Hóa ra Lưu Bị cả đời không quá trọng dụng Mã Siêu là vì những nguyên nhân này.
Trong Tam Quốc, có vô số anh hùng xuất hiện. Nhiều người đầu quân cho ba tập đoàn chính trị mạnh nhất lúc bấy giờ là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Để tranh đoạt thiên hạ, ngoài quân sư, võ tướng tài giỏi đóng vai trò rất quan trọng. Dù xuất phát điểm yếu thế hơn so với Tào Ngụy và Đông Ngô, nhưng Thục Hán cũng thu hút được rất nhiều nhân tài, dần trở thành thế lực mạnh thời Tam Quốc.
Một trong những võ tướng hàng đầu của nhà Thục Hán có thể nhắc tới Mã Siêu.
Mã Siêu, tự Mạnh Khởi, được cho là hậu duệ của tướng quân Mã Viện, thời nhà Đông Hán. Bản thân Mã Siêu cũng là một võ tướng nổi danh trong Tam Quốc. Ông được biết đến với sự dũng mãnh và rất thiện chiến trên chiến trường. Mã Siêu là vị tướng có tài bắn tên và có lối đánh thần tốc khiến quân địch khiếp sợ.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Mã Siêu thậm chí còn được xếp vào “Ngũ hổ tướng” của Thục Hán, bên cạnh những võ tướng tài giỏi nhất như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân và Hoàng Trung.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Mã Siêu còn được xây dựng hình tượng trở thành một trong những mỹ nam đẹp nhất thời Tam Quốc. Cụ thể, tại Hồi thứ 10, Mã Siêu được miêu tả là “một viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ, tay vượn, bụng beo, lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài, mình cưỡi con ngựa đẹp“.
Mã Siêu là một trong những võ tướng nổi danh trong Tam Quốc.
Trong Tam Quốc chí, Mã Siêu được mô tả là vị tướng từng đối đầu với Tào Tháo tại trận Đồng Quan, và cầm cự bất phân thắng bại với Tào Tháo.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao một vị tướng dũng mãnh như Mã Siêu lại không được Lưu Bị , một vị quân chủ trọng nhân tài, tin tưởng và trọng dụng?
Đáp án hóa ra nằm ở cuộc đời đầy bi kịch của Mã Siêu và cụ thể là 5 ‘vật cản’ dưới đây.
5 ‘vật cản’ của Mã Siêu
Mã Siêu đầu hàng Lưu Bị nhưng vị quân chủ này lại không quá trọng dụng và tin tưởng ông.
Trong thời gian nương nhờ Trương Lỗ, rơi vào tình thế bất đắc chí, cuối cùng Mã Siêu quyết định xin quy phục Lưu Bị. Tuy nhiên, vợ con của Mã Siêu khi đó không thể theo ông trốn sang đất Thục nên vẫn phải ở Hán Trung và sống nhờ vào sự chu cấp của Trương Lỗ.
Mã Siêu sau khi đầu quân cho Thục Hán, ông được Lưu Bị giao cho nhiều trọng trách và phong cho làm Tả tướng quân.
Tuy nhiên, dù tài giỏi và thiện chiến nhưng Mã Siêu lại không được vị quân chủ của nhà Thục Hán quá trọng dụng. Rốt cục là vì sao?
Thứ nhất: Xuất thân nổi tiếng
Dưới ảnh hưởng của xã hội thời Đông Hán, nền tảng gia tộc vẫn được coi là một trong những yếu tố quyết định đến hành vi trong xã hội lúc bấy giờ. Mã Siêu có xuất thân từ một gia tộc danh giá, được cho là hậu duệ của tướng Mã Viện nhà Đông Hán.
Trong khi đó, Lưu Bị có xuất phát điểm nghèo khó, nên không thể dễ dàng sử dụng Mã Siêu một cách tùy tiện. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến Mã Siêu không được Lưu Bị quá trọng dụng.
Thứ hai: Bất trung – ‘vết nhơ’ trong quá khứ
Một trong những nguyên nhân khiến Lưu Bị khó tin tưởng và trọng dụng Mã Siêu là vị tướng này từng trở mặt với Trương Lỗ. Theo đó, sau khi nghe tin Lưu Bị thực hiện chiến dịch Tây Xuyên và đang vây đánh Lưu Chương ở Thành Đô, Mã Siêu đã bí mật gửi thư xin hàng Lưu Bị.
