Đây là gia tộc 15 thế hệ liên tục phồn vinh duy nhất tại Trung Quốc, sản sinh ra những nhân tài kiệt xuất trong đủ mọi lĩnh vực như “Vua thuốc màu”, “Trùm bất động sản”, “Ông hoàng y dược”, “Người khổng lồ tài chính” hay “Bậc thầy kiến trúc sư”…
Gia tộc 15 thế hệ liên tục phồn vinh, thế hệ nào cũng toàn nhân tài
Viện bảo tàng Louvre tại Paris như một kim tự tháp bằng kính, Bảo tàng Tô Châu với hai gam màu trắng và đen nổi bật lẫn nhau, Bảo tàng Nghệ thuật Miho ở Nhật Bản là những khối hình học được xếp đặt để phá vỡ giới hạn truyền thống…
Những tòa nhà có kiến trúc ấn tượng này đều được tô điểm bởi một kiến trúc sư tài hoa. Đó chính là ông Ieoh Ming Pei, hay Bối Duật Minh.
Tài năng thiết kế của Bối Duật Minh nổi tiếng đến mức, người ta gọi ông là “bậc thầy cuối cùng của kiến trúc hiện đại”. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã giành được rất nhiều giải thưởng quốc tế về kiến trúc. Thậm chí, vào năm 1979, giới kiến trúc Mỹ còn gọi đây là “Năm của Bối Duật Minh”. Là một trong những kiến trúc sư thành công nhất của thế kỷ 20, ông được trao tặng giải thưởng Pritzker vào năm 1983. Ngoài ra, ông cũng đạt các giải thưởng danh giá như Huy chương Vàng của Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ AIA (1940), Huy chương Vàng của Viện Hàn lâm Anh…
Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn cả khi tìm hiểu về bậc thầy kiến trúc này chính là gia tộc của ông. Dòng họ Bối thị ít nổi tiếng hơn so với gia tộc Kennedy ở Mỹ, nhưng cũng đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài.
Bối Duật Minh được mệnh danh là “bậc thầy cuối cùng của kiến trúc hiện đại” (Ảnh: forbeschina)
Tại Trung Quốc, nhà họ Bối là gia tộc duy nhất liên tục giàu có và hưng thịnh hơn 15 thế hệ. Gia tộc này có hơn 1000 căn nhà ở Thượng Hải, nơi được coi là “tấc đất tấc vàng”. Con cháu đời sau của họ nhiều người tốt nghiệp Harvard và phát triển ở khắp lĩnh vực trong xã hội.
Nhà họ Bối lập nghiệp từ nghề y. Nhờ công việc buôn bán thuốc phát đạt, ông Bối Lan Đường trở thành 1 trong 4 hộ giàu có nhất vùng Tô Châu vào thời Càn Long.
Đến thời của Bối Nhuận Sinh – “vua thuốc màu” nổi tiếng nhất Bến Thượng Hải, ông là người có tầm nhìn kinh doanh đáng nể. Ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ngay thời điểm chính xác nhất, sở hữu cả nghìn căn nhà. Tài năng của ông đã giúp gia tộc từ “làm giàu” bước lên con đường “bạo phú”.
Gia tộc này cũng có một “vua tài chính” đó là Bối Lý Thái, ông nội của kiến trúc sư Bối Duật Minh. Ông là nhà tài chính sớm nhất ở Trung Quốc, là một trong những người đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại và Tiết kiệm Thượng Hải. Ông giữ chức chủ tịch ngân hàng trung ương Trung Quốc và được mệnh danh là “người khổng lồ tài chính”, điều này cho thấy sự nhạy bén kinh tế xuất chúng của ông.
Có thể thấy, trải qua lịch sử lâu đời hơn 600 năm, gia tộc 15 thế hệ liên tục phồn vinh này vẫn không ngừng sản sinh ra nhiều nhân tài và phát triển bền vững.
Một hình ảnh gia tộc Bối thị từ xưa (Ảnh: 163)
5 trí tuệ được đúc kết và truyền đời của gia tộc họ Bối
Một trong những nguyên nhân giúp Bối thị làm nên thành tựu đáng nể như vậy phải kể tới 5 trí tuệ được đúc kết và truyền đời như sau:
Thứ nhất, coi trọng giáo dục
Xuất phát điểm du học Mỹ của Bối Duật Minh là Khoa Kiến trúc của Đại học Pennsylvania, sau đó anh chuyển sang Khoa Kiến trúc của MIT và tiếp tục tại Khoa Kiến trúc của Đại học Harvard để lấy bằng thạc sĩ.
