Tại sao không phải là chiến dịch “Ba ơi hãy mang bao cao su” hay “Anh chị ơi chưa đủ ăn thì đừng đẻ em ra”? Mặc dù đang kêu gọi bảo vệ trẻ em và phụ nữ nhưng sâu trong tư tưởng của các bạn, chính phụ nữ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về việc có thai và chấm dứt thai kỳ. Đàn ông vô can!
Các bạn đang quan tâm đến chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con” kêu gọi ban hành Luật cấm nạo phá thai phải không?
Trước nhất, với cá nhân tôi, cụm từ trong ngoặc trên kia quá sức rùng rợn.
Tôi sẽ kể các bạn nghe một câu chuyện trước khi phân tích tính hợp lý của chiến dịch.
Chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con!” gây tranh cãi ngay từ cái tên và việc đưa những đứa trẻ vào bộ ảnh tuyên truyền.
Những người con bại não, những đứa trẻ lang thang…
Cách đây hai năm, khi đi công tác tại một tỉnh miền núi, tôi gặp một gia đình hết sức đáng thương. Hai vợ chồng không nghề nghiệp ổn định, anh đi đào giếng thuê, chị làm cỏ cao su mướn, chạy ăn từng bữa. Nhưng họ có đến 6 đứa con, trong số đó 4 đứa bị bại não.
Tôi có thể tả lại cho bạn “ngôi nhà” rách nát nằm sâu tít trong rừng cao su, nền nhà lót bằng những viên gạch đủ loại đủ cỡ đi xin được, cạnh đó vẫn loang lổ nền đất thó. Tôi có thể tả lại cho bạn gương mặt ngơ ngác vô hồn của 4 đứa trẻ, mà đứa con gái lớn nhất đã 18 tuổi nhưng vẫn ngây ngô tụt quần ra thay trước mặt đông đúc người lạ. Có thể tả cho bạn mùi tanh khăn khẳn bốc lên từ quần áo, đầu tóc, thân hình những đứa trẻ không tự chủ được hành vi, cái mùi tanh luẩn quẩn trong cả ngôi nhà không thể làm tan đi được. Có thể tả sự bối rối và sợ hãi của những cô gái trong nhóm chúng tôi bị một chàng thanh niên 20 tuổi cứ cười hì hì lao vào ôm ghì lấy và bế xốc lên.
Nhưng tôi sẽ không thể tả lại cho bạn nỗi đau đớn và bất lực của người mẹ, khi đã có đến 2 đứa con gái của chị bị hiếp dâm. Và cả bạn, cả tôi, chúng ta sẽ không thể nào hình dung nổi gia đình ấy đã làm cách nào để hàng ngày có miếng cơm vào bụng, khi vừa phải trông nom 4 đứa con không bình thường, vừa phải đi chạy ăn từng bữa.
Đứa đầu bị bại não. Đứa thứ hai lành lặn. 3 đứa tiếp theo đều bị bại não. Đứa út lành lặn. Nhưng cả hai đứa lành lặn đều không được chăm lo học hành đầy đủ.
Mà cả hai anh chị đều khỏe mạnh, anh trên 40 tuổi, chị chưa đến 40, đều đang trong tuổi sinh sản. Họ còn có thể đẻ nữa.
Tôi hỏi chị tại sao đẻ đến đứa thứ hai bị bại não vẫn tiếp tục đẻ. Sao không ngừa thai, khám thai thật kỹ, thậm chí triệt sản? Đẻ ra vậy khổ đứa bé, khổ cả nhà, chị có lường được không?
Chị vừa ngượng ngập vừa cam chịu nói chị không được phá thai, có bao nhiêu con, khổ cách nào cũng phải đẻ.
– Thì yêu cầu chồng chị chủ động phòng ngừa.
– Không, chồng chị không đồng ý.
Tôi lên gặp linh mục sở tại. Cha xứ mới được đổi về nhưng đã nắm rất rành rẽ câu chuyện của gia đình chị. Cha hứa sẽ thuyết phục anh chị và tìm cách đưa các em vào những mái ấm để được nuôi dưỡng tốt hơn, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho chúng. Anh chị được nhẹ gánh để tập trung làm việc kiếm tiền, lo cho tương lai mấy đứa trẻ.
Đã nhiều lần chúng tôi tìm cách gửi bọn trẻ vào các mái ấm, nhưng nuôi 4 đứa trẻ chậm phát triển trí não quá khó khăn về tài chính. Bảo đảm an toàn cho chúng và cho cả người nuôi dưỡng càng khó hơn.
Suốt hai năm qua, câu chuyện trên canh cánh trong lòng chúng tôi.
“Bầu cho quyền được phá thai” vào cuối tháng 5 năm nay ở Ireland (ảnh: the atlantic).
Bạn có biết những trường hợp như trên không quá hiếm hoi không?
