Một nhà máy ở Bình Dương đã vận động công nhân ở lại, đảm bảo sản xuất, ngăn Covid-19 tấn công.

Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt làn sóng dịch đã xuất hiện tại các khu công nghiệp (KCN). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp cũng như đời sống công nhân. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã có những giải pháp để vừa đảm bảo phòng dịch vừa ổn định sản xuất.

Mới đây MXH xôn xao chia sẻ về đoạn clip ghi lại buổi làm việc của một công ty ở Bình Dương trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng điều khiến mọi người quan tâm chính là nội dung của cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo công ty và công nhân khiến ai nấy không khỏi xúc động.

Lãnh đạo công ty vận động công nhân ở lại nhà máy

Theo đó, một người đàn ông được cho là lãnh đạo của công ty đang vận động công nhân ở lại nhà máy duy trì sản xuất trước tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Người đàn ông này nói:

Khi ở lại công ty các anh chị em được lo đầy đủ cơm nước, mọi người sẽ được phục vụ suất ăn sáng trị giá 15k ngoài 2 suất ăn trưa chiều theo quy định. Đặc biệt những ai ở lại tăng ca sau 20h sẽ được phục vụ thêm một bữa ăn nhẹ. Những phần ăn này có thể là mỳ, hủ tiếu đầy đủ trứng, thịt để đảm bảo dinh dưỡng cho mọi người. Tất cả chi phí đó công ty sẽ bỏ toàn bộ.

Nếu như đó là những đãi ngộ mà hầu hết các công ty nào cũng có thì công ty này có thêm một đãi ngộ mà không phải công ty nào cũng làm được đó là sẽ có phụ cấp cho mỗi người 1 triệu đồng để mọi người chi tiêu lặt vặt.

Người đàn ông này cũng không quên nhắc nhở mọi người nhớ quẹt vân tay chấm công đầy đủ vì làm việc cả ngày thường quên.

Mặc dù đây không phải là quy định bắt buộc mọi người ở lại công ty nhưng vị lãnh đạo này vận động mọi người nên ở lại bởi vì khi không ở lại, sẽ phải đi đi về về, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Đặc biệt, vị lãnh đạo này còn cam kết sẽ xét nghiệm cho toàn bộ anh chị em công nhân, để mọi người an tâm làm việc và toàn bộ chi phí sẽ do công ty chi trả.

Vị giám đốc đang vận động công nhân ở lại nhà máy.

Sau khi vận động mọi người ở lại nhà máy, nhà xưởng, vị lãnh đạo này còn rất tâm lý cho mọi người thời gian suy nghĩ cẩn thận kỹ càng rồi đăng ký lại với quản đốc.

Trước những lời lẽ, thái độ hết sức chân thành của vị lãnh đạo, nhiều công nhân dường như đã quyết định sẽ ở lại xưởng, nhưng họ vẫn còn một vài băn khoăn về chỗ ở. Lập tức họ nhận được một câu trả lời không thể ấm lòng hơn:

“Đây là trách nhiệm của công ty… Anh chị em công nhân là tài sản của công ty đấy, quản đốc phải phối hợp với các bên chuẩn bị chỗ ngủ sạch sẽ, lắp đặt vòi sen, nhà tắm cho các anh chị em nghỉ ngơi, giặt giũ…”.

Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, các ý kiến đều không khỏi xúc động trước thái độ chân thành của vị lãnh đạo với công nhân.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt nhiều KCN tại địa phương đã có các trường hợp nhiễm bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống công nhân.

Chính vì vậy hành động của vị lãnh đạo này nói riêng và công ty này nói chung đã giúp đỡ rất nhiều cho công nhân đang làm việc tại đây. Hành động này đồng thời cũng giúp ngăn chặn Covid-19 tấn công vào các nhà máy, xưởng sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp này mà trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương cũng đã tiến hành áp dụng mô hình này khi dựng lều trại cho công nhân ở lại nhà máy.

Xí nghiệp lốp Radial, chi nhánh Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) là doanh nghiệp điển hình khi vận động, khuyến khích gần 500 công nhân ở lại nhà máy.

Doanh nghiệp này đã trang bị các lều 3m2 cho mỗi người. Tất cả công nhân nam ở trong các lều cắm trại, 24 lao động nữ được bố trí ở khu ký túc xá dành cho chuyên gia. Mỗi người được cấp một ổ điện, quạt máy, chăn, gối, mền… Xí nghiệp phối hợp ngành y tế tổ chức test Covid-19 cho tất cả công nhân để đảm bảo không đưa mầm bệnh vào nhà máy. Đồ dùng người nhà tiếp tế phải qua thang trượt ở cổng và phun khử khuẩn trước khi đến tay người nhận.

Ngoài miễn phí 3 bữa ăn chính, 2 bữa phụ, mỗi lao động còn được nhà máy hỗ trợ 150.000 đồng mỗi ngày. Ông Phúc cho biết khu lưu trú tạm có nội quy chặt chẽ, yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ngoài mở các sân chơi thể thao, xí nghiệp còn hỗ trợ chi phí, vật dụng để 3 công nhân biết nghề cắt tóc “mở tiệm” phục vụ người có nhu cầu.

Những lao động còn lại làm việc tại nhà hoặc nghỉ vẫn sẽ được hưởng lương tối thiểu.

 

Theo Hạ Vũ/ Pháp luật và Bạn đọc