Ngày 1/11 vừa qua là dấu mốc mới trong chiến dịch mở cửa du lịch của Thái Lan, sau các hoạt động thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 7/2021. Các sân bay đã đông đúc trở lại, tuy nhiên việc mở cửa không diễn ra như kỳ vọng của ngành du lịch nước này.
Trước khi thí điểm chương trình du lịch “sandbox” vào tháng 7/2021, Thái Lan kỳ vọng đón 100.000 du khách quốc tế trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên sau 4 tháng với nhiều trục trặc, kế hoạch này chỉ mang lại khoảng 63.000 khách quốc tế. Hôm 1/11, Thái Lan chính thức mở cửa đón khách quốc tế từ hơn 60 quốc gia, bao gồm các thị trường nguồn lớn nhất như Mỹ và Trung Quốc.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã nhiều lần thay đổi mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2021, từ 3 triệu xuống còn 1 triệu trong năm nay. Ông Thanet Phetsuwan từ Văn phòng châu Á và Nam Thái Bình Dương của TAT cho biết việc mở cửa chỉ là bước đầu tiên của quá trình phục hồi. Ngành du lịch Thái Lan chỉ có thể khôi phục dần dần và triển vọng sáng sủa hơn sẽ đến vào nửa sau năm 2022, nếu các chính sách và quy định được tháo gỡ.
Du khách nước ngoài đến sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok hôm 1/11, ngày đầu tiên của chiến dịch mở cửa tại Thái Lan (Nguồn: Reuters)
Thị trường phục hồi chậm
Bà Marisa Sukosol Nunbhakdi – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan (THA) cho biết các đại lý du lịch trực tuyến báo cáo lượng đặt phòng trong tháng 11 khá chậm, tăng dần trong tháng 12 và tháng 1 nhưng vẫn ở mức rất thấp. Với lượng khách hạn chế, các khách sạn tại Thái Lan vẫn chưa thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Một số liệu cho thấy 67% khách sạn đã hoạt động trở lại, nhưng công suất tháng 11 chỉ ở mức 25%, so với 23% vào tháng 10 khi chưa mở cửa đón khách quốc tế. Kể cả những khách sạn tham gia chương trình thí điểm đón khách quốc tế (sandbox) cũng báo cáo hiệu quả thấp hơn mong đợi, do giá phòng tăng lên vì các xét nghiệm PCR.
“Các khách sạn khó có nguồn thu lớn từ khách quốc tế trong giai đoạn đầu, vì số chuyến bay và lượng khách thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Chỉ một số khách sạn có chương trình ưu đãi và khách hàng thân thiết mới duy trì được lượng đặt phòng ổn định từ khách quốc tế” – bà Marisa Sukosol Nunbhakdi nói.
Ông Suthiphong Pheunphiphop – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thái Lan (TTAA) cho rằng thị trường du lịch chưa đến thời điểm phục hồi. Dù nhiều nước châu Á gần đây nới lỏng quy định nhập cảnh, nhưng chủ yếu dành cho các mục đích thiết yếu như đối tượng doanh nhân hay sinh viên.
“Thị trường du lịch giải trí có thể hồi sinh vào năm 2022, khi có sự chuyển động của khách du lịch toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia không yêu cầu kiểm dịch và cung cấp dịch vụ nhập cảnh ít phiền toái để tạo thuận lợi cho khách du lịch” – ông Suthiphong Pheunphiphop nhận định.
Chật vật tìm nhân viên
Tại Krabi (miền nam Thái Lan), bà Sasithorn Kittidhrakul – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Krabi cho biết sau khi mở cửa đón khách, lượng đặt chỗ chỉ tăng 20% – chậm hơn so với dự đoán. Nhiều hãng lữ hành dự định đưa chuyến bay charter đến đây nhưng không có cam kết hay xác nhận nào.
