Câu chuyện về người lái xe tải khiêm nhường, cứu bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư đã tiếp thêm sức mạnh và ý chí để mỗi chúng ta có thể can đảm, bỏ qua những chữ “Nhỡ đâu…” và lao lên làm việc đúng đắn, để tạo ra một điều phi thường như vậy.
1. Trong những chia sẻ đầu tiên của anh Mạnh sau khi lao ra cứu em bé rơi từ tầng 12, anh cho biết: Từ lúc phát hiện em bé đang chới với ở lan can, cho đến lúc rơi xuống và anh lao ra đỡ, thời gian là khoảng 1 phút.
Chỉ 1 phút ngắn ngủi ấy, người lái xe tải đã nghe tiếng tri hô, đã trèo lên bức tường, đã đứng căn chỗ em bé rơi, đã đưa tay ra đón. Mọi hành động đều xảy ra gấp rút và kịp thời. Thậm chí, còn chẳng có 1 giây dành cho sự do dự.
Người ta tính toán rằng, với chiều cao từ tầng 12 khu chung cư và cân nặng của em bé, thì thực tế trọng lượng trên tay anh Mạnh khi đón lấy em bé có thể lên đến vài trăm kg. Dĩ nhiên là trong hoàn cảnh đấy, không ai trong chúng ta sẽ tính được một con số cụ thể như vậy để do dự. Nhưng chúng ta sẽ do dự khi thấy trước mắt là một bức tường rất cao – chắc gì ta đã trèo được qua. Một em bé đang rơi xuống rất nhanh – chắc gì ta đã kịp lao ra đón. Và chắc chắn một sự va đập kéo theo cả chúng ta cùng ngã xuống trong một vị trí đứng vô cùng bấp bênh – chắc gì ta đã đủ sức và đủ an toàn.
Bằng tất cả những sự do dự ấy, chúng ta sẽ hét lên trong tuyệt vọng, vì ta nghĩ mình không thể làm được. Ta sẽ do dự giữa việc lao ra và đỡ em bé, với việc phải trèo qua một bức tường, phải lao đi thật nhanh và đón một trọng lượng không tưởng trên đôi tay nhỏ bé của mình. Và nếu không có một người không-do-dự như anh Mạnh, rất có lẽ, hôm qua và hôm nay chúng ta đã phải đọc những title bài báo thật buồn.
Thứ người lái xe tải đã đánh thức trong chúng ta ngày hôm qua, không chỉ là sự cảm thán về lòng tốt, mà là sự can đảm của một người đàn ông rất mực khiêm nhường.
2. Anh Mạnh nói rằng, ngay khi nghe tiếng tri hô, anh thậm chí còn chẳng kịp suy nghĩ gì mà chỉ lao ra tìm cách cứu em bé. “Tôi chỉ là một người bố bình thường, làm việc này vì lương tâm”, và rằng “Cho đến bây giờ, sau khi biết bé an toàn, tôi vẫn còn run sợ, vội vã tìm về nhà để gặp con gái của mình. Chỉ khi ôm con vào lòng tôi mới vơi đi nỗi sợ, con gái tôi cũng bằng tuổi bé gái ấy”.
Người đàn ông này thật sự đã run sợ khi nhìn thấy tử thần thật sự rất gần. Nhưng chỉ trong một phút ấy, anh đã không để nỗi run sợ ấy choán lấy tâm trí để chừa cho 1 giây do dự. Bản năng của một người cha, lòng tốt vốn có của một con người, và hơn hết, sự can đảm của riêng mình – đã thôi thúc anh bước ra khỏi xe, trèo lên bức tường cao 3m ấy để tìm chỗ đứng đỡ em bé.
Và phép màu đã thực sự xảy ra.
Nào, bây giờ hãy nhớ lại. Lần cuối, chúng ta vượt qua sự do dự và chần chừ của bản thân để làm một việc tốt, hoặc xa hơn, một việc can đảm, là khi nào?
Cũng… lâu lâu rồi thì phải. Có người còn chưa từng, đúng không?
