Hán Cao Tổ Lưu Bang là hoàng đế lưu danh sử sách vì đã có công tạo nên triều đại nhà Hán vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa, nhưng ông cũng mang tiếng xấu muôn đời.
Hình tượng Lưu Bang trong phim truyền hình Trung Quốc.
Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, Trung Hoa chìm trong vòng xoáy chia rẽ và bạo lực. Nổi lên trong thời kỳ này có những anh hùng kiệt xuất như Lưu Bang, Hàn Tín, Hạng Vũ. Loạt bài dài kỳ này sẽ viết về những điều gây tranh cãi về những nhân vật như vậy. |
Lưu Bang (256 TCN -195 TCN), là vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Lưu Bang sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường ở huyện Phong thuộc Giang Tô. Tên cha mẹ của ông không được ghi lại trong lịch sử.
Khi còn trẻ, Lưu Bang được miêu tả là một kẻ ham rượu mê gái, “lười lao động”, thường lêu lổng khắp mọi nơi và giao du với nhiều thành phần bất hảo.
Phụ thân của Lưu Bang thậm chí đã tức giận mà mắng chửi con trai: “Ngươi đúng là đồ vô lại!”. Tiếng xấu ấy sau này không mất đi mà thậm chí còn chồng chất thêm khi Lưu Bang trở thành hoàng đế khai quốc nhà Hán.
Hoàng đế mang tiếng xấu muôn đời
Lưu Bang mở ra triều đại nhà Hán, đưa Trung Hoa vào một trong những giai đoạn phát triển vĩ đại nhất.
Đầu tiên, theo sử sách Trung Quốc chép lại, Lưu Bang thời trẻ nổi tiếng là người “chăm ăn, lười làm”. Ông say mê rượu chè và mỹ nữ tột độ.
Người xưa có câu “nữ thập tam, nam thập lục” (con gái lấy chồng năm 13, con trai lấy vợ năm 16), nhưng Lưu Bang 40 tuổi vẫn chưa lấy được vợ vì những tật xấu của mình.
Năm xưa, ông từng lén lút qua lại với một người phụ nữ họ Tào. Ít lâu sau, Tào thị có mang, sinh được một cậu con trai được đặt tên là Lưu Phì. Sau khi lên ngôi, Lưu Bang phong cho người con cả này là Tề vương.
Thứ hai, Lưu Bang bị chê trách vì là người chỉ biết đến bản thân mình trên hết. Trong quãng thời gian Hán-Sở tranh hùng, Lưu Bang từng thua trận ở Bành Thành, bị quân địch đuổi chạy trối chết.
Trên đường tháo chạy, Lưu Bang thấy xe ngựa chạy chậm, liền thẳng tay đẩy con trai, con gái của mình xuống. Người phu xe thấy vậy, không kìm lòng được, liền ôm tiểu thư và công tử lên xe.
3 lần như vậy khiến Lưu Bang tức giận nói: “Ta đang gặp nguy hiểm thế này, chẳng lẽ còn phải đèo bòng hai đứa nó? Vậy an nguy của ta thì sao?” Phu xe cả gan cãi lại: “Đó là cốt nhục của Ngài, sao có thể bỏ lại?”
Lưu Bang là một trong số ít hoàng đế Trung Quốc xuất thân từ nông dân.
Không chỉ sẵn sàng bỏ rơi con cái, Lưu Bang còn không ngần ngại thách thức đối thủ lấy mạng cha. Sở Bá Vương Hạng Vũ từng có lần đem phụ thân của Lưu Bang ra uy hiếp.
Hạng Vũ từng đẩy cha Lưu Bang lên trước đoàn quân và nói: “Nếu ngươi không rút binh, ta liền đem cha ngươi phanh thây!”
Tướng lĩnh quân Hán vô cùng khó xử, ai cũng cho rằng Lưu Bang sẽ vì bảo toàn tính mạng cho phụ thân mà hạ lệnh rút quân. Không ngờ, Lưu bang nói: “Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi, nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha ngươi, thì nhớ để phần ta một bát canh thịt để ăn!”
Nhưng cũng nhờ những lời nói cứng rắn vậy mà Hạng Vũ đành phải hạ lệnh thả phụ thân của Lưu Bang.
