Lý do thực sự khiến hậu duệ gia tộc Tư Mã vẫn thường cảm thấy hổ thẹn khi đem cơ nghiệp của gia tộc đặt lên bàn cân so sánh với Tào Ngụy bắt nguồn từ 1 nguyên nhân.
Nhìn lại cuộc đời của hai nhân vật nổi danh Tam Quốc là Tào Tháo và Tư Mã Ý, không khó để nhận thấy cả hai đều từng có một giai đoạn làm quyền thần, sau khi qua đời cũng đều được hậu duệ truy phong làm Hoàng đế.
Vì vậy có thể nói rằng, hai nhân vật trên tuy rằng không được danh chính ngôn thuận bước lên ngai vàng, thế nhưng đối với vương triều của gia tộc mình đều được xem là có công khai quốc.
Tuy nhiên theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc), mặc dù Tào Tháo và Tư Mã Ý sở hữu nhiều điểm tương đồng về sự nghiệp, nhưng hậu duệ gia tộc Tư Mã mỗi khi đặt cơ nghiệp của tổ tiên lên bàn cân so sánh với cơ ngơi nhà Tào Ngụy thì vẫn không khỏi cảm thấy hổ thẹn vì nguyên nhân dưới đây.
Khoảng cách giữa Tào Tháo và Tư Mã Ý: Không chỉ dừng lại ở một cấp bậc
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, có không ít ý kiến cho rằng “Tam Quốc diễn nghĩa” thực chất đã thổi phồng hình tượng Tư Mã Ý, biến ông trở thành kỳ phùng địch thủ cả đời của Gia Cát Khổng Minh, thậm chí còn khoa trương rằng tài ẩn nhẫn của nhân vật này thuộc vào hàng đệ nhất thiên hạ.
Thế nhưng theo quan điểm của Qulishi, nếu so sánh Tư Mã Ý với Tào Tháo thì sự thua kém không chỉ dừng lại ở giới hạn của một cấp bậc.
Bởi lẽ Tào Tháo trong chính sử khởi binh ở vào thời điểm thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi lên vô số, Đông Hán kỳ thực đã không còn thực quyền.
Cho tới khi ông nắm lấy Thiên tử để ra lệnh cho các chư hầu thì triều đình lúc bấy giờ đã chẳng còn ai có đủ năng lực để đứng lên phản kháng.
Nhìn lại cả đời của Tào Tháo, trước dẹp loạn Khăn Vàng, sau điều khiển Thiên tử, bình Lý Quách, diệt Lữ Bố, phá Viên Thuật, thu phục Trương Thêu, diệt Viên Thiệu, định Hà Bắc… Ông vốn lập nghiệp ở thời kỳ hỗn loạn nhất, thế nhưng chỉ vẻn vẹn trong mười mấy năm đã gây dựng lên một cơ nghiệp mạnh mẽ bậc nhất thời bấy giờ.
Cho nên ngay tới sử gia Trần Thọ khi đánh giá về Tào Mạnh Đức cũng nhận định ông là người phi thường. Thậm chí những người có cái nhìn trái chiều về nhân vật lịch sử này cũng không thể nào phủ nhận một sự thật: Tào Tháo là gian hùng có thực tài hàng đầu thời bấy giờ.
Qulishi cho rằng, bàn về những Hoàng đế khai quốc có thể so sánh với Tào Mạnh Đức, họa chăng cũng chỉ có Lưu Bang, Lưu Tú, cha con Lý Uyên, Thành Cát Tư Hãn và Chu Nguyên Chương mà thôi.
Vì vậy, nếu đánh giá một cách tổng quan về tài năng, Tào Tháo có thể xem là vượt xa Tư Mã Ý.
Thua kém về tài năng, mập mờ về thủ đoạn: Lý do khiến hậu duệ nhà Tư Mã xấu hổ với cơ nghiệp của gia tộc
Ảnh minh họa.
Về phần Tư Mã Ý, nếu so sánh với một Tào Tháo mượn uy danh Hán thất để tay không lập nên đại nghiệp, điểm khác biệt giữa hai người này nằm ở chỗ: Tư Mã Ý vốn là cựu thần được lưu lại cho 2 đời chủ nhân và thực chất đã phụng sự qua 3 đời Hoàng đế nhà Ngụy.
