Hiện tại, vấn đề nhạy cảm này đang được netizen bàn tán rôm rả trên khắp các diễn đàn thuộc mạng xã hội.
Những ngày qua, dịch COVID-19 xuất hiện tại TP.HCM khiến người dân lo lắng, bất an và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh ở thành phố lớn nhất nước. Sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế, vào ngày 30/6, hơn 300 sinh viên cùng 9 cán bộ giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tổ chức lễ xuất quân lên đường chi viện cho TP.HCM chống dịch.
Cũng theo đại diện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương , tính từ đợt dịch thứ 3 đến nay, cán bộ giảng viên, sinh viên của đơn vị đã có 2 tháng tham gia phòng chống dịch tại tỉnh Hải Dương và 40 ngày tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tuy nhiên, cho đến khi vào mảnh đất TP.HCM, mới có nhiều ồn ào xảy ra.
Đầu tiên, phải kể đến hình ảnh các em mặc áo blouse trắng ra sân bay và đi máy bay được chia sẻ rầm rộ. Khoảnh khắc này khiến nhiều người cảm thấy là phô trương, “làm màu” và sai quy định. Đáng chú ý phải kể đến Bảo Nhân – đạo diễn của loạt phim “Gái Già Lắm Chiêu” và dòng status tỏ ý thắc mắc, đặt câu hỏi mỉa mai: “Tại sao mặc áo blouse trắng đi ra khỏi Bệnh viện rồi còn đi ra sân bay vậy nhỉ? Có ai hiểu quy tắc của việc mặc áo blouse trắng không nhỉ?”.
Khi được một cư dân mạng lên tiếng, góp ý nhắc nhở vị đạo diễn này rằng: “Các bạn không phải y bác sĩ, các bạn chỉ là các kỹ thuật viên và ngay lập tức khi rời máy bay thì tới các nơi để hỗ trợ ngày hôm qua em ơi. Nên ủng hộ chứ đừng mỉa mai như vậy”. Ngay lập tức, đạo diễn Bảo Nhân trả lời lại: “Kiến thức thấp!”.
Hay một người khác có ý kiến: “Tinh thần đi vào tâm dịch của các bạn sinh viên y tế Hải Dương rất đáng được trân trọng. Tuy nhiên, nhập gia thì nên tuỳ tục.
Trong khi các y bác sĩ ở thành phố này âm thầm chống dịch , việc các bạn tiền hô hậu ủng sẽ dễ bị chú ý. Trong khi nhiều nhân viên y tế đang phải ngủ vật vạ ở nơi làm việc, các bạn ở khách sạn 5 sao (dù được tài trợ) là phản cảm.
Đi tình nguyện là hỗ trợ, giúp đỡ và trong tình huống này có cả học hỏi. Do đó, truyền thông rầm rộ tuyên truyền thần tốc hỗ trợ, thần tốc chi viện cho thành phố, chỉ cần vài sinh viên có thái độ không tốt, chệch choạc về giờ giấc là rất dễ bị đánh giá không tốt.
Lần sau, nếu có đi đâu thì mong các bạn bớt ồn ào đi. Các bên tổ chức cũng nên rút kinh nghiệm, đừng tranh thủ lấy hình ảnh PR mình mà làm khổ các em ấy.”
Ngoài ra, dạo một vòng các trang mạng xã hội những ngày qua, có rất nhiều bình luận chê trách về thái độ không chuyên nghiệp của các “chiến sĩ áo trắng” này. Nhiều người cho biết, các KTV hẹn dân từ 13h chiều nhưng để dân đợi mãi 19h tối mới đến, khi đến nơi lại chỉ trích quần áo bảo hộ không đủ chất lượng, hay que lấy mẫu không tốt… và ra về.
Thậm chí, có người còn nặng lời rằng, nếu các thực tập sinh này trở thành bác sĩ tương lai thì sẽ không tồn tại được lâu trong xã hội này, vì… không có tâm.
Tuy nhiên bên cạnh đó, chính một phóng viên tác nghiệp cùng các sinh viên này cũng đã đứng ra bênh vực, đính chính sự việc như sau: “Thấy thương cho các bạn sinh viên Hải Dương ở giữa hai luồng ý kiến.
