nhà chùa, trong khi diện tích ngôi chùa quá nhỏ mà số lượng hủ cốt ngày càng đông. Nên nhiều chùa có thông lệ sau ba năm hoặc đến lúc nhà chùa trùng tu thì thông báo thân nhân đến nhận hũ cốt, hoặc gửi tiếp hoặc đem đi nơi khác gửi. Số còn lại thì tổ chức lễ tụng kinh rải tro ra sông, biển. Nên đây là thông lệ.
Việc chùa Kỳ Quang 2 đang trong quá trình xây dựng, lại thiếu thông báo cho thân nhân người mất là sơ suất không đáng có. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đây là thái độ ứng xử của người Phật tử. Tại sao cứ muốn giữ khư khư hũ cốt mà không chịu rải, vì các chùa cũng chẳng phải nghĩa trang, theo thời gian số lượng hũ cốt sẽ tăng dần.
Cách đây vài năm, ba tôi đến chùa Thiền Tịnh để xin lại hũ cốt bà cố tôi, do chùa đang xây dựng, nên rất bề bộn. Đến nơi, thì nghe sư trụ trì đã rải đi rồi. Vì trước đó không ai đến nhận. Tôi bèn nói: “ thân người vô thường, chỉ là nắm tro làm sao cố giữ? Nhà chùa đã rải giúp gia đình mình rồi, gia đình mình khỏi rải. Làm vậy bà cố còn mau siêu thoát. Từ nay ba cứ lấy tên bà cố cầu siêu được rồi”. Nghe vậy, ba tôi rất hoan hỷ và nhà chùa cũng bớt áy náy.
Thiết nghĩ là Phật tử, chúng ta nên bình tĩnh. Sự thật chúng ta giữ những nắm tro cốt ấy, được lợi ích gì? Trong khi qua 49 ngày thân nhân mình đã tái sanh vào cảnh giới khác. Sao không lo tu tập cầu siêu cho họ mà tranh cãi với nhà chùa về việc “khắc mạn thuyền tìm gươm”? Liệu quý vị là tín đồ Phật giáo hay là Phật tử đang thực hành Phật Pháp? Hay đang vô tình vì sự bức xúc thiếu tỉnh giác của mình tạo cơ hội cho ngoại đạo, truyền thông tấn công Phật giáo thêm một lần nữa. Đó là mở đầu cho một minh chứng không thể chối cãi: “Con tin Phật, nhưng con quay lưng lại với chùa” như bài viết đầy ác ý đang định hướng dư luận. Phải chăng, chẳng có gì là ngẫu nhiên cả?
Thay vì giám định ADN như nhà chùa đã tuyên bố, tại sao gia đình các thân nhân và chùa Kỳ Quang 2, không thống nhất làm một đại lễ Trai Đàn Chuẩn Tế, cầu siêu bạt độ giải oan cho người mất. Kinh phí do nhà chùa chịu hoàn toàn chịu trách nhiệm, sau đó rải các hủ tro cốt xuống biển? Các vong linh được lập bài vị thờ ở chùa hoàn toàn miễn phí! Làm vậy, không chỉ lợi ích cho kẻ còn người mất mà hóa giải trọn vẹn. Vì kết quả giám định ADN chỉ phù hợp với xương cốt, còn với tro cốt là điều không chắc chắn. Hơn nữa lại lãng phí vô ích. Điều này, cần sự thống nhất của các gia đình gửi tro cốt vào bổn tự.
Lý Diện Bích