Ba trong số bốn người con của ông cũng tốt nghiệp từ Đại học Harvard và làm việc trong ngành kiến trúc. Người con gái còn lại thì theo học Luật tại Đại học Columbia. Những nền giáo dục chất lượng cao ngay từ đầu đời đã tạo nền tảng tốt cho sự phát triển lâu dài của thế hệ sau nhà họ Bối.
Bất kể họ đã thay đổi bản thân để thích ứng với những ngành nghề khác nhau như thế nào, nhưng có điều không bao giờ thay đổi chính là nền tảng của thái độ cầu tiến và chuẩn mực giáo dục ưu tú.
Thứ hai, kết hôn với những gia đình có truyền thống tốt đẹp
Mẹ ruột của ông Bối Duật Minh là người nhà họ Trang, con gái của vị Tế tửu Quốc Tử Giám cuối cùng triều nhà Thanh. Mẹ kế của ông cũng là con gái của một nhà ngoại giao trong chính phủ.
Bản thân vị kiến trúc sư thiên tài kết hôn với “tiểu thư khuê các” Lục Thư Hoa, con gái của một kỹ sư tốt nghiệp từ Massachusetts. Bà Lục cũng theo học ngành kiến trúc tại trường Wesleyan College nổi tiếng và gặp Bối Duật Minh tại Hoa Kỳ. Sau khi kết hôn, cả hai cùng đến Đại học Harvard để nghiên cứu thiết kế cảnh quan và kiến trúc.
Thứ ba, khắc sâu văn hóa về nguồn cội
I.M. Pei từng nói, “Tô Châu trong ký ức tuổi thơ của tôi là nơi mọi người đối xử chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Quan hệ giữa mọi người được gìn giữ trong sinh hoạt mỗi ngày. Đây là ý nghĩa của cuộc sống mà tôi được khắc sâu”.
Văn hóa nguồn cội và mối quan hệ hài hòa của gia tộc đã ảnh hưởng rất nhiều tới khái niệm “gia đình” của vị kiến trúc sư đại tài. Điều đó khiến ông có một tính cách “rất Trung Hoa”, dù sau này có sinh sống và làm việc ở phương Tây nhiều năm.
Thứ tư, tinh thần lạc quan và không bao giờ bỏ cuộc
Trong hoàn cảnh khó khăn, gia tộc 15 thế hệ liên tục phồn vinh đã truyền cho con cháu tinh thần lạc quan và sự can đảm để đối mặt nghịch cảnh. Bản thân Bối Duật Minh dù có tài năng nổi trội nhưng cũng phải trải qua nhiều lần lận đận.
Điển hình là vào năm 1983, khi được giao trách nhiệm tu bổ bảo tàng Louvre, các thiết kế của ông vấp phải sự nghi ngờ và phản đối gay gắt. Hình ảnh kim tự tháp bằng kính trong suốt khiến ông bị một số người chế nhạo là “Bối Pharaoh”.
Bảo tàng Louvre (Ảnh: worldarchitecture)
Tuy nhiên, kiến trúc sư tài năng đã sử dụng kỹ năng ngoại giao và chuyên môn xuất sắc của mình để thuyết phục dư luận. Bảo tàng Louvre đã trở thành một công trình mang tính biểu tượng nhất ở Paris. Ông cũng được Chính phủ Pháp đã trao tặng Huân chương danh dự cao quý nhất.
Thứ năm, tinh thần không kiêu ngạo, giữ lòng nhân từ và bác ái
“Vua thuốc màu” Bối Nhuận Sinh là người thường xuyên giúp đỡ các tổ chức từ thiện. Trong số bất động sản “khủng” ông nắm giữ, Sư Tử Lâm được đầu tư 800 vạn đồng bạc để cải tạo, biến thành lâm viên đẹp nhất Tô Châu.
Sau khi công trình hoàn thành, ông không hưởng thụ lâm viên một mình mà cho phép tất cả người trong tộc được dùng chung. Sau này, ông cũng trao lại quyền sở hữu Sư Tử Lâm cho đất nước.
Bên cạnh những thành công mà không ít người đời thán phục, các thế hệ sau của gia tộc nhà họ Bối luôn giữ được đức tính khiêm tốn và nhường nhịn lẫn nhau. Họ khắc chế cái tôi, mỗi người luôn phấn đấu cho lĩnh vực mà mình đang nắm giữ.
Đây chính là một trong những nguyên nhân trọng yếu giúp gia tộc 15 thế hệ liên tục phồn vinh. Rất nhiều dòng họ không thể “giàu quá 3 đời” chỉ vì thế hệ sau sở hữu sản nghiệp khổng lồ nhưng không biết trân trọng. Sự kiêu ngạo và huênh hoang là nhân tố hủy hoại thành công nhanh nhất. Gia tộc Bối thị đã vượt qua khó khăn này để ngày một phát triển bền vững hơn.
Nguồn: Forbeschina, 163