Lê Nguyệt cùng chồng và con trai đã bỏ căn hộ cao cấp ở trung tâm Hà Nội để sống trong căn nhà cấp 4 xây hết 150 triệu ở Đăk Lăk.
Dưới tán cây canh-ki-na um tùm, Nguyệt vùi bã mía vào những chậu lan huệ. Dạo này cô nghiện loài hoa này, chỉ trong vài tháng đã sưu tầm được 200 giống. “Cái hay của tự do tài chính là như thế. Mình thích thì làm, không thích thì thôi”, người phụ nữ 36 tuổi, chia sẻ.
Trong nhà, cậu con trai Nhật Đan, 10 tuổi đang chơi cờ cùng bạn. Gần trưa, chồng Nguyệt xách từ rẫy về một giỏ đầy quả bơ, mít, mãng cầu, chuối… hái từ con rẫy cách nhà 2 cây số. Anh cho biết, gia đình còn một rẫy khác rộng hơn một hecta, cách 30 km, có nhiều loại quả đang vào mùa thu hoạch, nhưng chỉ để… hàng xóm ăn hộ. “Hai rẫy đều có cây đã cho quả. Chúng tôi để tự nhiên không chăm sóc vì không có nhu cầu bán nông sản”, họ cho hay.
Lê Nguyệt, 36 tuổi, cùng chồng 39 tuổi và con trai 10 tuổi đã sống cuộc đời không lo tiền bạc từ 4 năm trước – khi họ tự do tài chính. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trước khi bước sang tuổi 30, vợ chồng Nguyệt đều trải qua tuổi thơ vất vả ở quê nhà Nghệ An. Bí quyết để có cuộc sống như ngày hôm nay nằm ở 10 năm làm việc hết mình trong độ tuổi 20.
“Nếu bạn muốn cuộc sống chủ động, bất kể thế giới ngoài kia ra sao, hãy làm theo quy tắc: Phóng đại gấp 10 lần mục tiêu ban đầu và phóng đại gấp 10 lần nỗ lực để đạt mục tiêu đó, của triệu phú tự thân Grant Cardone”, cô chia sẻ.
Khi kết hôn năm 2010, cặp vợ chồng vẫn tay trắng, nhưng đặt mục tiêu hết năm 2012 sẽ mua được căn hộ 5 tỷ đồng trả góp tại quận Đống Đa. Nguyệt cất tấm bằng cử nhân sư phạm và mở một trung tâm dạy tiếng Anh. Cô “làm việc như điên” từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm hàng ngày. “Có hôm mình đang dạy thì thấy mặn mặn trong miệng mới phát hiện nói quá to, quá nhiều nên bị ra máu. Nhiều lần, khi học viên cuối cùng ra khỏi lớp, mình ngồi sụp xuống bật khóc nức nở tại sao phải một mình gồng gánh như vậy”, cô nhớ lại.
Lê Nguyệt là cử nhân sư phạm Sinh học nhưng lựa chọn đi theo con đường giáo viên tiếng Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Làm việc cật lực nhưng Nguyệt tiết kiệm từng đồng. Cô tự làm lao công quét dọn ở trung tâm để giảm chi phí. Trong nhà cũng thực hiện lối sống tối giản, hầu như không có vật gì thừa thãi.
Để có thêm động lực, cô gái trẻ còn ghi mục tiêu ra danh thiếp, đưa cho đồng nghiệp và học viên để “nhỡ có không làm được thì bị cười cho”. Thực tế, Nguyệt đã bị một số bạn “cười cho” vì bị quá deadline hơn một năm. “Nhưng bài học rút ra là cần cụ thể hóa mục tiêu. Đôi khi sẽ đạt được sớm hay muộn hơn nhưng nhất định sẽ đạt được”, cô chia sẻ.
Đạt được mục tiêu là căn nhà thứ nhất, vợ chồng Nguyệt tiếp tục áp dụng phương pháp này để mua thêm hai căn chung cư khác. Họ cũng mua được một mảnh đất ở quê, với dự định về hưu tuổi già.
Nhưng quá trình về hưu sớm nhanh hơn gấp nhiều lần họ nghĩ.
Sau chuyến đi thăm em gái út ở Đà Nẵng năm 2016, cặp vợ chồng thấy nơi đây “như chốn thiên đường” và quyết định: “Cuộc đời ngắn lắm, nên muốn làm thì cứ làm, sai thì sửa”.
Hè 2017, Nguyệt từ bỏ công việc thu nhập cao ngất ngưởng nhờ trung tâm tiếng Anh đã khá có tiếng, tặng lại cơ sở vật chất cho các bạn làm cùng. Tiền bán hai căn chung cư ở Hà Nội, họ mua một được căn nhà để cả gia đình chuyển vào Đà Nẵng. Bán đất ở quê nhà, họ góp cùng em gái mua được mảnh đất 9.000 m2 ở Hòa Vang để được “nuôi cá và trồng thêm rau”.
Đó là những tháng ngày không thể quên với cặp vợ chồng trẻ và con trai 7 tuổi. Nguyệt vùi đầu đọc sách và nghiên cứu về nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch, về cách sống xanh. Ông xã sửa nhà, làm vườn, gieo hạt ươm cây. Chiều chiều cả gia đình chơi đùa ngoài biển.
Ông xã Nguyệt và con trai nện đất làm nhà xưởng hồi cuối năm 2020, tại Đăk Lăk. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cuộc sống của gia đình nhỏ tiếp tục có một khúc quanh mới.
Một lần đi Đăk Lăk, vợ chồng Nguyệt lập tức “phải lòng” khí hậu mát mẻ, cây cỏ xanh tươi nơi đây. Hai tháng sau, họ bán mảnh đất ở Hòa Vang, dùng 1/3 tiền để mua một hecta rẫy và một mảnh vườn hơn 800 m2 ở thị xã. Ngôi nhà xây hết 150 triệu đồng. Mùa đông năm 2019, gia đình rời Đà Nẵng, chuyển đến một nơi mà với họ lý tưởng hơn.
“Ở đây quanh năm mát mẻ, buổi tối phải đắp chăn, rất hợp với mong muốn của ông xã mình không phải dùng điều hòa. Đất đai tươi tốt nên nhà ai cũng có hoa, rau quanh năm sẵn trong vườn, cả chục ngày không đi chợ cũng không thành vấn đề”, Lê Nguyệt nói.
Sống ở quê, mỗi tháng cả nhà chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng. Thu nhập thụ động từ căn hộ cho thuê ở Hà Nội và một căn gần biển Đà Nẵng cho phép họ thoải mái chi tiêu, biếu bố mẹ hoặc dùng cho các việc khác. Hai phần ba số tiền bán đất ở Hòa Vang, họ mua thêm đất rẫy, trồng cây. “Bọn mình không cần lương hưu vì chỉ cần ra vườn là có đủ thức ăn”, cặp vợ chồng nói.
Không còn lo lắng về tiền, không có nghĩa vợ chồng Nguyệt không lao động. Họ vẫn đang làm việc say mê mỗi ngày.
Ông xã Nguyệt thích DIY nên tự tay xây tường bao, đóng tủ bếp, giường hộp, bàn ghế… Còn với Nguyệt vẫn đang nghỉ hưu trong từng công việc hàng ngày. Kiến thức sinh học thời đại học cho phép cô suốt ngày nghiên cứu, lúc làm phân bón, ủ bồ hòn rửa bát, ép sa-chi lấy dầu ăn, thậm chí làm bia hoa quả bằng nấm thủy sâm kombucha.
Một số người cho rằng về hưu sớm là lười nhác, ích kỷ, bởi vì nghĩ phải làm ra tiền mới là làm việc. Vợ chồng Nguyệt thì quan niệm, hàng ngày trồng rau, chăm vườn, tỉa hoa cuốc đất vẫn là đang lao động.
Chiều tháng 7, nhìn ông xã đang đóng kệ cho mình đặt chậu cây, Nguyệt chợt nhớ lại cái câu từng hỏi anh rất nhiều lần trước và sau khi nghỉ hưu: “Anh có ước mong gì không?”. Lần nào anh cũng cười đáp: “Anh thấy mọi thứ như bây giờ rất tuyệt rồi”.
Xem thêm ảnh cuộc sống của gia đình:
Phan Dương
Nguồn: https://vnexpress.net/vo-chong-nghe-an-nghi-huu-o-tuoi-30-4308996.html