Có nhiều lý do để chúng ta chần chừ. Chúng ta sợ phiền toái, chúng ta sợ ảnh hưởng đến bản thân, chúng ta sợ… mình không làm được. Có 1000 lý do, thậm chí câu chuyện để chúng ta chần chừ làm một việc can đảm giúp ai đó. Tất cả đều bắt đầu với chữ “Nhỡ đâu…”
Nhưng chẳng lẽ điều đó biến chúng ta thành người xấu? Trước mỗi câu chuyện về người hùng, tôi thường đọc được nhiều ý kiến cho rằng xã hội này thiếu người tốt, hay rằng lòng tốt bây giờ hiếm lắm, kiểu vậy. Tôi nghĩ đó là một quan điểm sai. Chúng ta thật ra đều tốt. Ai cũng sẽ đau xé lòng khi thấy một em bé bị rơi mà không thể cứu. Ai cũng sẽ hẫng lại một nhịp khi lướt xe qua một người bị tai nạn dọc đường. Ai cũng sẽ tức giận khi thấy một người yếu thế bị bắt nạt. Chúng ta biết xót thương và phẫn nộ, biết hướng về điều tốt đẹp và chẳng ai muốn điều tồi tệ xảy ra với bất cứ ai.
Thế nhưng, thứ duy nhất chúng ta thiếu, là sự can đảm và không do dự khi đối mặt với một tình cảnh không may.
3. Có một câu nói tôi thấy khi tìm định nghĩa về “anh hùng” trên Internet. Đại loại: “Thế nào là một người hùng? Họ phải là người đại diện cho hy vọng, cơ hội và sức mạnh cho tất cả chúng ta”.
Vậy thì người hùng ngày hôm nay của chúng ta sẽ không đại diện cho bất cứ điều gì lớn lao. Anh đại diện cho những con người bình thường như bất cứ ai ta bắt gặp ngoài kia, nhưng đủ sự can đảm để tạo nên một điều phi thường như là cứu một ai đó bất chấp hiểm nguy.
Tôi đã nhìn thấy những câu chuyện đẹp tiếp diễn sau nghĩa cử đẹp của một ai đó. Sau câu chuyện về những quán cơm, hàng nước cho người nghèo xuất hiện, chúng ta có thể bắt gặp những hàng quán 0 đồng như vậy ở bất cứ đâu trên đất nước này. Sau câu chuyện về những người hùng bắt cướp, bạn cũng có thể bắt gặp những người tiếp lửa của họ ở mọi nơi hiểm nguy trong thành phố. Chú hàng xóm nhà tôi ngày xưa sau khi đọc báo về những hội nhóm cơm từ thiện, đã tự phát động một hoạt động hàng tháng cho cả xóm, đó là nấu cơm cho người nghèo.
Việc tốt là một thứ dễ lan tỏa, nó khiến ta rung động và có niềm tin vào kết quả của những giá trị tích cực mà tự thân ta có thể tạo ra, nó hối thúc ta làm một việc tương tự để gieo những mầm cây của thiện lành. Chúng ta từng nghĩ, chúng ta không đủ tốt cho đến khi ta thấy người khác làm việc tốt, và ta thấy mình cũng có đủ khát khao và khả năng để tạo ra những việc tốt như vậy. Chúng ta cũng không bao giờ tin rằng mình có thể làm một điều phi thường, cho đến lúc ta thấy một người bình thường và giản dị như anh Mạnh cũng có thể tạo ra một phép màu kỳ diệu khi tử thần gần trong gang tấc. Và trái tim ta như được chạm tới.
Hãy cứ tin rằng, sau câu chuyện của anh Mạnh, chúng ta cũng sẽ được tiếp sức mạnh và ý chí để có thể can đảm, có thể bỏ qua những chữ “Nhỡ đâu” để lao lên làm việc đúng đắn, để tạo ra một điều phi thường như vậy. Bởi cuối cùng thì ta cũng đã hiểu, sự phi thường ấy đang nằm trong lồng ngực của mỗi chúng ta.
Nguồn: https://kenh14.vn/cam-on-nguoi-lai-xe-tai-khiem-nhuong-vi-da-cho-ta-mot-niem-tin-ve-su-can-dam-de-lan-sau-ta-khong-do-du-noi-nho-dau-20210301211609716.chn