Việt Nam có tới 2.360 con sông với tổng chiều dài khoảng 41.900 km. Trong số đó, rất nhiều con sông đã đi cùng năm tháng, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam.Cùng điểm qua 10 con sông nổi bật nhất nước ta nhé.

1. Sông Cửu Long

Một nhánh sông Cửu Long ở Cần Thơ. Ảnh: Victoria Cần Thơ

Sông Cửu Long là tên gọi của hạ lưu sông Mê Kông. Từ Campuchia, sông Cửu Long chia làm hai nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu. Do có đến chín cửa sông đổ ra biển Đông, sông Mê Kông đoạn qua Việt Nam còn được gọi là sông Cửu Long, tức “sông chín rồng”. Hàng năm khách du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng, chiếm 50% so với cả nước.

Rừng Tràm Trà Sư. Ảnh: Victoria Châu Đốc

Kết quả đạt được của du lịch sông Cửu Long đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của toàn vùng, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.

2. Sông Sêrêpôk

Một nhánh của Sêrêpôk. Ảnh: KienTrinh

Thác Đray Nu. Ảnh: louis.foecy.fr

Nằm ở phía Tây Trường Sơn, sông Sêrêpôk chảy sang đất Campuchia trước khi nhập vào sông Mê Kông để sau đó con sông lớn này trở lại Việt Nam. Sông Sêrêpôk dài 406 km, có nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn tương đối hoang sơ như: thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H’linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh… là những điểm nổi bật hấp dẫn khách du lịch. Ở đây có các loài cá đặc sản như cá lăng và đặc biệt là cá mõm trâu, loài cá được xem là cá anh vũ tiến vua.

3. Sông Hoài

Ảnh: Cao Anh Tuấn

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua Hội An. Với người dân nơi đây nói riêng và du khách nói chung, con sông này như biểu tượng không thể tách rời của phố cổ. Không chỉ vậy, dòng sông nhỏ hiền hòa này còn gắn liền với cuộc sống mưu sinh của dân cư phố Hội. Nghề chính của họ là chèo thuyền, đưa khách du lịch tham quan. Điểm hấp dẫn nơi đây là các con thuyền đều không sử dụng động cơ máy. Điều này khiến du khách được cảm nhận rõ rệt nhất về sự cổ kính và nét giản dị, gần gũi nơi đây.

Ảnh: Cao Anh Tuấn

Không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp Hội An, du khách còn được nghe nhiều câu chuyện thường ngày thú vị từ những người lái đò. Cùng tiếng mái chèo khỏa nước giữa không gian yên bình, ấn tượng về miền đất phố cổ bình yên trong mỗi người cứ thế đầy lên.

4. Sông Hàn

Cầu Thuận Phước bắc qua sông Hàn. Ảnh: gienkhan

Sông Hàn, tức Hàn Giang bắt đầu từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng. Bắc qua sông Hàn là 6 cây cầu vô cùng nổi tiếng của Đà Nẵng, lần lượt là cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Tiên Sơn. Đây đều là những biểu tượng của du lịch Đà Nẵng, đặc biệt là cầu Rồng.

Cầu Rồng, biểu tượng của Đà Nẵng. Ảnh: thanhtungo

Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước như thật. Hiện tại, thời gian phun lửa và phun nước bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.

5. Sông Hương

Chiều sông Hương. Ảnh: Hachi8

Từ Bằng Lãng đến cửa sông Thuận An, sông Hương dài 33 km. Khi chảy quanh dọc chân núi Ngọc Trản, sắc nước sông Hương xanh hơn – đây là địa điểm Điện Hòn Chén. Sông Hương chảy chầm chậm qua các làng mạc như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh. Nó từng là nguồn cảm xúc của du khách khi họ đi thuyền dọc theo sông để nhìn ngắm phong cảnh và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống.

Khung cảnh bình yên của sông Hương. Ảnh: Huỳnh Tuấn

Nhiều người luôn gắn liền sự thanh bình, thanh lịch và cảnh vật đẹp đẽ của Huế với dòng sông Hương. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình cũng được coi là những biểu tượng của Huế, Huế thường được ví như là “Vùng đất của sông Hương và núi Ngự”.