Dù chấp nhận Mã Siêu quy hàng, nhưng đối mặt với một vị tướng từng quay lưng với người có ơn giúp đỡ mình, nên Lưu Bị không trao hoàn toàn trọng trách cho Mã Siêu. Thậm chí, cho dù cử đi chiến đấu, nhưng ông cũng không phải là tướng quân chủ lực.
Thứ ba: Bất hiếu – coi thường tính mạng của cha, bỏ rơi vợ con
Mang tiếng xấu là bội bạc và sẵn sàng đưa người thân của mình vào chỗ chết nên Mã Siêu không được Lưu Bị quá trọng dụng.
Năm xưa, khi Mã Siêu dẫn quân tấn công Tào Tháo, cha của ông (Mã Đằng) đang là một vị quan trong triều nhà Đông Hán. Cuộc nổi dậy của Mã Siêu khiến cha bị Tào Tháo giết chết.
Theo đó, vào năm 212, sau khi dẹp xong Mã Siêu và trở về Hứa Xương, nhân danh Hán Hiến Đế, Tào Tháo hạ lệnh giết chết Mã Đằng, đồng thời tru di tam tộc, giết hết những người cùng họ Mã bấy giờ ở kinh thành. Theo sử sách, gia tộc của Mã Siêu gồm hơn 200 người bị xử tử, duy chỉ có Mã Siêu và Mã Đại khi đó rút về Lũng Thượng thì mới tránh được tai họa này.
Hơn nữa, khi chạy trốn trong chiến tranh, Mã Siêu được cho là bội bạc khi nhiều lần bỏ rơi vợ con. Khi Mã Siêu nương nhờ, Trương Lỗ từng muốn gả con gái cho ông, nhưng có người nhắc nhở rằng, Mã Siêu từng có thể bỏ rơi người thân, vậy làm sao có thể đối xử tốt với con gái của ông? Sau khi nghe xong, Trương Lỗ đành phải hủy bỏ cuộc hôn nhân này.
Thứ tư: Bất nhân – giết hại người dân vô tội
Sau trận Đồng Quan, Mã Siêu một lần nữa tấn công Tào Tháo và bắt đầu cuộc bao vây Ký Thành. Sau khi chiếm được Ký Thành, quân Mã Siêu đã giết chết Lương Châu thứ sử là Vi Khang khi đó muốn đầu hàng.
Sau đó, khi tấn công Lịch Thành, Mã Siêu đã giết mẹ và con trai của Khương Tự, rồi cuồng sát nhiều người dân trong thành… Những hành động tàn sát này của Mã Siêu trong quá khứ có thể là một điểm trừ trong mắt Lưu Bị.
Thứ năm: Bất nghĩa với Bành Dạng
Dưới trướng của Lưu Bị có một vị quan tên là Bành Dạng. Tuy nhiên, sau khi được cất nhắc, Bành Dạng tỏ ra kiêu ngạo tự đắc. Đến năm 220, Lưu Bị quyết định giáng chức Bành Dạng, cho làm thái thú Giang Dương.
Khi sắp lên đường, Bành Dạng có ghé thăm Mã Siêu. Sau khi nghe những lời nói đầy tham vọng của Bành Dạng, Mã Siêu khi đó mới về hàng Thục chưa được bao lâu, nên trong lòng lo sợ nếu tham vọng của Bành Dạng được thực hiện thì bản thân cũng sẽ bị liên lụy. Do đó, sau khi Bành Dạng về, Mã Siêu đã mật báo với Lưu Bị. Kết quả là Bành Dạng bị bắt giam và cuối cùng bị xử tử.
Dù động thái này được coi là một phương án để bảo vệ bản thân, nhưng cũng có thể là tình thế khiến Mã Siêu rơi vào cảnh phản bội lại bạn bè.
Là một vị tướng tài giỏi, nhưng Mã Siêu lại không thực hiện được hoài bão của mình, đồng thời khi về Thục cũng không có nhiều cơ hội được thể hiện năng lực. Kết quả, rơi vào tình cảnh bất đắc chí, ông qua đời đầy tiếc nuối khi chỉ mới 46 tuổi. Quả thực là đáng tiếc!
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu