Chuyện tướng thua trận trên chiến trường, bị địch bắt sống rồi chém đầu là quá bình thường trong thời loạn, đặc biệt là giai đoạn Tam Quốc. Và rất hiếm khi, những họ hàng hay thế hệ sau của vị tướng chết trận đó tìm tới kẻ thù để tàn sát toàn gia nhằm rửa hận. Như cách Bàng Hội – con Bàng Đức, làm với gia tộc của Quan Vũ tại Thành Đô năm 264.
Sự kiện Bàng Hội thảm sát gia tộc họ Quan
Tam Quốc Chí, phần Thục Ký có đoạn: “Con Bàng Đức, là Bàng Hội theo Chung Hội – Đặng Ngải phạt Thục. Thục bị diệt, đã cho giết sạch gia tộc Quan Vũ”. Đó là chuyện xảy ra vào năm 264, thời điểm nhà Thục Hán chính thức diệt vong, 45 năm sau thời điểm Quan Vũ và Bàng Đức qua đời (năm 219).
Bàng Hội – tướng Ngụy – người thực hiện cuộc thảm sát gia tộc Quan Vũ năm 264.
Bàng Đức, cha của Bàng Hội, chết năm 39 tuổi. Bàng Đức bị Quan Vũ bắt sống khi đại quân của Vũ nhân cơn mưa lớn nước dâng cao, tập kích Phàn Thành. Vũ ban đầu khuyên hàng Đức – người có anh là Bàng Nhu – quan dưới trướng Lưu Bị tại Hán Trung, Đức lại từng có nhiều năm phò tá của Mã Siêu, một trong Ngũ Hổ Tướng của Thục trước khi về với Tào Tháo. Nhưng Bàng Đức không chịu hàng, Vũ đành sai quân mang ra chém.
Tào Tháo nghe tin Bàng Đức chết, rất đau xót, khóc rỏ nước mắt. Sau đó Tháo ban cho bốn người con của Đức tước “Quan nội hầu”, tất cả đều được thực ấp trăm hộ. Bàng Hội, con trai thứhai của Đức, có phong độ dũng liệt của cha, làm quan đến chức Trung uý tướng quân, tước Liệt hầu.
Tào Tháo, người đặt cơ sở nền móng cho triều đại Tào Ngụy, cũng từng nhân chuyện cha mình Tào Tung bị Bộ tướng của Thứ sử Từ Châu Đào Khiêm giết chết hồi năm 193 mà cất vài chục vạn binh đánh Từ Châu, lấy cớ là báo thù cho cha. Nhưng đấy lại là một trường hợp hoàn toàn khác, ngoài mặt là chuyện hỏi tội, giải quyết oán thù nhưng mục đích chính của Tháo khi “tắm máu” lương dân Từ Châu là chiếm địa bàn, mở rộng thể lực.
Bàng Đức – cha của Bàng Hội – từng bị Quan Vũ bắt và chém đầu ở trận Phàn Thành năm 219.
Cái chết của Bàng Đức
Để lý giải cho việc tại sào Bàng Hội phải tàn sát gia tộc của Quan Vũ sau khi Tào Ngụy thôn tính Thục Hán năm 264, chúng ta cần ngược dòng về thời điểm trước đó 45 năm khi cha của Hội – Bàng Đức được Tào Tháo phong “Chinh Tây đô tiên phong” cùng Tào Nhân – Chính Nam tướng quân dẫn quân bản bộ vây đánh huyện Uyển,rồi xuôi Nam đóng quân ở Phàn thành, tấn công Quan Vũ.
Các tướng ở Phàn thành thấy anh họ của Bàng Đức là Bàng Nhu ở Hán Trung phục vụ Lưu Bị, đều nghi ngờ về lòng trung thành của ông. Đức lúc ấy đã khẳng khái tuyên bố: “Ta đã chịu quốc ân, về nghĩa phải lấy cái chết để báo đáp. Ta muốn thân chinh đi đánh Quan Vũ. Năm nay nếu ta không giết được Vũ, tất Vũ sẽ giết ta”.
