Thoạt nghe về mối quan hệ giữa Tào Tháo và Trương Phi tưởng chuyện hoang đường và thật khó chấp nhận. Nhưng đây lại là sự thật 100%, được ghi chép trong chính sử.

Là một trong Ngũ hổ tướng của Thục Hán và cũng là anh em kết nghĩa vườn đào với Lưu Bị, cái tên Trương Phi chỉ cần nhắc đến là ai cũng nghĩ ngay tới võ tướng dũng mãnh, xả thân vì huynh chủ. Tuy nhiên điều không ai ngờ tới là Trương Phi lại có mối quan hệ họ hàng với Tào Tháo.

Trương Phi tự Ích Đức, thường được gọi là Dực Đức, người Trác Quận. Ông sinh trưởng trong một gia đình giàu có, làm nghề bán ʀượᴜ, thân hình to lớn, dung mạo oai phong, thạo võ nghệ thông kinh sử. Trương Phi viết chữ rất đẹp và được coi là danh họa trong vùng.

Trương Phi là người khẳng khái, bộc trực và rất nóng nảy. Ông nổi tiếng với võ nghệ siêu phàm cùng với sự dũng cảm coi thường cái ᴄʜếᴛ. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, hình ảnh Trương Phi thường đi cùng với bát xà mâu dài 1 trượng 8 và tuấn mã “Ô vân đạp tuyết”.

Hình ảnh Trương Phi có ảnh hưởng khá sâu đậm trong dân gian, là một trong những danh tướng được người đời truyền tụng và yêu mến. Trần Thọ, tác giả sách sử Tam Quốc chí có đánh giá về ông như thế này: “Trương Phi sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Phi bạo mà nóng, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.

Tam Quốc diễn nghĩa có rất nhiều chương hồi viết về Trương Phi, từ những chiến công hiển hách, tính cách nóng nảy đến cái ᴄʜếᴛ đáng tiếc của ông. Nhưng La Quán Trung tuyệt không có 1 dòng viết về người vợ của Phi. Trong khi, nếu chiếu theo chính sử, gốc gác và xuất thân “người phụ nữ của Trương Phi” chứa đựng nguồn tư liệu tiểu thuyết vô cùng quý giá.

Có lẽ là bởi La Quán Trung, với tư tưởng xuyên suốt trong Tam quốc diễn nghĩa, là “thân Thục, bài Ngụy” đã cố tình bỏ qua nhân vật đặc biệt này. Vì vợ của Trương Phi – Hạ Hầu thị – thực ra có quan hệ họ hàng với… Tào Tháo.

Thoạt nghe tưởng chuyện hoang đường và thật khó chấp nhận với những người coi “Tam quốc diễn nghĩa” là sách gối đầu giường. Nhưng đây lại là sự thật 100%, được ghi chép trong chính sử.

“Tam quốc chí, Nguỵ thư – Chư Hạ Hầu Tào truyện” chú dẫn “Nguỵ lược”, có đoạn như sau: “Năm Kiến An thứ 5 (tức năm 200), bấy giờ Hạ Hầu Bá có em họ tuổi tầm 14 là Hạ Hầu Thị tung tú cầu kén chồng trong quận. Trương Phi chính là người bắt được quả cầu ấy. Phi biết là Hạ Hầu Thị là con gái nhà gia giáo, lấy về làm vợ, sinh được 4 người con: hai trai và hai gái”.

Hạ Hầu Uyên, danh tướng Ngụy, bác Hạ Hậu Thị và là em họ Tào Tháo.

Hạ Hầu Thị, là em họ Hạ Hầu Bá. Mà Bá là con thứ hai của Hạ Hầu Uyên. Cha mẹ Hầu Thị mất sớm, nàng được Hạ Hầu Uyên nuôi dưỡng từ nhỏ, coi như con gái. Tức khi Hầu Thị thành vợ Trương Phi thì Phi theo lẽ chính là cháu rể của Hạ Hầu Uyên. Điều này là quá rõ ràng không phải bàn cãi.

Giờ chúng ta xét tới gốc gác của Ngụy Vương Tào Tháo. Cha của Tào Tháo là Tào Tung, con nuôi của Tào Đằng một cựu thần vào cuối đời Đông Hán, vốn thuộc dòng dõi Hạ Hầu. Theo “Tam quốc chí, Nguỵ thư, Vũ Đế kỷ” chú dẫn hai cuốn “Tào Man truyện” và “Thế ngữ”: “Tào Tung, con của dòng tộc Hạ Hầu, thúc phụ của Hạ Hầu Đôn. Thái tổ (chỉ Tào Tháo) là anh em tòng phụ của Đôn”.

Điều này có nghĩa là, xét về quan hệ huyết thống, Tào Tháo chính là đời sau của dòng Hạ Hầu. Những đại tướng đứng đầu của Tháo, như Hạ Hầu Đôn hay Hạ Hầu Uyên đều là anh em họ ông. Hạ Hầu Đôn đặc quyền vượt xa muôn người trong khi Hạ Hầu Uyên nhiều lần nắm đại quân chinh phạt, rất được Tào Tháo trọng dụng.

Tào Tháo là anh họ của Hạ Hầu Uyên, thế nên Trương Phi khi thành thân với Hạ Hầu Thị, theo thứ bậc xưng hô trong gia đình dòng tộc chính là cháu rể của Ngụy vương vậy. Không chỉ thế, đến cả Hậu chủ Thục Hán là Lưu Thiện (con Lưu Bị) cũng phải tính là… chắt rể xa của Tào Tháo. Lý do là bởi, hai người con gái của Trương Phi và Hạ Hầu Thị, khi trưởng thành đều là vợ của Lưu Thiện.

Chính sử có ghi chép cụ thể về hai con gái của Trương Phi, sau này đều trở thành Hoàng hậu của Lưu Thiện như sau: Con gái lớn của Phi lấy thái tử Lưu Thiện vào năm Chương Vũ thứ 1 (221), tới năm Kiến Hưng thứ 1 (223) được lập làm Kính Ai hoàng hậu của Thục Hán. Mất năm Kiến Hưng thứ 15 (237). Con gái thứ hai của Phi nhập cung làm quý nhân sau khi Kính Ai hoàng hậu mất. Tháng 1 năm Diên Hi thứ 1 (238) được lập làm hoàng hậu (Trương hoàng hậu). Sau khi Thục Hán diệt vong năm 263, bà theo Lưu Thiện tới Lạc Dương.

Năm Chính Thuỷ thứ 10 nước Nguỵ (năm 249), Tư Mã Ý phát động chính biến, d.i.ệ.t tập đoàn Tào Sảng, độc chiếm đại quyền Tào Nguỵ. Hạ Hầu Bá đương chức Tả tướng quân, “Chinh Thục Hộ quân” sợ bị liên luỵ vội chạy sang Thục.

Bá tới Thành Đô, Lưu Thiện đích thân tiếp kiến, còn chỉ con trai mình mà rằng: “Con dì con già của họ Hạ Hầu đây thôi”. Lưu Thiện đối với bác vợ – Hạ Hầu Bá “rất mực hậu đãi”, sau đưa ông lên làm Đại kỵ tướng quân. Từ đó, Hạ Hầu Bá trở thành một trong những trọng tướng cuối thời Thục Hán.