Giữa đường đi đánh Lạc Dương để diệt Đổng Trác, quân do Tào Tháo mới mộ làm phản dù cho ông đã ra sức trấn áp, tuốt gươm giết chết vài chục người nhưng số đông vẫn tản đi, chỉ còn lại 500 quân theo ông, từ đó Tào Tháo đành bỏ việc đánh Đổng Trác.

Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tào Tháo từ bỏ việc đánh Đổng Trác
Tào Tháo là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

 

Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn – Lưu, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. Nhưng đa số mọi người đều công nhận, Tào Tháo đã từng là thần tử năng nổ tích cực.

Năm 184, cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng do Trương Giác lãnh đạo bùng nổ. Tào Tháo cùng các quân phiệt địa phương cùng các tướng trong triều đình đàn áp thành công, nên được Hán Linh Đế phong làm Điển quân hiệu uý trong triều.

Lúc Đổng Trác khống chế triều đình, tự xưng là Thái sư, Tào Tháo được Đổng Trác phong lên chức Kiêu kỵ hiệu uý. Sau đó, Tào Tháo muốn giết Đổng Trác nhưng kế hoạch bị bại lộ, nên phải bỏ trốn khỏi Lạc Dương.

Khi Viên Thiệu phát hịch đi các trấn kêu gọi đánh Đổng Trác. Ông bàn mưu với Thái thú Trần Lưu là Trương Mạo khởi binh chống Đổng Trác. Bản thân Tào Tháo được Vệ Tư tặng tiền bạc để mộ quân. Con cháu họ Tào và họ Hạ Hầu đi theo Tào Tháo rất đông. Ông mộ được 5000 người, đi đánh Đổng Trác dưới quyền Trương Mạo; cùng đi theo Trương Mạo còn có Bào Tín cũng mộ được 2 vạn quân.

Tào Tháo từng có ý định ám sát Đổng Trác nhưng không thành.

Tuy nhiên, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung lại nói rằng, Tào Tháo chính là người hiệu triệu chư hầu chống Đổng Trác và không ở dưới quyền ai trong các lộ chư hầu.

Các chư hầu hội binh chống Đổng Trác khi đó có 10 lộ quân: Viên Thiệu (đứng đầu), Viên Thuật, Hàn Phức, Khổng Do, Lưu Đại, Trương Mạo, Trương Siêu, Vương Khuông, Viên Di, Kiều Mạo. Thái thú Ngô quận là Tôn Kiên không đến hội binh cũng hưởng ứng tự ra quân. Tào Tháo được Viên Thiệu cử làm Phấn Vũ tướng quân, ông lại xin với Viên Thiệu cử Bào Tín làm Phá lỗ tướng quân.

Trong khi Tôn Kiên đi tiên phong đánh Đổng Trác thì Viên Thiệu vẫn họp các chư hầu ở Hoài Khánh không hề tiếp ứng, chỉ mở tiệc uống rượu. Đổng Trác sợ uy thế các chư hầu nên tháng 3 năm 191 cũng bỏ Lạc Dương, mang Hán Hiến Đế chạy sang Trường An, để Từ Vinh ở lại đóng quân cạnh Lạc Dương yểm hộ.

Thấy Đổng Trác đốt kinh thành bỏ chạy, Tào Tháo kiến nghị Viên Thiệu ra quân truy kích nhưng Thiệu không dám ra quân. Tào Tháo làm ầm lên trong hội nghị chư hầu đòi đi đánh. Trương Mạo cũng đồng tình, trách cứ Viên Thiệu trước chư hầu. Viên Thiệu bất đắc dĩ cho Tào Tháo vài ngàn quân đi. Khi chưa tiến đến Thành Quần, vì ít quân nên ông bị Từ Vinh đánh bại, quân chết quá nửa.

Tào Tháo chạy về Toan Táo tìm các chư hầu. Ông kiến nghị chư hầu chia quân: Viên Thiệu thống suất đại quân đánh Thành Cao, bao vây Lạc Dương; còn Viên Thuật thì ngầm đánh từ Nam Dương đánh úp vào cửa Vũ Quan, chiếm lấy Trường An, cắt đứt đường tiến lui của Đổng Trác. Nhưng Viên Thiệu và các chư hầu bỏ ngoài tai lời kiến nghị của ông. Tào Tháo tức giận bỏ đi, chiêu mộ được thêm 4000 quân mã đi đánh Lạc Dương. Tuy nhiên giữa đường quân mới mộ làm phản. Dù Tào Tháo ra sức trấn áp, tuốt gươm giết chết vài chục người nhưng số đông vẫn tản đi, chỉ còn lại 500 quân theo ông.

Tào Tháo đành bỏ việc đánh Đổng Trác để xây dựng lại lực lượng. Các chư hầu do Viên Thiệu đứng đầu cũng chia rẽ và tan rã, đánh giết lẫn nhau.