Bàng Đức sau bị quân Thục tập kích vây khốn ở ở Phàn Thành, bị bắt sống, sa vào tay kẻ thù nhưng vẫn hiên ngang, đứng thẳng không chịu quỳ. Quan Vũ bảo rằng: “Anh ngươi ở Hán Trung, ta muốn dùng ngươi làm tướng, sao chẳng sớm hàng đi?” Bàng Đức mắng Quan Vũ rằng :“Nguỵ vương có trăm vạn giáp binh, uy chấn thiên hạ. Lưu Bị nhà ngươi chỉ là kẻ tầm thường thôi, há có thể địch nổi sao! Ta thà làm con ma ở nước Nguỵ, chẳng thèm làm tướng của lũ nghịch tặc vậy. Bàng Đức bị Quan Vũ sai đem chém đầu, mất năm 39 tuổi.
Bàng Đức có anh là Bàng Nhu làm quan nước Thục, từng là thủ hạ thân tín của Mã Siêu trước khi về với Tào Tháo.
Đấy là những gì được sách sử Tam Quốc Chí chép ở Mục “Ngụy thư” – Bàng Đức truyện. Chuyện Bàng Đức bị Quan Vũ bắt và chém đầu, thì quá rõ ràng rồi, không nhất thiết phải bàn nhiều. Quan Vũ sau thắng lợi ở Phàn Thanh lại trúng kế Lã Mông – Đông Ngô, mất Kinh Châu, chịu vây khốn Mạch Thành, rồi bị bắt sống tại Lâm Thư và bị hành quyết (cùng con trai Quan Bình) vào tháng Chạp (âm) 219, chúng ta cũng đã rõ.
Ở đây, có hai chi tiết cần phải lưu ý. Thứ nhất, xuất phát điểm của Bàng Đức ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý và vị thế của thế hệ đời sau – cụ thể là Bàng Hội. Và thứ hai, thi thể của Đức sau khi bị Quan Vũ giết, thực sự ở đâu. Đấy là những điểm mấu chốt lý giải tại sao Bàng Hội lại “tắm máu” gia tộc họ Quan sau này.
Lý giải cuộc thảm sát của Bàng Hội
Chi tiết đầu tiên, Bàng Đức trước khi về với tào Tháo là một trong những võ tướng bậc nhất của Tây Lương, phục vụ cho cha con Mã Đằng – Mã Siêu. Bàng Đức truyện – Ngụy Thư viết: “Mỗi khi xuất chiến, Bàng Đức thường xung phong hãm trận đánh lui quân địch, dũng khí trùm ba quân”.
Bàng Hội có những lý do “đặc biệt” để tắm máu nhà họ Quan.
Năm 211, Đức cùng Mã Siêu cất quân đánh Tào Tháo trong trận Đồng Quan. Quân Tây Lương chiếm được Trường An và ải Đồng Quan nhưng sau đó Tào Tháo phản công thắng lợi đánh bại quân Mã Siêu. Đức cùng Siêu chạy trốn về phía tây, nương nhờ rợ Khương chiêu binh mãi mã chuẩn bị phản công.
Năm 213, Bàng Đức và Mã Siêu lại lần nữa khởi binh đánh quân Tào ở Lũng Thượng, quân nổi dậy nhanh chóng chiếm cứ được các địa điểm quan trong như Ký Thành… Bàng Đức được giao nhiệm vụ trấn giữ Ký Thành. Sau đó, Mã Siêu bị các hàng tướng người Hán thông đồng bội phản, phối hợp cùng quân Tào đánh úp phải chạy đến Hán Trung đầu quân cho Trương Lỗ. Bàng Đức khi đó vẫn sát cánh cùng Mã Siêu.
Năm 214, Mã Siêu hàng Lưu Bị nhưng Bàng Đức ốm nên phải ở lại Hán Trung. Năm 215, Tào Tháo tấn công ải Dương Bình nhằm chiếm Hán Trung, thấy Bàng Đức có tài nên tìm cách bắt Bàng Đức và chiêu hàng. Bàng Đức theo về với Tào Tháo, được phong là Lập Nghĩa Tướng quân, nhận tước Quan Môn đình hầu và được hưởng lộc (thu tô, thuế) 300 hộ dân. Đầu năm 219, Bàng Đức hộ tống Tào Tháo từ Hán Trung về Hứa Đô an toàn khi Tháo bị quân Thục truy kích. Sau đó là trận chiến Phàn Thành với Quan Vũ và cái chết của Đức mà chúng ta đã nêu ở trên.
Quan Anh Tài – hậu nhân nổi tiếng nhà họ Quan, cháu 72 đời Quan Vũ.