Theo bà Sasithorn Kittidhrakul, các doanh nghiệp du lịch ở Krabi gặp khó khăn trong việc tái tuyển dụng nhân viên, vì nhiều người không muốn quay lại “ngành du lịch bấp bênh” trong lúc dần ổn định với công việc mới. Mức lương trong ngành du lịch Krabi vốn đã cao hơn trung bình, nay nhiều đơn vị phải tăng lương để thu hút lao động tay nghề cao.
Vì vậy để tiếp tục hoạt động, các doanh nghiệp phải chuẩn bị thêm ngân sách cho người lao động, cộng với chi phí bảo trì khách sạn, xây dựng giao thức an toàn và đảm bảo các tiêu chuẩn khác theo quy định của Thái Lan. Do chi phí vận hành cao nên lợi nhuận của khách sạn chỉ ở mức thấp.
Tại Phuket, ông Bhummikitti Ruktaengam – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket cho rằng tình trạng thiếu lao động du lịch xảy ra ở cả miền Nam Thái Lan do nhiều người đã mất việc. Điều này dẫn đến việc mức lương tối thiểu tại nhiều nơi đã tăng gấp đôi, do các công ty cố gắng tuyển dụng để đón luồng khách du lịch mới.
Khách du lịch thư giãn trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan. Nguồn: Dusida Worrachad-dejchai
Khách quốc tế đã có nhiều lựa chọn hơn
Ông Bhummikitti Ruktaengam cho rằng thời điểm Phuket mở cửa vào tháng 7/2021, du khách quốc tế có rất ít lựa chọn. Bối cảnh hiện nay đã khác, khi nhiều điểm đến áp dụng các chính sách tương tự như Thái Lan để thu hút khách du lịch, ví dụ như Langkawi (Malaysia) và Bali (Indonesia).
Như vậy hiện nay Thái Lan đã bị cạnh tranh nhiều hơn, các quy định nhập cảnh thuận lợi không còn là lợi thế của nước này. Chính vì vậy, ông Bhummikitti Ruktaengam cho rằng điều cốt lõi là điểm đến phải có sản phẩm du lịch nổi bật, đồng thời chú trọng về chất lượng, giá trị mang lại thay vì số lượng khách quốc tế.
Tuy nhiên việc chú trọng vào chất lượng và giảm số lượng cũng nảy sinh lo ngại về bất bình đẳng, khi du khách chỉ tập trung ở một số nơi. Để giải bài toán này, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi cho rằng cần thúc đẩy lượng khách du lịch nội địa, qua đó tạo sinh kế ổn định và bền vững cho cộng đồng địa phương một cách đồng đều.
Thiếu thị trường Trung Quốc
Một vấn đề khác của ngành du lịch Thái Lan là thiếu vắng khách Trung Quốc – thị trường từng chiếm tới 1/4 lượng khách quốc tế của nước này giai đoạn trước đại dịch. Các doanh nghiệp Thái Lan cho rằng chính phủ không thể ngồi yên mà phải thiết lập một “bong bóng du lịch” với Trung Quốc.
Ông Sisdivachr Cheewarattanaporn – Chủ tịch Hiệp hội Đại lý du lịch Thái Lan (ATTA) cho biết: “Không hi vọng khách Trung Quốc sẽ đi du lịch dịp Tết Nguyên đán vào tháng Hai tới. Khả năng lớn nhất từ thị trường này là Tuần lễ vàng tháng 10/2022, nhưng cũng không có gì đảm bảo”.
Trong bối cảnh đó, ông Sisdivachr Cheewarattanaporn cho rằng một “bong bóng du lịch” giữa Thái Lan và Trung Quốc là rất cần thiết. Nếu chưa thể đàm phán về hành lang đi lại với toàn bộ Trung Quốc, ít nhất Thái Lan nên khởi động thỏa thuận song phương với các tỉnh, thành phố nơi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Thái Lan đã đón một số khách Trung Quốc đến vào tháng 11, nhưng hầu hết là doanh nhân hoặc chuyên gia và nguồn khách này không thể giúp khôi phục ngành du lịch.