Trong cuộc đời cầm quân của Tào Tháo, Uyển Thành có lẽ là một trong những trận chiến thảm bại nhất. Trong trận chiến quy mô không lớn, và cũng không thay đổi được thế cục phương Bắc này, Tào Tháo đã mất đi trưởng tử, người thừa kế của mình, Tào Ngang, và cả cận tướng Điển Vi.

Nhưng khiến người khác cảm thấy kì lạ là, Tào Tháo không hề cự tuyệt khi Trương Tú đầu hàng sau đó, thậm chí còn phối hôn cho con gái của Trương Tú và con trai mình Tào Quân, rốt cuộc là vì sao?

Trương Tú là cháu trai của Trương Tế, bộ hạ của Đổng Trác. Trương Tế khi giao chiến với Lưu Biểu ở Đặng thành đã bị trúng tên qua đời, Trương Tú tiếp quản đội quân của Trương Tế.

Kiến An năm thứ 2, Tào Tháo đem quân thảo phạt Trương Tú, Tào Ngang, Tào Phi cũng cùng ra trận, quân Tào bao vây Đặng thành, nơi Trương Tú đóng quân.

Trương Tú không biết phải làm sao, lựa chọn đầu hàng Tào Tháo.

Vốn dĩ những tưởng mọi chuyện tới đây là sóng yên biển lặng, nào ngờ, Tào Tháo sau khi vào được Uyển Thành liền nạp Trâu phu nhân, vợ của Trương Tế, tức thím của Trương Tú làm thiếp.

Tiếp đó, Tào Tháo lại thưởng tiền bạc ngọc ngà cho thuộc hạ của Trương Tú là Hồ Xa Nhi.

Nhân vật Trương Tú trên màn arnh nhỏ

Xấu hổ và giận dữ đan xen, lại được Giả Hủ thêm mắm thêm muối, Trương Tú khởi binh đánh lén đại doanh của Tào Tháo khiến Tào Tháo không kịp trở tay.

Trong trận đánh lén này, Điển Vi dẫn dắt hơn 10 binh lính quyết tử chống trả, cuối cùng bị Trương Tú giết chết.

Tào Tháo trong quá trình thoát thân, ngựa chiến của Tào Tháo là Tuyệt Ảnh cũng bị bắn chết, trưởng tử Tào Ngang chủ động nhường ngựa của mình cho cha cưỡi, còn bản thân chạy bộ bảo vệ cha.

Cuối cùng, Tào Ngang và cháu của Tào Tháo là Tào An Dân cùng hi sinh ở Uyển Thành. Trận chiến này đã trở thành cơn ác mộng kéo dài trong tâm trí của Tào Tháo.

Sau khi thoát thân thành công, Tào Tháo cũng từng đem quân đi đánh lại Trương Tú, hai bên đều có cả thắng và bại.

Kiến An năm thứ 4, Trương Tú nghe lời Giả Hủ , một lần nữa đầu hàng Tào Tháo.

 

Theo ghi chép, sau khi Trương Tú đến, Tào Tháo đích thân tới dắt tay, cùng nhau tiến vào yến tiệc, còn phong cho Trương Tú làm Dương Võ tướng quân, ngoài ra còn kết tơ hồng cho con trai mình là Tào Quân với con gái Trương Tú.

Sau khi quy hàng, Trương Tú theo Tào Tháo nam chinh bắc chiến, lập nên nhiều chiến công hiển hách, tuy tình hình nhân khẩu lúc bấy giờ eo hẹp, nhưng một mình Trương Tú vẫn được sở hữu thái ấp với 2000 hộ.

Nhân vật Tào Tháo trên màn ảnh nhỏ

Thực tế, trong lòng Tào Tháo không phải không có nỗi đau mất con mất cháu, nhưng sở dĩ vẫn đối đãi như vậy với kẻ thù là bởi ông đang nghĩ cho đại cục.

Lúc Trương Tú đầu hàng Tào Tháo là lúc trận Quan Độ sắp sửa bạo phát. Thế lực của Tào Tháo kém xa đối thủ Viên Thiệu, quân đội lúc này của Trương Tú vừa hay có thể tăng thêm sức mạnh quân sự cho quân Tào.

Qua vài lần giao chiến, Tào Tháo nhận thấy đây là một đội quân năng chinh thiện chiến.

Thực tế cũng cho thấy, con mắt nhìn của Tào Tháo là hoàn toàn chính xác, Trương Tú trong trận Quan Độ đã lập được chiến công vô cùng hiển hách.

Ngoài ra, Tào Tháo chấp nhận Trương Tú còn bởi một nguyên nhân quan trọng khác, đó là khi đó trong triều có khá nhiều kẻ đối đầu với Tào Tháo.

Nhằm tránh để những người này cấu kết với Viên Thiệu, Tào Tháo lựa chọn thu nạp Trương Tú lúc này để cho họ thấy rằng mình là một người khoan dung độ lượng.

Chu toàn được tới mức này, Tào Tháo quả thực không phải một gian hùng dạng vừa, sau này có thể thống nhất phương Bắc, có lẽ cũng không phải điều gì quá khó đoán.