Đức được Tào Tháo yêu quý nhưng mối quan hệ với người anh Bàng Nhu làm quan nhà Thục và chuyện nhiều năm trường là tướng của Mã Siêu khiến ông không được các nhân vật hàng đầu ở Ngụy coi trọng, thậm chí không muốn nói là xem thường. Những phát ngôn của Đức trước trận chiến Phàn Thành, cũng đặc tả rõ nét thực tế này. Các con của Đức, cũng lớn lên trong cái tâm lý đầy ẩn ức ấy. Và việc Bàng Hội sau này thảm sát nhà họ Quan ở Thành Đô, ngoài việc báo thù cha, còn là cách để khẳng định cái tâm thế và vị thế một lòng vì Ngụy của họ Bàng vậy.
Vấn đề thứ hai là chuyện thi thể của Bàng Đức. Theo ghi chép của Vương Ẩn trong Thục ký thì khi Chung Hội bình Thục, đã cùng Bàng Hội đem theo một đội quan nhạc, rước thi hài Bàng Đức về an táng ở huyện Nghiệp, trong mộ đầy đủ thân thủ như lúc sinh tiền. Mộ phần của Bàng Đức, trước đó cũng được nhắc tới trong lần Tào Phi lên ngôi Văn đế, có sai người tới mộ của Đức ban cho Thụy Hiệu.
Như vậy có thể thấy, là Bàng Đức sau khi bị giết chết ở Phàn Thành, Quan Vũ đã cho đem thi thể Đức về đất Thục. Còn mộ phần của Bàng Đức, ở đất Ngụy, khả năng chỉ chứa những kỷ vật của vị tướng này mà thôi. Với Bàng Hội, chuyện phải chịu nỗi đau hơn 4 thập kỷ thất lạc thi thể của cha, cũng là một phần để lý giải cho việc viên tướng này trút giận vào thế hệ sau của Quan Vũ tại Thành Đô vậy.
Gia tộc của Quan Vũ không hề bị diệt vong
Quan Vũ có 3 người con: hai nam Quan Bình, Quan Hưng và một nữ Quan Phụng. Quan Bình bị Đông Ngô bắt giết cùng Vũ năm 219. Quan Hưng lớn lên ở Ích Châu, được Gia Cát Lượng yêu mến, cất nhắc làm Thị trung và Trung giám quân, làm quan 1 thời gian cũng qua đời sớm. Quan Phụng, được Vũ gọi là “Hổ Nữ” bởi thừa hưởng toàn bộ uy phong vũ dũng từ cha, dù là thân nữ nhi nhưng 18 tuổi đã sớm được Gia Cát Lượng tin dùng, đem theo phò trợ mình thảo phạt Nam Man.
Con trưởng Quan Hưng là Quan Thống làm tới chức Hổ bôn trung lang tướng, cũng mất sớm không có con trai. Người con thứ của Quan Hưng là Quan Di, sau khi Quan Thống mất được tập tước Hán Thọ đình hầu.
Ban đầu chính sử chép rằng, dòng họ Quan Vũ diệt vong sau cuộc “tắm máu” của Bàng Hội năm 264. Tuy nhiên, nghiên cứu về sau chỉ ra rằng ngay khi nhà Nguy chiếm được nước Thục, một nhánh của gia tộc Quan Vũ đã đổi thành họ Môn để tránh họa, chuyển xuống phía Nam, đến Phúc Kiến, Quảng Đông lập nghiệp. Phải đến khi nhà Tây Tấn sụp đổ năm 316, mới lấy lại họ Quan.
Dòng Quan Di, được coi là đại tông thất của hậu duệ Quan Vũ. Thế hệ sau nhà họ Quancó nhiều người tài giỏi nổi tiếng, như: Quan Lang – đại thần đời Bắc Ngụy, Quan Khang Chi – danh nho đời Nam triều, Quan Phiên-tể tướng đời Đường… Tính từ thế kỉ 20, hậu duệ Quan Vũ nổi tiếng có tiến sĩ Quan Nghĩa Tân, nhà thực vật học – chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Trung Quốc, người có hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học. Hay Quan Anh Tài, truyền nhân đời thứ 72 của Quan Vũ, người được xưng tụng là “Cự phú công thương Đông Nam Á” (mất năm 2012).