Hôm qua, mạng xã hội xôn xao clip ghi lại cảnh nhóm Youtuber quay phim CSGT TP.HCM đang làm nhiệm vụ với lý do “giám sát” công vụ, nhưng CSGT yêu cầu tránh ra ngoài khu vực cọc tiêu để CSGT làm việc. Vậy việc giám sát CSGT sao mới đúng?
Nhóm YouTuber quay phim CSGT làm nhiệm vụ – ẢNH: CẮT TỪ CLIP
Ghi hình CSGT và người lạ mặtClip dài khoảng 50 phút được chia sẻ, một nhóm nam thanh niên cầm điện thoại quay phim CSGT phát trực tiếp lên YouTube ghi lại cảnh đôi co. Nhóm này liên tục lấy lý do đang giám sát CSGT làm việc nên được quyền quay phim, CSGT thì yêu cầu nhóm thanh niên ra ngoài khu vực cọc tiêu để làm nhiệm vụ.
Nhóm YouTuber quay phim CSGT TP.HCM
Nhưng nhiều người quay cũng liên tục to tiếng cho rằng CSGT đang lấn chiếm lòng lề đường và hỏi ai cho CSGT làm chuyên đề nồng độ cồn tại vị trí này?CSGT giải thích người dân có quyền giám sát nhưng không được quyền kiểm tra. Đoạn clip thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận. Nhiều người ủng hộ việc giám sát CSGT nhưng phần đông cũng cho rằng hành vi này đang cản trở CSGT làm nhiệm vụ. Cũng trong clip, một nam thanh niên mặc áo đen, đeo khẩu trang đã đẩy vai một người trong nhóm quay phim tỏ vẻ phản ứng vì bị quay phim, sau đó rời đi. Nhóm quay phim chạy theo đòi quay mặt người này nhưng anh hất tay chống cự. Lát sau, người áo đen cùng một số người khác cầm theo hung khí xảy ra xô xát với nhóm này.
Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, theo xác minh của cơ quan chức năng, nam thanh niên áo đen xuất hiện trong clip và xảy ra xô xát với nhóm quay phim là một thợ sửa xe nhà gần đó. Thấy bức xúc vì nhóm quay phim tự quay hình ảnh của mình nên xảy ra mâu thuẫn. Theo xác minh với CSGT, thời điểm nhóm thanh niên áo đen xô xát với nhóm quay phim thì lực lượng CSGT không có mặt.
Giám sát thế nào cho đúng?
Một nguồn tin của Thanh Niên thông tin, sự việc xảy ra rạng sáng 22.2, CSGT xuất hiện trong clip là tổ tuần tra của Đội CSGT Phú Lâm, đang làm nhiệm vụ gần khu vực KCN Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân). Lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08) cho biết, người dân được quyền giám sát CSGT qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan theo quy định tại Thông tư 67.
“Người dân được quyền giám sát CSGT nhưng ai đi qua cũng dừng lại quay phim, giám sát hoặc đi giám sát theo nhóm như vậy thì CSGT sao có thể làm nhiệm vụ khi tình hình trật tự ATGT tại thời điểm chưa được đảm bảo. Người dân được giám sát CSGT theo đúng quy định của thông tư, nhưng không được quyền kiểm tra giấy tờ của CSGT”, lãnh đạo PC08 giải thích.
Lãnh đạo nói thêm: “Việc giám sát phải đảm bảo khoảng cách quy định để CSGT làm nhiệm vụ. Trong clip nhóm quay phim nói CSGT lập chốt lấn chiếm lòng lề đường là không chính xác. CSGT được quyền lập chốt ở vị trí thuận tiện, đảm bảo an toàn, đặt cọc tiêu, xe mở đèn quay báo hiệu để người tham gia giao thông được biết, CSGT cũng quây cọc tiêu khu vực làm nhiệm vụ nên không thể nói là lấn chiếm lòng lề đường”.
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, cho biết Thông tư 67/2019/TT-BCA cho phép những việc người dân giám sát công an. “Như vậy, người dân dù họ đang làm công việc gì (kể cả YouTuber) vẫn có quyền giám sát lực lượng CSGT nhưng phải tuân thủ các quy định”, luật sư Phát nói. Theo luật sư Phát, YouTuber hay người người dân khi quay phim giám sát CSGT cần phải tách bạch giữa lực lượng CSGT đang thi hành công vụ với quyền hình ảnh cá nhân của người khác vì việc ghi âm, ghi hình những người dân phải được sự đồng ý của người bị ghi hình.
Ông phân tích: “Nếu các YouTuber quay hình ảnh cá nhân của những người vi phạm mà họ không đồng ý, thì buộc phải xóa. Trường hợp nếu việc này được đưa lên mạng viễn thông, mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín gây thiệt hại, tổn thất cho họ, thì người bị quay có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/youtuber-quay-phim-csgt-tphcm-noi-de-giam-sat-vay-giam-sat-the-nao-la-dung-1345026.html