Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm phân bón vi phạm về các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa, nhái giả các nhãn hiệu uy tín, ghi nhãn lập lờ… gây hiểu lầm, thậm chí là thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp ghi nhãn nhập nhèm

Cụ thể thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các địa phương liên tục kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy dịnh về ghi nhãn hàng hóa, tem phụ, nhái các thương hiệu uy tín, lập lờ về chất lượng… như sản phẩm phân bón NP 20-20; NP 18-20 của hàng loạt các công ty khác nhau, mới nhìn vào người tiêu dùng cứ nghĩ đây là sản phẩm DAP được nhập khẩu từ nước ngoài, nếu không tinh ý sẽ rất dễ bị nhầm lẫn sản phẩm này với sản phẩm DAP bởi trên bao bì ghi dòng chữ: nguồn gốc nguyên liệu từ: DAP 18-46-0 (trong khi chữ nguồn gốc nguyên liệu ghi nhỏ bên trên còn chữ D.A.P 18-46-0 bên dưới thì ghi rất to).

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, loại phân đen NP này là của Trung Quốc sản xuất. Điều này không những gây hiểu lầm cho bà con nông dân bỏ chi phí mua sản phẩm chất lượng thấp với giá tương đương với giá ngang bằng DAP đang được bán trên thị trường, mà còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý, bởi các hình thức ghi sai nhãn chỉ xử phạt hành chính vài triệu đồng nên việc vi phạm này tràn lan trên thị trường.

Cách ghi nhãn như trên mẫu bao bì phân bón của Công ty TNHH SX-TMDV Phân bón Nhật Mỹ khiến người tiêu dùng rất dễ bị lầm với sản phẩm phân DAP 18-46 ngoại nhập, nhưng thực chất đây là sản phẩm NP 18-20

Ngoài các sai phạm như nhãn mác, một số công ty còn sai phạm về giấy phép lưu hành như trường hợp Cục QLTT Tiền Giang vừa xử lý 15 tấn phân bón NPK Nutrix xuất xứ Malaysia loại 50 kg/bao do Công ty TNHH Agrifert Việt Nam nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Việt Nam. Nhưng qua làm việc với tài xế (ông N.V.S) cung cấp Giấy chứng nhận hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, tờ khai hàng hóa nhập khẩu, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu, chứng nhận lô sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn. Song ông N.V.S cho biết 15 tấn phân bón này không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Việc thanh, kiểm tra và xử lý các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp vi phạm hiện nay cũng còn nhiều bất cập, chỉ đến khi cơ quan chức năng thanh, kiểm tra đột xuất mới phát hiện ra hàng đã hết hạn sử dụng, thiếu giấy tờ liên quan đến hàng hóa… dẫn đến bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hầu như các công ty có sản phẩm bị phạt đều phải bỏ tiền ra chi trả cho việc đóng phạt của đại lý, làm cho đại lý ít quan tâm đến thủ tục, giấy tờ liên quan tới sản phẩm.

Hay như mới đây, Công ty TNHH ADAMA Việt Nam đã đăng một thông tin cảnh báo trên trang Fanpage của mình về việc trên thị trường xuất hiện Công ty sử dụng tên ADAMA bất hợp pháp và giả mạo, đăng ký hoạt động tại địa điểm khác với địa chỉ đăng ký của Tập đoàn ADAMA. “Công ty này cũng đang phân phối sản phẩm có kiểu dáng, bao bì, tên và logo giống như các sản phẩm của ADAMA Việt Nam. Đây là hành vi xâm phạm quyền Sở hữu Trí tuệ, ảnh hưởng nghiệm trọng đến uy tín, thương hiệu ADAMA, đến quyền lợi và lòng tin của Quý khách hàng và bà con Nông dân đối với ADAMA Việt Nam”.

Gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính

Những bất cập nêu trên không những gây khó khăn cho cơ quan chức năng mà còn gây thiệt hại cho chính các công ty sản xuất và người nông dân khi mua phải những sản phẩm ghi nhãn “lập lờ” tên sản phẩm và công thức phân bón, nhất là phân bón NPK

Sản phẩm phân bón hỗn hợp PK bổ sung vi lượng GREEN KING Kali của Công ty CP phân bón Đan Mạch đã có mặt trên thị trường hơn 10 năm nay và được bà con nông dân tin dùng

Tại thời điểm này, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, khi cơ quan chức năng kiểm tra đại lý không xuất trình đầy đủ giấy tờ, vì đại lý không liên lạc kịp thời với nhà sản xuất. Điển hình như trường hợp sản phẩm của Công ty CP phân bón Đan Mạch có đầy đủ giấy tờ theo qui định của cơ quan có thẩm quyền như giấy phép sản xuất, quyết định được phép lưu hành phân bón tại Việt Nam. Điều này không những gây khó khăn cho cơ quan chức năng mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Sản phẩm GREEN LAND cũng như các sản phẩm khác của Công ty CP phân bón Đan Mạch đều đã được Cục BVTV cấp Quyết định lưu hành phân bón tại Việt Nam (tại Quyết định số: 712/QĐ-BVTV-PB ngày 28/6/2018)

Thiết nghĩ, việc các cơ quan thanh, kiểm tra và xử lý các mặt hàng vật tư nông nghiệp gian dối, kém chất lượng… là rất cần thiết bởi có như vậy thì thị trường vật tư nông nghiệp mới ngày càng trong sạch hơn, hạn chế các sản phẩm không đạt chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra cũng cần được minh bạch hơn và cần liên hệ với nhà sản xuất để họ chứng minh cho sản phẩm của mình cũng như cung cấp các giấy tờ liên quan đến sản phẩm, bởi chỉ có nhà sản xuất mới có các giấy tờ liên quan đến sản phẩm một cách chính thống, nhằm tránh tình trạng xử lý oan cho doanh nghiệp.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, việc đi lại giữa các địa phương còn khó khăn nên cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp gửi các loại giấy tờ liên quan đến sản phẩm qua đường email, zalo,… có như vậy thì mới hạn chế được những thiếu sót của tất cả các bên trong công tác thanh, kiểm tra các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, đồng thời cũng giúp cho các cơ quan chức năng xử lý “đúng người, đúng tội”.

Nguồn: https://tieudung.vn/vat-tu-nong-nghiep/phan-bon-that-gia-kho-luong%E2%80%A6gay-thiet-hai-cho-nguoi-tieu-dung-58913.html