Thứ Ba, Hán Cao Tổ Lưu Bang nổi tiếng là người hại chết công thần, bao gồm cả “chiến thần” Hàn Tín.
Ông từng cùng Hàn Tín đánh đông dẹp bắc, chia nhau từ manh áo tới bát cơm. Nhưng khi thống nhất thiên hạ, thấy Hàn Tín toàn tài thao lược, Lưu Bang dần sinh lòng e ngại.
Trước đây, khi Lưu Bang bàn với Hàn Tín về tài năng của các tướng, ông có hỏi: Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?
Hàn Tín thẳng thừng đáp: Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn. Lưu Bang lại hỏi: Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu? Hàn Tín trả lời ngay: Thần thì càng nhiều càng tốt.
Có thể nói, công lao, tài năng của Hàn Tín quá lớn khiến cho Lưu Bang không bao giờ yên tâm và buộc phải tìm cách trừ khử.
Đánh giá con người Lưu Bang
Bức tượng hoàng đế Lưu Bang.
Theo đánh giá của các nhàsử học Trung Quốc ngày nay, Lưu Bang có nhiều tính xấu, nhưng xuất thân hèn kém buộc ông phải làm như vậy mới có thể tồn tại trong thời loạn lạc.
Một trong những điểm mạnh của Lưu Bang là việc ông biết mình xuất thân thấp, ít học, tài năng không có bao nhiêu, nên ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác, tận dụng tài năng của cấp dưới để thành sự nghiệp.
Đám đại thần của Lưu Bang đa phần đều có xuất thân bất hảo, vậy mà dưới sự chỉ huy của Lưu Bang đều trở thành những nhân vật xuất chúng.
Lưu Bang hơn người ở chỗ đã dùng người thì không bao giờ nghi ngờ, còn người nào đã nghi ngờ không bao giờ dùng.
Nếu Lưu Bang tuân thủ hoàn toàn theo chuẩn mực đạo đức của Nho gia, chắc chắn ông không thể giành được thiên hạ. Là người xuất thân thấp kém, Lưu Bang hiểu rằng mình không thể dùng những cách thức thông thường để chiếm trọn quyền lực.
Điển hình là việc khi đến nhà cha vợ tương lai, ông còn phải nói dối là mình có cả vạn đồng tiền dù không có tiền. Nếu chịu bằng lòng với những gì mình có, Lưu Bang có thể bị các thế lực khác lật đổ hoặc đưa Trung Hoa trở về thời Chiến Quốc loạn lạc.
Hành trình trở thành hoàng đế của Lưu Bang không hề dễ dàng.
Về vấn đề hai vợ chồng Lưu Bang diệt hết cận thần, chư hầu khi thống nhất Trung Hoa, các sử gia Trung Quốc cho rằng đây là điều tất yếu.
Lưu Bang phong đất cho các chư hầu chỉ để họ liên kết lại diệt Hạng Vũ. Còn thực tế Lưu Bang hiểu rằng thế lực của các chư hầu quá mạnh. Nếu sau này họ làm phản, nhà Hán khó lòng đứng vững.
Những hành động đó của vợ chồng Lưu Bang bị chỉ trích là tàn nhẫn, nhưng đó là biện pháp tốt nhất để đưa thiên hạ thực sự quy một mối, chấm dứt thời kỳ đẫm máu chiến tranh từ thời Tần Thủy Hoàng, giúp nhà Hán bước vào thời kỳ ổn định.
Hơn nữa, khi trở thành hoàng đế khai quốc, Lưu Bang đã tuổi cao sức yếu. Ông biết thái tử Lưu Doanh tài năng kém cỏi, không thể giữ được cơ nghiệp. Dù các chư hầu không có ý định làm phản nhưng không có gì đảm bảo khi thái tử non kém nối nghiệp họ vẫn còn trung thành.
Có thể nói, Lưu Bang bộc lộc toàn bộ những tính xấu trong suốt cuộc đời, và chính những tính xấu đó góp phần giúp ông thống nhất thiên hạ. Nhưng không thể phủ nhận rằng Lưu Bang đã khởi đầu triều đại nhà Hán rực rỡ nhất trong lịch sử.
Người Trung Quốc coi thời gian trị vì của nhà Hán, kéo dài 400 năm, là một trong những giai đoạn vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa. Đó là lý do đa phần người Trung Quốc ngày nay vẫn tự cho mình là người Hán.