Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi lên, quân phiệt hỗn chiến, Tôn Sách cũng nhân cơ hội nổi dậy cát cứ Giang Đông, trở thành bá chủ một phương.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc.Sinh thời, Tào Tháo không chỉ là đệ nhất gian hùng kim cổ có một, Tào Tháo còn là người có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lã Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương Bắc, khiến cho mọi thế lực bấy giờ đều khiếp sợ trước Tào Tháo. Tuy nhiên, bấy giờ cũng có một nhân vật khiến Tào Tháo phải kiêng dè không dám tranh hùng trực tiếp đó chính là Tôn Sách.Trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa nhà văn La Quán Trung mô tả Tôn Sách là nhân vật anh dũng hơn người, thậm chí không hề thua kém so với Tây Sở Bá vương Hạng Vũ năm xưa. Cũng bởi vậy mà ông còn có biệt hiệu là Tiểu Bá vương.
Hậu thế đều biết trong trận chiến Hán – Sở tranh hùng khi xưa, Tây Sở Bá vương Hạng Vũ suy cho cùng vẫn là kẻ thất bại. Dù vậy, kết quả bại vong của vị Bá vương năm nào đã trở thành tấm gương, khiến Tiểu Bá vương Tôn Sách càng được xếp vào hàng “khó chơi”.
Tôn Sách chỉ dùng vài nghìn lão binh Giang Đông mà có thể đánh hạ Giang Đô, gây dựng cơ đồ. Năng lực này so với bất kỳ vị bá chủ nào đều không hề kém cạnh nửa phần.
Ông được người đời đánh giá là bậc hào kiệt chân chính thời Tam quốc, thậm chí còn khiến cho những nhân vật khét tiếng lúc bấy giờ như Lưu Bị, Viên Thuật, Tào Tháo đều phải dè chừng.
Theo sử liệu, Tôn Sách (175-200), người Phú Dương, gốc Chiết Giang. Ông là con trai trưởng của Tôn Kiên, anh trai Tôn Quyền. Tôn Sách được thừa hưởng ngoại hình ưu tú của Tôn Kiên, nói chuyện thông minh, hài hước, thái độ làm người độ lượng, thẳng thắn, là một bậc quân chủ biết lắng nghe ý kiến thuộc hạ, cũng rất biết dùng người.
Sau khi Tôn Kiên bị g.i.ế.t c.h.ế.t trong một trận đánh với Kinh Châu thứ sử Lưu Biểu, lúc đó Tôn Sách mới khoảng 16 – 17 tuổi. Cha mất, đất đai bị chiếm, Tôn Sách cùng em là Tôn Quyền, lúc đó mới 10 tuổi, và các bộ tướng cũ của cha đầu hàng Viên Thuật, người đã sai Lưu Biểu g.i.ế.t cha mình để tiến về vùng Giang Nam nhằm xây dựng cơ sở quyền lực của mình tại đây.
Về sau, Tôn Sách ly khai Viên Thuật, dẫn theo đội quân chỉ vẻn vẹn trên dưới ngàn người đi tới Giang Đông lập nghiệp.
Tôn Sách chấn chỉnh binh lực, quân kỷ nghiêm minh, được dân chúng vùng Giang Đông rất mực yêu kính, các tướng sĩ cũng nguyện vì ông mà tận tâm phục vụ.
Trên đường đi, số người gia nhập đội quân của Tôn Sách ngày càng đông đảo. Từ một đội quân chỉ vẻn vẹn nghìn người, rất nhanh đã lên tới 5-6 nghìn binh lính.
Sau này, có thêm sự giúp sức của Chu Du, họ nhanh chóng đánh chiếm Hoành Giang, Đương Lợi, Đan Dương, Ngô Quận, Giang Hạ, Quế Dương, Linh Lăng, Dự Chương, Lư Lăng, Hội Kê.
Công cuộc bình định Giang Đông của Tôn Sách đã khiến Tào Tháo coi ông là một đối thủ đáng gờm không nên đối địch.
Giang Đông Tiểu Bá vương Tôn Sách khiến cho Tào Tháo cũng phải kiêng dè.
Theo Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, sau khi Tôn Sách bình định Giang Đông, Tào Tháo nói một câu rất sâu xa: “Không thể tranh giành với một con chó điên”.
Còn Tam quốc diễn nghĩa thì viết rằng, Tào Tháo ví Tôn Sách là “sư nhi” (sư tử non), còn nhận định “không thể cùng nó tranh phong”.
Kết quả, Tào Tháo đem cháu gái của mình gả cho người em thứ tư của Tôn Sách, lại để con trai thứ ba cưới con gái của Tôn Bôn, thông qua hôn nhân chính trị để lôi kéo vị quân chủ trẻ tuổi.
Ngay tới một người như Tào Tháo cũng phải coi Tôn Sách là đối tượng không thể cùng tranh giành, điều này đủ để thấy ông được coi là một đối thủ đáng gờm lúc bấy giờ.
Nhiều ý kiến nhận định, nếu Tôn Sách không bị ám sát mà qua đời sớm, lại thêm tứ đại đô đốc dưới trướng, rất có thể thế lực này hoàn toàn có thể thống nhất Trung Quốc.
Quốc Tiệp (t/h)