6. Sông Bến Hải

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Ảnh: Tuấn Trung Tá

Sông Bến Hải hay Rào Thanh là một con sông tại miền Trung Việt Nam. Sông này bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17° Bắc từ Tây sang Đông rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng. Bến Hải là một địa danh ở thượng lưu sông, nên tên sông Bến Hải lấy từ địa danh này. Sông Bến Hải được biết đến nhiều nhất vì vị trí chia cắt hai miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) và Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ảnh: Tuấn Trung Tá

Về mặt địa lý thì sông nằm nhích xuống phía Nam vĩ tuyến 17. Hiệp định Genève quy định đây là giới tuyến phi quân sự tạm thời vào năm 1954. Ngày nay, bạn có thể đến cột cờ giới tuyến và cầu Hiền Lương tại Quảng Trị để ngắm dòng Bến Hải hiền hòa sau những thăng trầm của lịch sử.

7. Sông Son

Sông Son xanh ngắt. Ảnh: NQA-OngBom

Sông Son hay sông Tróc là một chi lưu của sông Gianh ở Bắc Trung Bộ Việt Nam. Sông chảy hoàn toàn trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Một phần thượng nguồn của sông dài 7.729 m chảy ngầm trong các núi đá vôi ở phía Tây Quảng Bình. Sông Son chảy ra từ cửa động Phong Nha nằm trên đất làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.

Ảnh: Kenny Huynh

Dòng sông Son thơ mộng với màu xanh thủy lục uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi Kẻ Bàng làm tô điểm thêm nét độc đáo mỗi khi du khách đến thăm Di sản Động Phong Nha. Đặc biệt, sông Son gắn với bao huyền thoại nhưng huyền thoại về sự chung thủy trong tình yêu luôn để lại nhiều kỷ niệm nhất trong lòng du khách.

8. Sông Lam

Ảnh: wikipedia

Sông Lam, tên gọi khác ở Việt Nam là Ngàn Cả hay sông Cả, một trong 2 con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ Việt Nam. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển cửa Hội. Cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam được xem là biểu tượng của xứ Nghệ.

Ảnh: Van Quyen

Hai bên dòng sông Lam có những làng văn hóa của Nghệ An và Hà Tĩnh như Yên Hồ (Đức Thọ), Tiên Điền, Uy Viễn (Nghi Xuân), Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh), Trung Cần, Hoành Sơn, làng Kim Liên (Nam Đàn) tạo nên một vùng văn hóa Lam Hồng.

9. Sông Ngô Đồng

Ảnh: Frank Dang

Sông Ngô Đồng là một con sông nhỏ tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nó là một chi lưu của sông Sào Khê (là sông nối sông Hoàng Long với sông Vạc). Sông Ngô Đồng chảy từ vùng đầm trũng trong lòng hệ thống núi đá vôi của quần thể di sản thế giới Tràng An, len qua các vách núi và cánh đồng lúa rồi đổ nước vào hệ thống sông Vạc tại gần cầu Vũng Trắm. Trên sông có danh thắng Tam Cốc, đền Thái Vi rất đẹp, là các địa điểm tham quan nổi tiếng của Ninh Bình. Du khách đến thăm các danh thắng này thường chèo thuyền trên sông Ngô Đồng để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình xung quanh.

Ngô Đồng mùa lúa chín. Ảnh: Viet Nguyen

Cảnh quan hai bên bờ sông Ngô Đồng là những vách núi đá vôi có lịch sử hình thành lâu đời. Vào tầm tháng 4 và tháng 5 là lúc sông Ngô Đồng đẹp nhất bởi cánh đồng lúa trải dọc hai bên bờ sông chín rộ, trổ một màu vàng khiến ai tới đây cũng phải mê mẩn.

10. Sông Nho Quế

Dòng Nho Quế chảy qua đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ. Ảnh: Anh Dang

Đến với Hà Giang, một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất chính là sông Nho Quế, con sông nổi tiếng dưới chân đèo Mã Pí Lèng huyền thoại. Với những ai ưa mạo hiểm, thích cảm giác mạnh khi chinh phục đỉnh Mã Pí Lèng thì hành trình dọc sông Nho Quế cũng sẽ là một lựa chọn đầy thú vị.

Ảnh: Focus Studio

Để khám phá trọn vẹn dòng sông Nho Quế, bạn có thể đi xe máy theo lối mòn của dân bản địa trên sườn núi chạy song song với dòng sông phía dưới, nhiều đoạn phải đi đường vòng vì vực sâu, núi cao chia cắt. Hai bên là vách núi dựng đứng cao vút tạo thành một khe núi vừa sâu vừa hẹp, cộng với tiếng rì rầm của sông Nho Quế chảy dưới chân đem đến một cảm giác khó tả, vừa hân hoan vui sướng vừa đắm mình trong không gian bao la của núi đá mây trời.