Trong những lần đi thăm gia đình những trẻ bị xâm hại tình dục, chúng tôi gặp rất nhiều người mẹ sinh con lần đầu lúc còn quá trẻ, mới 15, 16 tuổi. Do sợ tai tiếng, họ lấy nhau-gần như hai đứa trẻ lấy nhau, rồi sinh ra một đứa trẻ khác. Hai vợ chồng thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm sống nên mau chóng tan vỡ. Vài năm sau, người mẹ lại lấy chồng, tiếp tục có con với người chồng mới. Những đứa trẻ may mắn thì được mẹ đem theo, nhưng khá nhiều đứa phải ở với nội ngoại vì mẹ nó không gắn bó với nó-đứa con sinh ra ngoài ý muốn. Có những người mẹ lấy hai ba đời chồng, sinh ra ba bốn đứa con rồi bỏ luôn mặc xác. Chúng tự sinh tự diệt, hầu hết sống lang thang bụi đời. Những đoàn lân sư rồng của Sài Gòn cưu mang rất nhiều những đứa trẻ như vậy.
Nếu những người cha người mẹ bất đắc dĩ trên chủ động ngừa thai hoặc dám chấm dứt thai kỳ khi còn kịp. Nếu người mẹ của 4 đứa trẻ bại não đủ kiến thức để hiểu chị hoàn toàn không có lỗi khi chúng bị bại não, nhưng chị sẽ có tội khi cứ sinh chúng ra rồi không nuôi nấng chúng chu toàn. Nếu chị đủ mạnh mẽ để đòi hỏi quyền được lựa chọn mang thai và sinh con chứ không nhắm mắt phụ thuộc vào chồng, thì sẽ ít đứa trẻ bị bỏ rơi hơn, gia đình chị sẽ ít đứa con bị tâm thần hơn.
Vợ chồng chị cũng sẽ có nhiều thời gian và tinh thần đi kiếm tiền và chăm sóc nhau hơn. Bi kịch của hai đứa trẻ bị hiếp dâm nhiều khả năng không xảy ra. Và hai đứa trẻ khỏe mạnh không bị tách cha mẹ mà vẫn được ở trong gia đình, vẫn sum vầy và no ấm.
Việt Nam phá thai top 3 thế giới, vì đâu?
Quay lại với dự án “Mẹ ơi! Đừng giết con”.
Theo nghiên cứu của BBC dựa theo các xu hướng tìm kiếm trên internet và tỷ lệ phá thai (công bố vào tháng 6/2018), tại các quốc gia cấm tuyệt đối việc phá thai hoặc chỉ cho phép trong trường hợp cứu mạng người mẹ, số lượng tìm kiếm thuốc phá thai Misoprostol cao hơn gấp 10 lần so với các quốc gia không cấm. Ở một nửa số quốc gia được nghiên cứu, “các biện pháp phá thai tại nhà” là nội dung tìm kiếm phổ biến nhất trên internet.
Là vì bị cấm phá thai hợp pháp nên họ phải tìm cách phá “chui”.
Điều này vô cùng nguy hiểm.
Một số phụ nữ treo móc áo và những dòng chữ bên ngoài Lãnh sự quán Ba Lan ở London, chia sẻ những câu chuyện của họ và kêu gọi quyền được phá thai (ảnh: NBC).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, không có “biện pháp phá thai tại nhà” bằng thảo mộc nào là an toàn. Đồng thời, rất khó kiểm soát được liều lượng và tác dụng phụ của nó. Tiếp đó, nếu quá trình tự phá thai có gây tác dụng phụ, người phụ nữ cũng thường không đi khám ở bệnh viện, vì ngại điều tiếng.
Còn ở Việt Nam, đâu là lý do khiến tỷ lệ phá thai xếp vào hàng top 3 thế giới, trong khi pháp luật vẫn cho phép phá thai?
Bà Phan Hương Giang, Quản lý Hợp tác, Chính sách và Tác động của tổ chức Marie Stopes Việt Nam (Tổ chức phi chính phủ, cung cấp các giải pháp kế hoạch hóa gia đình) cho biết, một trong những nguyên nhân là do thiếu kiến thức về các biện pháp tránh thai. Việc này chịu ảnh hưởng từ một quan niệm đã lỗi thời nhưng vẫn còn rất phổ biến tại Việt Nam, đó là quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn còn bị cấm kỵ: “Phụ nữ mang thai trước khi kết hôn thường phải đối mặt với sự kỳ thị từ xã hội. Kết quả, họ phải đến các phòng khám tư để phá thai bí mật”.
Một yếu tố khác góp phần tăng tỉ lệ phá thai là chính sách chỉ sinh hai con có từ những năm 1960. Tuy đến nay chính sách này đã bị xóa bỏ nhưng hệ quả của nó vẫn còn.
Đặc biệt, với tâm lý thèm khát con trai ở khá nhiều người Việt thì việc phá thai khi biết thai nhi là con gái vẫn rất phổ biến.
Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mức sinh học tự nhiên của giới tính khi sinh là 103 – 107 bé trai/100 bé gái. Nhưng do tâm lý khát con trai, tỉ lệ này ở Việt Nam là 113,8/100 (năm 2013), và đến nay vẫn dao động quanh ngưỡng 112,2/100.
