Lần thứ năm, cũng khoảng 10 giờ đêm, Phạm Bích nhận được tin nhắn: ‘Em khỏe không? Em đang làm gì thế? Em có muốn làm đêm kiếm tiền nuôi con không’.

Đây không phải là người duy nhất khiến Bích “sôi máu”, song người phụ nữ 29 tuổi, có con trai 3 tuổi, vẫn cố gắng kiềm chế, không phản hồi gì. Cô nghĩ thái độ này sẽ dần khiến người đang gạ gẫm cô bỏ cuộc.

Bức xúc của Bích cũng là tình trạng chung của hầu hết các single mom (phụ nữ làm mẹ đơn thân) đặc biệt người mới ly hôn. Trong một nhóm kín trên mạng xã hội, nơi tập hợp hơn 30.000 single mom cho thấy có hàng chục bài đăng chia sẻ về chủ đề bị quấy rối, gạ gẫm. Dưới mỗi bài viết có cả trăm bình luận về trải nghiệm của mình.

“Trong mắt thiên hạ phụ nữ ly hôn như cái bu gà giữa chợ, kẻ dòm, người ngó, kẻ mó, kẻ muốn sờ”, Hoài Phương, 37 tuổi, ở Đà Nẵng, than thở.

Bước ra khỏi hôn nhân hai năm trước, Phương chán ghét, không muốn nói chuyện với người khác giới nên phớt lờ tất cả người tiếp cận mình. Nhưng có một điều chị không thể giải thích nổi, vì sao khi mình vừa độc thân thì xuất hiện rất nhiều đàn ông, từ người đang có vợ, đã ly dị hoặc trai tân làm quen. “Người chân thành thì không thấy ai, toàn người ‘có ý đồ’ cả”, chị chia sẻ.

Bà mẹ hai con 5 tuổi và 11 tuổi, đặt nguyên tắc không nói chuyện với những người ăn nói khiếm nhã; luôn chọn những nơi đông người khi đi cà phê; không ngồi gần, không tạo cho người khác giới có cơ hội tiếp cận hay động chạm. Thi thoảng nếu có người làm phiền qua số điện thoại thì chặn luôn.

Thế nhưng trong xóm có một người đàn ông hai lần bỏ vợ quyết liệt theo đuổi Phương. Ban đầu anh ta thường gọi điện “tâm sự” vào giờ đi ngủ. Phương luôn giả vờ không biết ai. Một lần bực quá, cô nói: “Tôi không quan tâm. Để yên cho tôi nuôi con”. Bị cô từ chối thẳng thừng, người này vào Facebook Phương bình luận khó nghe.

Với Phạm Bích, người đồng nghiệp bỗng tăng cường cợt nhả từ khi biết cô ly dị nửa năm trước. Tại cơ quan, anh ta trêu đùa, bóng gió cô như chốn không người, sau đó thường xuyên nhắn tin gạ gẫm. Những tin nhắn lịch sự nhất là: “Nay em mặc chiếc váy này đẹp lắm”, “Chiếc áo sơ mi của em hơi chật thì phải”…

Bích cảnh cáo: “Anh cẩn thận ăn nói. Tôi gửi tin nhắn này cho vợ anh đấy”. Không những không sợ, người này còn sỗ sàng hơn: “Anh chỉ muốn em thôi, OK em”.

Bích làm việc trong một công ty xây dựng ở Thanh Trì (Hà Nội), thi thoảng có những việc giao lưu với khách, người đồng nghiệp này thường kéo cô đi cùng với lý do “bỏ chồng rồi thì còn ngại gì không đi”.

Hải Yến cho biết càng khi phụ nữ yếu lòng, càng có nhiều năng lượng xấu và thu hút những kẻ săn mồi. Sau 4 năm ly hôn, chị thăng tiến trong công việc, lương cao gấp 4, sự tự tin và thành công giúp chị được nể trọng trong mắt người khác giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hải Yến cho biết càng khi phụ nữ yếu lòng, càng có nhiều năng lượng xấu và thu hút những “kẻ săn mồi”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hải Yến, công tác tại một tổ chức phi chính phủ, đồng thời là quản trị viên một group mẹ đơn thân, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này: “Giai đoạn mới ly hôn là lúc phụ nữ chông chênh nhất. Không chỉ là sự cô đơn bủa vây còn bị dị nghị, thấy có lỗi với con cái, bố mẹ. Tồi tệ nhất là sự tự ti về bản thân, nghĩ mình như đồ cũ, không ai muốn, không ai cần. Mà khi như vậy thì càng thu hút những kẻ săn mồi”.

Một người bạn cũ nhiều năm không gặp tự dưng “hiện” về tán tỉnh. Đầu tiên chỉ là mấy lời hỏi thăm qua mạng, sau đó mượn cớ nhờ giúp đỡ để hẹn gặp. “Nói chuyện được hồi lâu thì anh bạn bảo ‘tìm chỗ nào mát mẻ hơn nói chuyện đi’. Mình đã hơi nghi ngờ từ trước, câu này khiến mình tỉnh ra và đáp luôn ‘Làm thế không sợ vợ bị tổn thương à’. Anh ta xấu hổ, tìm cớ đánh bài chuồn”, chị Yến kể.

Không lâu sau tự dưng bạn trai thời đại học cũng tỏ vẻ quan tâm, sẵn sàng làm người lắng nghe. Một lần nữa Yến tỏ rõ thái độ: “Anh làm như vậy chỉ khiến cả hai người phụ nữ đều tổn thương”.

Hải Yến tập trung vào công việc, con trai và điều trị cảm xúc bên trong mình. Sau 4 năm ly hôn chị thăng tiến trong sự nghiệp, lương cao gấp 4 trước. Sự tự tin và thành công giúp chị được nể trọng trong mắt người khác giới.

Sự mạnh mẽ tài chính cũng là mục tiêu bà mẹ hai con Hoài Phương đặt ra. Chị thôi công việc nhân viên thị trường ở Đà Nẵng, chuyển vào Đăk Lăk gần nhà người dì. Tại đây Phương mở cửa hàng đồ chơi, quần áo trước cổng trường mẫu giáo, song song bán online cả những nông sản quê hương.

Về môi trường mới, Phương sắm ngay một cái nhẫn. Cô muốn che giấu kỹ tình trạng ly hôn để hai con không bị bạn bè trêu đùa hay bản thân không bị người này người kia đem ra làm chuyện để nói. Quan trọng nhất để không bị đàn ông đeo bám nữa. “Tôi đã dám ly hôn nghĩa là tự thân lo được kinh tế nuôi con chứ không cần ai bao nuôi cả”, người phụ nữ chia sẻ thêm.

Chị Tăng Duyên Hồng – giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Coins for change Viet Nam, đồng thời là admin cộng đồng mẹ đơn thân lớn nhất Việt Nam – cho biết, chị thường xuyên nhận được tin nhắn của nam giới “nhờ admin giới thiệu giùm các mẹ khó khăn để được chu cấp thêm”.

“Điều đó cho thấy các mẹ đơn thân bị quấy rối khá phổ biến”, chị nói và cho rằng nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. Không ít nam giới “luôn muốn nhiều hơn và cái gì dễ, trong tầm tay thì họ với”. Từ phía các single mom, nhiều người không tự tin, nghĩ mình đã đổ vỡ nên có ai thương là tốt rồi. “Có những người không được chồng cũ quan tâm nên khi có người thương thì cảm động, liền nghĩ là tình cảm thật lòng. Chính vì thế mà bị coi là dễ dãi”, chị phân tích.

Ngoài ra, single mom cũng rất sợ điều tiếng vì từng có một lần đổ vỡ. Đây cũng là “tử huyệt” dễ bị lợi dụng. “Khi bên nhau, single mom không dám đòi hỏi nhiều như các cô gái chưa chồng, lúc đàn ông muốn ‘rũ bỏ’ cũng dễ dàng vì các chị em không dám làm ầm ĩ”, chị Hồng nói.

Admin Hải Yến chia sẻ thêm, single mom chỉ là một trạng thái, chứ không phải là một vấn đề. Không phủ nhận xã hội ngày nay cởi mở hơn với việc ly hôn nhưng vẫn còn nhiều định kiến về phụ nữ đơn thân. Điển hình trong đó không ít người quan niệm “phụ nữ đơn thân là dễ dãi”. Single mom không chỉ chịu định kiến từ đàn ông mà cũng chịu định kiến từ chính phụ nữ. “Các mẹ đơn thân cần tôn trọng bản thân, biết mình muốn gì và thể hiện rõ quan điểm của mình dứt khoát và rõ ràng”, Hải Yến khuyên.

Sau khi Bích chia sẻ chuyện của mình lên nhóm kín xin lời khuyên, cô nhận ra bản thân đã quá yếu đuối. Tâm trạng cô luôn u sầu và tự tách mình khỏi các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp kể từ thất bại hôn nhân và phản ứng yếu ớt lúc bị người khác giới trêu đùa. Bích đang bước đầu xây dựng sự tự tin cho mình thông qua trị liệu tâm lý và tham gia các buổi sinh hoạt với những người có năng lượng tích cực.

“Khi bên trong tôi khỏe mạnh, tôi đã không còn thấy sợ những ánh mắt người ta nhìn mình nữa”, cô nói.

https://vnexpress.net/single-mom-kho-vi-bi-ga-tinh-4224637.html