Trì tụng những bài Kinh hộ trì đều có ý nghĩa với người trì tụng và người lắng nghe. Kinh tụng không chỉ là đọc tụng suôn mà còn có giá trị thực tế là phải thực hành thì mới đem đến lợi ích thiết thực.

Kinh tụng không chỉ là đọc tụng suôn mà còn có giá trị thực tế là phải thực hành thì mới đem đến lợi ích thiết thực. Phật giáo không chủ trương việc cầu nguyện hay van xin tha lực nào đó ban phước hay cứu rỗi mà “tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác” [1].

Ngoài những bài kinh như kinh Châu báu, kinh Khổng tước, kinh Chim cút, kinh A-sá-năng-chi, kinh Angulimāla, kinh Ban mai chỉ để trì tụng thì những kinh còn lại như kinh Điềm lành, kinh Lòng từ, kinh Uẩn, kinh Đầu ngọn cờ đều có giá trị trì tụng và còn thực hành.

Nguồn gốc Kinh Hộ trì (Paritta) trong Kinh tụng Phật giáo Nam tông

Ở các nước Thái Lan, Campuchia, Myanmar việc trì tụng những bài Kinh hộ trì đều có ý nghĩa với người trì tụng và người lắng nghe. Từ duyên sự của bài kinh mà chư vị trưởng lão đã phân loại ý nghĩa và lợi ích của việc tụng đọc những bài kinh như sau [2]:

1. Kinh Điềm lành: cầu mong sự an lạc, hạnh phúc.

2. Kinh Châu báu: tránh khỏi sự bệnh tật, đói khát và phi nhân quấy phá.

3. Kinh Lòng từ: rải tâm từ đến mọi chúng sanh, phi nhân.

4. Kinh Uẩn: rải tâm từ đến các loài côn trùng, bò sát,… không bị xâm hại.

5. Kinh Khổng tước: tránh xa những cạm bẫy, được sự an toàn.

6. Kinh Chim cút: tránh khỏi hỏa hoạn.

7. Kinh Đầu ngọn cờ: tránh khỏi sự kinh sợ, khiếp đảm.

8. Kinh A-sa-năng-chi: tránh sự quấy phá của phi nhân, được an lành.9. Kinh Angulimāla: mong sản phụ được mẹ tròn con vuông.

10. Kinh Giác chi: tránh khỏi bệnh tật, ốm đau.

11. Kinh Ban mai: tránh khỏi những điều xấu, mong sự an lành cả ngày đêm.

Người tụng đọc và người lắng nghe tụng đọc Paritta phải hiểu rõ từng câu chữ, ý nghĩa một cách trọn vẹn, đầy đủ rồi áp dụng vào trong đời sống thì chính là con đường tu tập đem đến lợi ích thiết thực hơn là cầu nguyện, van xin viển vông.

Mặc dù kinh Paritta có vai trò hộ trì, che chở, bảo vệ những người tụng đọc và lắng nghe kinh, nhưng việc tụng đọc và lắng nghe phải được thực hiện đúng đắn thì kinh Paritta mới có giá trị và lợi ích thiết thực. Do đó, người tụng đọc phải hội đủ ba điều kiện sau thì khi đọc tụng kinh Paritta mới có thể nhận lãnh được giá trị, ý nghĩa và lợi ích: Vị ấy phải đọc tụng kinh Paritta một cách chính xác, đầy đủ; Vị ấy phải hiểu rõ ý nghĩa của kinh Paritta một cách trọn vẹn; Vị ấy phải đọc tụng với tâm thiện hợp trí tuệ.

Hiểu được và thông suốt kinh Phật là khó

Về phía người lắng nghe tụng đọc kinh Paritta, ngoài việc đủ ba điều kiện giống người đọc tụng ở trên, người lắng nghe còn phải có những điều kiện như là: Vị ấy không phải là người phạm vào năm trọng tội như hại mẹ cha, hại bậc A-la-hán, chia rẽ Tăng; Vị ấy không phải là người tà kiến (micchāditthi), là người tin vào nghiệp và quả của nghiệp; Vị ấy lắng nghe với tâm hoan hỷ, tâm thiện hợp với trí tuệ. Khi hội đủ những điều kiện trên, người đọc tụng hay người lắng nghe đọc tụng kinh Paritta sẽ nhận được oai lực và lợi ích của kinh Paritta.

Như vậy, cả người tụng đọc và người lắng nghe kinh Paritta đều có phước và những lợi ích, oai lực của kinh Paritta hộ trì. Hơn hết, việc người tụng đọc và người lắng nghe thực hành những lời dạy chứa đựng trong những bài kinh Paritta cũng chính là tự bảo vệ mình ngay trong hiện tại và sẽ ở những kiếp tương lai.

Việc tụng đọc kinh Paritta cũng là một trong nhiều phương tiện hay cách thức hành trì.

Có thể nói, Phật pháp là phương tiện để đưa đến bến bờ giải thoát cao thượng. Việc tụng đọc kinh Paritta cũng là một trong nhiều phương tiện hay cách thức hành trì. Hơn hết, người tụng đọc và người lắng nghe tụng đọc Paritta phải hiểu rõ từng câu chữ, ý nghĩa một cách trọn vẹn, đầy đủ rồi áp dụng vào trong đời sống thì chính là con đường tu tập đem đến lợi ích thiết thực hơn là cầu nguyện, van xin viển vông.

Việc trì tụng kinh hộ trì là muốn để tâm được an lạc, nhưng dù có tụng bao nhiêu mà thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác thì không sao đạt được sự an lạc như ý muốn. Việc tụng đọc là phải thực hành, sống với những lời dạy đó thì tụng đọc mới có ý nghĩa. Như vậy, đó mới là “tự mình nương tựa chính mình”.

Chú thích:

[1] Thích Minh Châu (dịch) (2013), Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền – Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn giáo, tr.298.

[2] Sayadaw U Sīlanandābhivamsa (2000), Paritta Pāli & Protective Verses, Ministry of Religious Affairs, Yangon, p.4.

Theo Phatgiao.org