Vẫn theo Tổng cục Dân số, ở lần sinh thứ ba trở lên, áp lực bắt buộc phải có con trai thể hiện mạnh mẽ nhất: 120,2 bé trai/100 bé gái. Với các cặp vợ chồng chưa có con trai, nó lên tới 148,4/100.
Hiện tượng này rõ ràng nhất ở đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.
Như vậy đã khá rõ ràng để kết luận muốn giảm tỷ lệ phá thai, trước nhất phải trang bị đủ kiến thức về phòng tránh thai, sau đó xóa bỏ những quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ vốn đã ăn quá sâu vào người Việt.
Con dao mổ trong tay người bác sĩ không giải quyết được gì, mà chính mỗi người phải tự mổ xẻ, khoét bỏ hẳn những tư tưởng cổ hủ trong bản thân mình.
Cách làm phản cảm, hệ thống lý luận sơ sài
Theo hai “chủ xị” chiến dịch kêu gọi ban hành Luật chống phá thai, đây là những lý do chính:
1. Phá thai là vô nhân đạo.
2. Có luật, phụ nữ sẽ tự tin yêu cầu nam giới dùng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.
3. Trên thế giới đã có nhiều nước cấm phá thai.
4. Bảo vệ đất nước khỏi sự thiếu hụt dân số trong tương lai.
5. Bảo vệ sức khỏe phụ nữ.
Các bạn cũng đã rất thận trọng khi nêu ra các ngoại lệ được phép phá thai như: bị hãm hiếp, hôn nhân cùng huyết thống, bị các trường hợp ngặt nghèo phải chấm dứt thai kỳ.
Mục đích của chiến dịch này theo các bạn, là làm khó việc phá thai đến nỗi không ai dám phá nữa, từ đó phải tuyệt đối ý thức trong việc có thai và phòng tránh thai.
Chiến dịch kêu gọi chữ ký để ban hành “Luật cấm nạo phá thai” nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua.
Thật là ý tưởng đẹp đẽ, hết sức lãng mạn và cũng hết sức cực đoan, thật đặc trưng của tuổi trẻ. Cho dù tin chắc chiến dịch này sẽ thất bại chính vì sự lãng mạn và cực đoan của nó sẽ vỡ tan khi đụng vào thực tế cuộc sống, tôi vẫn chân thành cảm phục và hết sức muốn động viên tinh thần các bạn. Đừng sợ sai. Chỉ khi sai, chúng ta mới nhận biết sâu sắc đâu là cái hợp lý hơn, và mỗi việc làm sai cũng chính là các bậc thang đưa chúng ta lên cao hơn vào các tầng kiến thức. Các bạn còn rất trẻ, cứ dám làm và dám trả giá.
Thế nhưng, xin có vài lời góp ý. Việc dùng những đứa trẻ đang độ tuổi nhi đồng cười tươi giơ bảng “Mẹ ơi! Đừng giết con” khiến tôi dựng tóc gáy vì sự áp đặt và nội dung rùng rợn. Đây là cách các bạn bi thảm hóa vấn đề nhằm đánh vào cảm xúc người khác, nhưng nó vừa phản cảm vừa vi phạm pháp luật. Đứa trẻ hoàn toàn chưa ý thức được ý nghĩa khủng khiếp của câu nói, cũng như việc nó (được người lớn chỉ dẫn) làm, và hình ảnh của nó tràn lan trên mạng xã hội. Dám gắn câu nói này lên miệng một đứa trẻ cụ thể, các bạn thật quá liều lĩnh.
Đây là cách các bạn bi thảm hóa vấn đề nhằm đánh vào cảm xúc người khác, nhưng nó vừa phản cảm vừa vi phạm pháp luật.
Phản cảm và sai lầm thứ hai: các bạn mặc định việc phá thai hoàn toàn là trách nhiệm của MỘT MÌNH người phụ nữ!
Đúng như nhiều ý kiến phản kháng dự án, tại sao không phải là chiến dịch “Ba ơi hãy mang bao cao su” hay “Anh chị ơi chưa đủ ăn thì đừng đẻ em ra”? Ơ kìa, anh đang ở đâu đấy anh? Từ xưa đến nay có mỗi một mình mẹ của Thánh Gióng đi ướm dấu chân về rồi có thai “mình ên”. Sau bà, lịch sử chưa hề lặp lại đâu đấy.
Thôi, thừa nhận đi nào, mặc dù đang kêu gọi bảo vệ trẻ em và phụ nữ nhưng sâu trong tư tưởng của các bạn, chính phụ nữ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về việc có thai và chấm dứt thai kỳ. Đàn ông vô can!
Đáng lo ngại hơn, tư tưởng này bám sâu đến nỗi chính các bạn không tự ý thức được điều đó. Do vậy, dự án của các bạn vừa rời rạc vừa trùng lắp, vừa định kiến vừa lỏng chỏng, không chỉ ra được những nguyên nhân thực sự của hiện trạng, cho nên bị phản đối trên khắp các mặt trận.
Vậy thôi, xin ghi nhận tấm lòng của các bạn, và chúc dự án không thành công.
Bài viết theo quan điểm của nhà báo Hoàng Xuân, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM