Lãnh đạo UBND TP HCM đề nghị cơ quan chức năng cần thấy trách nhiệm của mình và tập trung xử lý tình trạng tiếng ồn karaoke tra tấn người dân.
Yêu cầu này được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với chủ tịch UBND 312 phường, xã, thị trấn sáng 26/2. Đây là hoạt động thường niên của UBND thành phố với lãnh đạo các địa phương vào đầu năm.
Người đứng đầu chính quyền TP HCM cho hay ông thường xuyên nhận phản ánh của người dân về tiếng ồn từ các “hung thần karaoke tự phát”, nhất là sau 10h đêm. “Người dân ban ngày đi làm, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Đừng xem chuyện này là bình thường”, ông Phong nói.
Trước đó, ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp cho biết các địa phương đang gặp khó khăn khi xử lý vấn đề hát karaoke gây tiếng ồn tại khu dân cư. Bởi cơ chế xử lý đã có nhưng khó thực thi do cán bộ phường không thể đo tiếng ồn để có cơ sở xử lý. Do đó thành phố cần quy định sử dụng phần mềm đo tiếng ồn để cán bộ cơ sở cài, đo và xử lý khi cần.
Về vấn đề này, ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho rằng tiếng ồn karaoke không chỉ phát sinh từ các dịch vụ kinh doanh âm nhạc mà còn từ hộ gia đình, gây ồn ào cho hàng xóm. Bên cạnh đó, tiếng ồn còn phát sinh từ karaoke loa thùng, loa kéo tại các quán ăn ngoài trời.
Ông Trực cho biết ngành môi trường sẽ rà soát, phối hợp các sở ngành thành lập một tổ liên ngành có công an, các sở và địa phương để đi xử phạt, lập biên bản. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề xuất những giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề này.
Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho hay hiện các cơ quan chức năng đều có ý kiến khác nhau về vấn đề tiếng ồn karaoke, có nơi còn xem đây không phải là công việc của mình. Quy định pháp luật rất cụ thể những việc áp dụng pháp luật, phân định trách nhiệm các đơn vị, sở ngành còn nhiều vướng mắc.
Theo ông Hoan, cơ quan chủ đạo xử lý vấn đề này là Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Để thực thi đúng trách nhiệm, cơ quan này cần rà soát lại các quy định pháp luật liên quan văn hóa, môi trường, an ninh trật tự…, từ đó cập nhật cẩm nang hướng dẫn cho cơ sở.
Tình trạng tiếng ồn karaoke tra tấn người dân bằng loa kéo đã từng được Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM nêu ra tại kỳ họp HĐND thành phố giữa năm ngoái. Các đại biểu HDNĐ thành phố cũng đã chất vấn về vấn đề này.
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Thanh Nhân cho biết, Sở đã lập hai đoàn thanh tra liên ngành văn hóa – xã hội để xử lý tiếng ồn. Tuy nhiên theo Nghị định 67, Sở không có chức năng đo tiếng ồn nên phải thuê đơn vị khác, việc xử lý tiếng ồn thuộc về công an. Mức xử phạt hành vi gây tiếng ồn còn thấp.
“Nếu tiếng ồn xảy ra ở địa bàn dân cư, việc xử lý thuộc trách nhiệm chủ tịch UBND và trưởng công an địa bàn đó”, ông Nhân nói và đề nghị các quận, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường xử lý tiếng ồn, tránh để xảy ra những mâu thuẫn đáng tiếc.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết năm 2013, Chính phủ đã có Nghị định 167 để kiểm soát tiếng ồn sau 22h đến 6h sáng. Tại TP HCM, 6 tháng đầu năm 2020, có 46 trường hợp bị lập biên bản và xử lý. Mức phạt chỉ ở mức 100.000-300.000 đồng nhưng cũng là giải pháp chấn chỉnh việc gây ồn trong khu dân cư.
“Ngành Tài nguyên – Môi trường sẽ tiếp thu vấn đề Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã nêu về tiếng ồn do karaoke loa kéo gây ra để tham mưu UBND thành phố hướng dẫn các quận, huyện”, ông Thắng nói.
Điều 6 Nghị định 167 quy định, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 – 300.000 đồng.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).