Dường như không ai có điện thoại mà không một lần tức điên vì những cuộc gọi ‘Anh ơi/Chị ơi, bên em có…’ vào thời điểm không mong muốn. Số điện thoại cá nhân vẫn đang bị lạm dụng để kiếm tiền
Chủ thuê bao số điện thoại 0905654… của MobiFone nhận rất nhiều tin nhắn rác – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dư luận đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc xử phạt nặng hành vi làm lộ thông tin cá nhân của người khác. Nhưng ai phạt, phạt ai, phạt sao cho xuể những người trục lợi từ thông tin riêng của người khác? Những quy định và cách xử lý hiện nay vẫn chưa đủ mạnh.
“Trêu tức” người dùng điện thoại
Thông tin cá nhân bị tiết lộ dùng vào mục đích quảng cáo là phổ biến nhất. Bộ Công an cũng vừa đề xuất xử phạt 50 – 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân như tên, năm sinh, số điện thoại… chưa được sự đồng ý của cá nhân.
Nghe cũng mừng vậy nhưng chưa biết khi nào có thể phạt và nhìn lại thực tế vẫn thấy việc mua bán thông tin cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư đang diễn ra hằng ngày.
Theo nghị định 91/2020/NĐ-CP, từ ngày 1-10-2020 chủ thuê bao vi phạm về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 100 triệu đồng. Sau ngày này, tôi vẫn nhận được cuộc gọi quảng cáo từ nhà mạng dù đã đăng ký từ chối quảng cáo qua đầu số 5656.
Sau khi tôi phản ảnh, không thấy quảng cáo của nhà mạng nhưng ngay trong ngày đó tôi vẫn nhận được tin nhắn quảng cáo cho vay tiền, thuê bao gửi giấu số, chỉ hiện tên công ty. Việc báo cáo vi phạm khó khăn hơn, thao tác phức tạp hơn.
Tìm hiểu thêm tôi mới biết cách gửi đúng cú pháp nội dung này đến tổng đài để báo cáo vi phạm và nhận liền được phản hồi đã gửi thành công. Tưởng 5656 sẽ “để mắt” đến tin nhắn quảng cáo và vi phạm để xử lý tận gốc, không lâu sau tôi vẫn nhận được tin nhắn quảng cáo cho vay tiền cùng nội dung từ chính công ty này.
Tôi gọi thẳng lên tổng đài phản ảnh việc chặn tin quảng cáo chưa hiệu quả, được lời xin lỗi và tôi đã “thoát” được những tin nhắn quảng cáo không mong muốn từ công ty này. Nhưng tôi vẫn nhận được đủ kiểu tin nhắn khác với nội dung có mùi lừa đảo hoặc chào mời dịch vụ phải trả phí… 5656 vẫn không phải là lá chắn hoàn hảo cho người dùng trước các chiêu trò quảng cáo.
Đã có luật nghiêm nhưng vẫn có người không ngán? Chỉ có một lý do: khách hàng – cũng là nạn nhân – chưa được bảo vệ tốt nhất.
“Tổng thống hay sao mà không gọi được”
Cơ quan chức năng đã đăng tải công khai danh sách thuê bao không nhận tin quảng cáo, công ty, cá nhân muốn gọi hay nhắn tin quảng cáo phải tra thông tin kỹ lưỡng tránh nguy cơ bị phạt. Nhưng không ít chủ thuê bao trong danh sách này vẫn bị nhân viên quảng cáo quấy rầy.
Gần đây, trên mạng có clip về câu chuyện một người phản ứng gay gắt khi bị quảng cáo làm phiền, kẻ làm phiền tỏ thái độ ngông nghênh: “Bộ là tổng thống hay sao mà tôi không gọi được? Tôi gọi đó, có giỏi thì ngắt đi, lêu lêu…”.
Câu chuyện trên có thể là tiêu biểu của việc cố tình lạm dụng thông tin cá nhân người khác để quảng cáo dịch vụ, một cách ứng xử bất chấp pháp luật vẫn đang “tràn đồng” hiện nay.
Cũng phải công bằng nhìn nhận từ khi sử dụng đầu số 5656, tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo “rác” đến máy tôi giảm hẳn.
Tôi hiểu rằng những doanh nghiệp, người làm ăn uy tín đã chọn cách quảng cáo văn minh hơn, chấp hành pháp luật. Nhưng không phải tất cả. Để những quy định bảo vệ thông tin cá nhân có tác dụng cao nhất, ngoài việc bảo vệ thông tin của cá nhân cần xử phạt nghiêm, công khai những cá nhân, tổ chức sai phạm trong việc sử dụng thông tin riêng của người khác để kiếm lợi.
Truy trách nhiệm đơn vị “giữ kho”
Sắp tới đây, khi cả nước hoàn thành kho dữ liệu quốc gia về dân cư, bỏ quyển sổ hộ khẩu, tấm căn cước công dân sẽ đảm đương sứ mệnh tích hợp nhiều loại giấy tờ khác thì dữ liệu cá nhân càng phải được bảo mật tối đa. Nếu lộ coi như lộ tất cả.
Ngày càng có nhiều đơn vị trong tay nắm dữ liệu cá nhân của rất nhiều người. Chuyện có được số điện thoại, địa chỉ của ai đó dễ như trở bàn tay. Từ chuyện tin nhắn rác, cuộc gọi làm phiền đến các kiểu quảng cáo dịch vụ và liều lĩnh nhất là các kiểu tin nhắn cho vay tiền vẫn sống sờ sờ bất chấp pháp luật. Tác hại hơn nữa là chuyện dùng thông tin của người khác để bôi nhọ nhau. Chưa nghe thấy nhiều vụ bị phạt thích đáng nên chưa ai ngán.
Tôi vẫn hay hỏi những nhân viên tiếp thị gọi cho mình về nguồn gốc thông tin cá nhân của tôi vì đâu họ có. Họ đều né tránh, tôi hỏi dồn họ sẽ cúp máy.
Đề xuất mức phạt nặng của Bộ Công an là rất phù hợp để răn đe hành vi mua bán, trao đổi thông tin cá nhân người khác. Người dân hi vọng nhờ đó sẽ đỡ bị “quấy rối”. Nhưng làm thế nào để phát hiện và xử lý đúng người tiết lộ dữ liệu cá nhân khi những người đang sử dụng thông tin cá nhân cố che giấu xuất xứ thông tin mình đang có?
Chúng ta đã bỏ ngỏ việc quản lý dữ liệu thông tin cá nhân quá lâu, thông tin riêng tư đang bị xâm phạm vô tội vạ. Xử phạt sao cho xuể nếu chưa có những ràng buộc với các đơn vị đang có “kho” thông tin cá nhân phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, khoa học trong khâu lưu trữ thông tin.
Sau đề xuất của Bộ Công an, chắc chắn những trường hợp mua bán thông tin cá nhân có thể sẽ đối phó tinh vi hơn. Vì vậy, muốn xử phạt được cần có những biện pháp khoa học, kịp thời. Và chúng tôi mong chờ những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân ở những nơi đang có “kho dữ liệu này”. Thay vì chờ có “chứng cứ” để phạt, cần có quy định buộc họ phải chấp hành việc bảo vệ thông tin cá nhân của người khác. (HỮU CHƠN)
Nguồn: https://tuoitre.vn/gap-phai-quang-cao-quay-ray-bo-la-tong-thong-hay-sao-ma-khong-goi-duoc-20210222215639409.htm