Như vậy, có thể thấy Tư Mã Ý vốn có cơ hội cả đời làm trung thần. Chỉ tiếc rằng nhân vật này bên ngoài thì giả vờ phụng sự, bên trong lại nổi lên tư tâm, đại nghiệp có được đều nhờ vào phát động chính biến, tắm máu thanh trừng.
Nhớ năm xưa khi phát động cuộc chính biến lăng Cao Bình, đại thần nhà Ngụy là Thái úy Tưởng Tế ban đầu đã giúp Tư Mã Ý viết thư dụ hàng Đại tướng Tào Sảng, trong thư nói rõ nếu chủ động ra hàng thì Tư Mã Ý sẽ tha không giết.
Tào Sảng một lòng tin là thật nên mới giao nộp binh quyền. Nào ngờ sau đó Tư Mã Trọng Đạt không hề giữ chữ tín, chẳng những hạ sát Tào Sảng mà còn tắm máu Hoàng tộc nhà Ngụy. Cũng từ đây, gia tộc Tư Mã chính thức trở thành người nắm quyền chân chính trong nội bộ triều đình Tào Ngụy.
Sau khi chính biến đã thành, Tư Mã Ý cũng không quên công lao của Tưởng Tế, có ý phong ông làm Hương hầu. Thế nhưng Tưởng Tế hối hận vì thất tín với Tào Sảng, liền cự tuyệt phong thưởng, sau đó cũng lâm bệnh qua đời trong u uất.
Ảnh minh họa.
Có ý kiến cho rằng, chính biến lăng Cao Bình năm ấy có thể xem là một tia chớp lóe sáng duy nhất trong cuộc đời Tư Mã Ý, cũng là lần hành sự thuận lợi nhất của ông.
Chỉ có điều sự thành công này suy cho cùng vẫn dựa vào âm mưu và thất tín để đạt được mục đích, nên ngay tới một chút ánh hào quang cũng chẳng có.
Nhớ năm xưa, Tấn Minh Đế Tư Mã Thiệu từng hỏi đại thần Vương Đạo một câu:
“Gia tộc Tư Mã làm sao mà có được thiên hạ?”.
Vương Đạo dựa theo sự thật mà nói, khiến nhà vua không khỏi hổ thẹn mà than rằng:
“Nước như vậy, làm sao có thể lâu dài?”.
Ngay tới hậu duệ cũng không lấy làm tự hào với cách mà tổ tiên có được giang sơn, vậy cũng khó trách lịch sử vẫn thường ca ngợi cơ nghiệp của Tào gia hơn nhiều so với nhà Tư Mã.
Tư Mã Ý năm đó vì con cháu mà gây dựng đại nghiệp, tạo tiền đề để nhất thống thiên hạ. Chỉ tiếc rằng hết thảy đều dựa vào âm mưu quỷ kế và tắm máu thanh trừng.
Kết quả là quãng thời gian mà vương triều Tây Tấn thực sự an định thực chất còn thua xa nhà Ngụy, thậm chí còn chưa tới 40 năm nếu tính đến trước khi Loạn Bát vương xảy ra.
Ảnh minh họa.
Có đôi khi, việc ai mới là người có thể cười đến cuối cùng lại không quan trọng bằng việc ai mới thực sự lưu lại thành tựu và tiếng thơm muôn thuở.
Tư Mã Ý cả đời tranh đấu vì quyền lực của bản thân, của gia tộc, đến sau cùng ngay tới cơ nghiệp để lại cũng khiến cho hậu duệ có đôi khi hổ thẹn.
Trong khi đó, Tào Tháo vẫn thường được người đời nhắc tới với cương vị của một chính trị gia, một nhà quân sự kiệt xuất. Hậu thế vẫn thường cho rằng ông sẽ trở thành một năng thần ở thời bình, chỉ tiếc rằng sinh nhầm thời loạn thế nên mới trở thành gian hùng mà thôi.
Đó có lẽ chính là điểm khác biệt giữa hai nhân vật lịch sử này, cũng là một trong những lý do khiến cho hậu duệ nhà Tư Mã vẫn không khỏi xấu hổ nếu đem cơ nghiệp của tiên tổ để lại đặt lên bàn cân với nhà Tào Ngụy.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)