Hôm qua cả buổi chiều theo các em lên xe buýt, chuyển xuống xe thùng rồi vào điểm lấy mẫu, chị thấy các em đã làm việc như một người chiến sĩ vào trận. Gọi tập hợp lúc nào là tập hợp lúc đó. Phân công đến đâu các em đi đến đấy. Chỉ huy nói trang bị bảo hộ không đảm bảo an toàn, không được làm thì các em cũng phải đợi lệnh.
Thế nhưng rồi nó lại thành ra các em chảnh chọe, đòi hỏi. Nếu có lỗi gì thì là lỗi ở người chỉ huy đã yêu cầu bảo hộ cho các em quá cao. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh họ trang bị bảo hộ cấp 4. Vào Sài Gòn có thay đổi nên buổi đầu tiên chưa có thống nhất giữa chỉ huy và đơn vị tại Sài Gòn. Cuối cùng thì người buồn nhất chắc là các em.
Đi theo một nhóm 4 bạn nữ, thấy các bạn lúng túng. Không biết theo lệnh chỉ huy đi về hay ở lại làm tiếp khi thấy người dân đã xếp hàng chờ sẵn rồi. Mà chỉ huy kêu không làm mà làm, chắc sẽ không có lần sau tham gia đội hình nữa. Nhưng đâu ai hiểu. Họ chỉ biết mấy đứa sinh viên Hải Dương đòi hỏi, chảnh chọe.
Thấy 4 đứa lúng túng chị thương quá mà không biết nói sao. Thật ra lúc đó chị cũng đã nghĩ: Trời ơi làm gì mà chỉ huy đòi hỏi cao quá vậy? Ở Sài Gòn bảo hộ chỗ nào chả như chỗ này. Giờ đòi bảo hộ tốt hơn thì đào đâu ra. Nhưng chị biết các em đâu có quyền quyết định. Chỉ huy lệnh thì phải nghe.
Các em kể 40 ngày ở Bắc Giang là được sắp xếp ở trong một điểm trường tiểu học, có ngày lấy mẫu liên tục hơn 10 tiếng, có đứa ngất xỉu vì làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng nực giữa sân bê tông nắng nóng. Nhưng khi có thông tin tuyển quân vào Sài Gòn vẫn không ngại xung phong.
Oanh bảo chị là em khỏe lắm, có điều lúc đó tự nhiên ở sân bê tông hắt hơi nóng quá mạnh nên mới ngất xỉu. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời em biết ngất xỉu là gì.
Chị không biết lần này các em có được hứa hẹn tài trợ gì hay không nhưng 40 ngày ở Bắc Giang, 30 ngày ở Bắc Ninh, 10 ngày ở Hải Dương trước đó làm gì có tài trợ. Người ta nói các em vào đây ở khách sạn 5 năm sao giữa trung tâm TP. Còn cái chị được nghe là đơn vị tổ chức đến phút cuối cùng không tìm được nơi nào cho đoàn nên đã phải nhờ cậy quận 1 để đưa đoàn vào ở. Chị thấy buồn và thương các em.
Người ta nói các em để dân chờ từ 1 giờ trưa tính cho dân ngồi dang nắng diệt virus hay gì, rồi đến 7 giờ tối mới xuất hiện. Xuất hiện rồi thì lằng nhằng chuyện đồ bảo hộ. Nhưng họ không biết đến Sài Gòn lúc 9 giờ nhưng các em chưa có chỗ ở ngay mà phải chờ đến đầu trưa mới được đưa vào cái khách sạn 5 sao đó. Chuyện không thống nhất này là lỗi do ai? Đâu phải lỗi do các em.
Với hầu hết các em đây là lần đầu tiên đến Sài Gòn. Chắc cũng nghe kể Sài Gòn thế này thế kia, ấm áp, cởi mở. Đâu ngờ mới ngày đầu hứng đủ chỉ trích thế này phải không? Đây là nhóm của Oanh, Linh, Hằng tối qua ở Gò Vấp này. Mấy đứa đã chuẩn bị tinh thần làm tới 11 giờ đêm.”
Hiện, câu chuyện về nhóm y tế đến từ Hải Dương vẫn đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Theo Vietgiaitri