Công an đang vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc gia đình của 1 công nhân ở Rào Trăng 3 bị đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt 100 triệu tiền mà các nhà hảo tâm ủng hộ.
Ngày 21/10, thượng tá Trần Thanh Tuấn (Trưởng Công an huyện Krông Nô) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đăk Nông để làm rõ trình báo của chị Lê Thị Thu Thảo, 24 tuổi, vợ của công nhân Trần Văn Lộc (ngụ huyện Krông Nô), một trong những nạn nhân thiệt mạng tại sự cố thủy điện Rào Trăng 3. Thông tin liên quan đến các nghi can chiếm đoạt tiền, số điện thoại, tài khoản nhận tiền của chị Thảo… đang được rà soát.
Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 11/10, một vụ sạt lở núi đã vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế), khiến 17 công nhân bị mất tích và đến nay vẫn chưa tìm được 15 người. Trong lúc đi tìm kiếm các công nhân này thì đoàn cứu hộ cũng bất ngờ gặp trận sạt lở đất thứ 2, khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Sau quá trình nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã đưa được thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 2 công nhân tử nạn ra ngoài và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Ngày 17/10 vừa qua, thi thể của Lộc được đưa từ hiện trường vụ sạt lở ở xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) về nhà tại thôn Nam Tiến (xã Nam Nung, huyện Krông Nô) cũng đúng hôm ấy là kỷ niệm 3 năm ngày cưới của anh Lộc và chị Thảo.
Chứng kiến cảnh người vợ trẻ ôm đứa con chưa tròn 3 tháng tuổi khóc đến cạn cả nước mắt trong căn nhà trống huơ trống hoác, được dựng tạm bợ bằng vài tấm gỗ, khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa.
Theo tìm hiểu, sau khi anh Lộc hoàn thành nghĩa vụ quân sự về thì ra Huế để học nghề. Tại đây, Lộc và Thảo quen nhau và cả hai nên duyên chồng vợ vào năm 2017. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn nên Thảo về gia đình ngoại tại Quảng Trị sinh sống và làm việc, còn Lộc vào thủy điện Rào Trăng 3 để làm công nhân.
Chị Thảo cho biết, khi chồng qua đời, nhiều nhà hảo tâm biết gia đình chị khó khăn, phải nuôi hai con nhỏ, nên gửi tiền giúp đỡ, tổng cộng là 250 triệu đồng. Số tài khoản nhận tiền chị đứng tên, vừa mở ở Vietcombank Chi nhánh thị xã Quảng Trị.
Trưa 20/10, người đàn ông xưng tên Nghị, sống tại Đà Nẵng, gọi điện thoại cho Thảo hỏi rất nhiều chuyện. Ngoài động viên, chia sẻ, ông ta nói rằng có đơn vị nhà nước muốn gửi tiền cho gia đình chị. Người này gửi tin nhắn có đường link cho Thảo, đề nghị nhập thông tin cá nhân vào link.
“Ông ta nhắc nhở nhiều lần, đây là tiền của nhà nước ủng hộ nên phải nhập đầy đủ thông tin mới nhận được. Ông ta nói chuyện rất chậm rãi, hướng dẫn tôi làm từng bước một”, chị Thảo nói.
Chị vừa nói chuyện điện thoại với ông ta, vừa lấy điện thoại khác đăng nhập vào đường link. Ngay sau đó, tài khoản của chị 3 lần bị trừ mất 50 triệu đồng. Số điện thoại của gã đàn ông tiếp tục gọi đến nhưng chị không nghe máy. “Do tôi không bắt máy nữa nên 50 triệu đồng bị rút lần thứ 3 được hoàn trả lại tài khoản. Tôi còn mất 100 triệu đồng”, chị Thảo cho biết.
Theo thượng tá Trần Thanh Tuấn, đây là thủ đoạn không mới của tội phạm công nghệ cao. Hiện nay, nhiều nhà hảo tâm đang hướng về đồng bào miền Trung bị lũ lụt, gia đình các nạn nhân bị tử nạn. Tội phạm lợi dụng lúc gia đình đang bối rối, thiếu cảnh giác, cả tin để tực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
“Người dân cần tuyệt đối không thực hiện việc đăng nhập các đường link lạ, cung cấp tài khoản ngân hàng, mã chuyển tiền, mã Pin cho bất cứ ai. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bà con hãy báo cơ quan chức năng ngay”, thượng tá Tuấn khuyến cáo.
(Sưu tầm)