Theo lịch trình, đáng lẽ đến ngày 17-3 ông Vũ Ngọc Anh (62 tuổi, ở Hà Nội) mới đáp chuyến bay về đến Việt Nam. Tuy nhiên, Hãng Vietnam Airlines đột ngột thay đổi lịch trình. Khó khăn lớn nhất là có một số nước không cho quá cảnh, ông phải đổi vé máy bay quyết định bay từ Đức về, quá cảnh ở sân bay Bangkok rồi mới về đến Việt Nam.
“Chỉ có 2 ngày quyết định đổi vé máy bay, tối 14-3 là bay từ Đức về, tôi phải thay đổi các hoạt động, lịch trình”, ông nhớ lại.
Theo tờ khai y tế, hành trình ông đi qua gồm Pháp, Monaco, Đức và sau đó về đến Việt Nam. Ông kể nước cuối cùng mình đến là nước Đức nhưng chỉ ở đây có một ngày, tình hình ở nước này chưa nghiêm trọng bằng các nước Pháp, Ý hay Tây Ban Nha.
“Lo ngại lớn nhất là sợ rằng sau khi có lệnh cấm bay sẽ có lệnh cấm biên, mà đã cấm biên thì không có hãng nào bay được nữa, mọi người hốt hoảng để tìm các hãng máy bay bay về. Đây là tâm trạng chung, ai cũng muốn làm thế nào đó để nhanh chóng về Việt Nam”, ông Vũ Ngọc Anh giãi bày.
Ông kể ai cũng mong muốn về Việt Nam cũng bởi họ chia sẻ với nhau rằng hệ thống y tế cộng đồng, y tế dự phòng của nước mình có hiệu quả. Ông chia sẻ: nước mình cách ly từ rất sớm, chứ ở châu Âu người ta rất chủ quan với dịch bệnh.
“Họ vẫn đi lại ngoài đường, vẫn ăn uống, tiếp xúc, thậm chí còn tổ chức cả biểu tình trong tình trạng thế này, thực sự rất đáng lo ngại. Đấy là lý do khiến người Việt mong muốn trở về”, ông nói.
19h30 ngày 15-3, ông đáp chuyến bay về đến sân bay Nội Bài, được lấy mẫu xét nghiệm, kê khai y tế và được đưa về khu cách ly tại trung đoàn 59, sư đoàn bộ binh 301, Bộ tư lệnh Thủ đô. Từ sáng nay, ông cùng 143 công dân khác được đo nhiệt độ 2 lần/ngày, phun thuốc khử trùng liên tục.
“Đây là đất nước của mình, mình phải về thôi, về sớm hay về muộn cũng về. Gia đình, mọi người ở đây thì phải về thôi”, ông Vũ Ngọc Anh quả quyết.
Với Đinh Thị Quỳnh Anh (24 tuổi, quê ở Thanh Hóa), hành trình về đến Việt Nam quả thực khó khăn. Học master, sống cách London chừng 216 dặm, Quỳnh Anh phải đặt mãi mới mua được vé máy bay từ London, transit ở Bangkok và về đến sân bay Nội Bài.
“Đáng nhẽ sang tuần mới về Việt Nam nhưng đùng phát Vietnam Airlines hủy chuyến, mình sợ không thể về Việt Nam sớm được, nên mình đặt luôn vé máy bay của Thai Airways. Lúc đầu đặt vé hết nhanh lắm, mới đầu chỉ 481 bảng Anh nhưng đang thanh toán nhảy vọt lên 681 bảng Anh”, cô chia sẻ.
Đặt chân về đến sân bay Nội Bài, Quỳnh Anh rưng rưng nhớ lại cảm giác lúc đó: “Nhớ không nhầm là khoảng 1h30 sáng, chừng 30 phút sau các anh bộ đội gọi có mì tôm xuống ăn. Thực sự mình cảm thấy may mắn, nghĩ trong đầu ‘cuối cùng cũng về đến Việt Nam, có bị hay không cảm giác cũng an toàn, sống rồi'”.
Về đến trung đoàn, Quỳnh Anh cùng 143 công dân Việt Nam khác hiểu rõ sự cần thiết phải cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Mọi người bình tĩnh, tự nguyện và tuân thủ các quy định về an ninh hàng không, về y tế cũng như quy định của bộ đội khi tiếp nhận công dân Việt Nam trở về.
Tại trung đoàn 59, loa truyền thanh liên tục phát đi thông tin về phòng chống dịch COVID-19, các thông tin về dịch bệnh liên tục được cập nhật từ truyền hình, báo chí cho người dân nắm rõ.
Từ 22h đêm 15-3 đến 2h30 ngày 16-3, trung đoàn 59 tiếp nhận 144 công dân Việt Nam về từ Anh, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ba Lan, Mỹ, Hà Lan…, trong đó có 5 trẻ em dưới 14 tuổi.
Theo quy định, các công dân sẽ được cách ly 14 ngày tại đơn vị để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Trước đó, 158 công dân trở về từ vùng dịch Hàn Quốc đã hoàn thành cách ly sau 14 ngày tại đây và trở về với địa phương.