Làng gỗ Đồng Kỵ Bắc Ninh từng là một làng nghề sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất cả nước. Có những thời kỳ, cả làng buôn và làm gỗ, khách hàng ra vào tấp nập… Nhưng đến nay, khách mua hàng thưa thớt, không mấy bóng người mua hàng trên dọc các tuyến đường chính trong làng.
“Vắng như chùa bà đanh”
Chúng tôi tới làng gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) vào một ngày cuối tháng 9. Không còn cảnh tấp nập xe gỗ ra vào làng, nhiều xưởng gỗ, cửa hàng đóng cửa im lìm, máy móc nhà xưởng dồn hết vào một góc.
Ông Vũ Quốc Vương, Giám đốc Công ty CP gỗ Đồng Kỵ cho biết, từ Tết đến nay không có khách Trung Quốc, hàng sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ nội địa. Tại xưởng của công ty trước đây có từ 15 thợ trở lên mới đủ đáp ứng các đơn hàng thì giờ chỉ còn 4 thợ, trong khi hàng tồn kho rất lớn.
Đơn hàng không có, nhiều xưởng gỗ thường xuyên khoá cửa.
Theo ông Vương, thương nhân Trung Quốc chủ yếu đặt hàng thô, sơ chế từ Đồng Kỵ với những loại gỗ quý như trắc, cẩm, hương… nên hiện nay không có đơn hàng, lượng tồn kho lớn là cả vấn đề đối với những cửa hàng chuyên kinh doanh gỗ và đồ gỗ.
Bên cạnh chi phí về tồn vốn, thì nhiều khoản chi phí liên quan đến thuê mặt bằng, nhân công cũng là vấn đề đau đầu đối với các xưởng sản xuất ở đây. Bởi, hàng sản xuất không bán được, đơn hàng không có, tiêu thụ nội địa thì gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt giữa các làng nghề khác và mẫu mã của họ đa dạng và phong phú hơn, giá thành phù hợp với xu thế của thị trường nên đây cũng là bài toán cho làng gỗ Đồng Kỵ trong giai đoạn hiện nay.
Anh Văn Hữu Lương, người đã có 15 năm làm nghề mộc ở làng gỗ Đồng Kỵ cho biết, làng gỗ Đồng Kỵ chưa bao giờ vắng vẻ như hiện giờ. Nhà nào xoay sở được đơn hàng thì còn giữ vài người thợ, còn không thì cũng cắt giảm hết. Xưởng của anh Lương đang làm trước có thời điểm thợ lên tới vài chục người, giờ còn 4 người, máy móc dồn vào một góc, trong nhà xưởng bày ra mấy bộ bàn ghế đã làm xong.
Lý giải cho sự đìu hiu của làng nghề trong 9 tháng đầu năm 2019, nhiều chủ cơ sở sản xuất tại Đồng Kỵ cho biết, từ trước cho đến giờ, thị trường chính của làng nghề chủ yếu vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc, nên khi thương nhân Trung Quốc dừng thu mua sản phẩm thì tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải hoạt động cầm chừng, nếu không muốn phá sản.
“Không ai dám mạo hiểm làm hàng trong khi không tiêu thụ được. Trước làm ra bộ sản phẩm người này bỏ không mua thì có rất nhiều người chờ để lấy nhưng nay thì làm ra không có ai mua cả, không bán được hàng tiền vốn đọng lại chỉ có nước “vỡ nợ”, nên ai cũng sản xuất cầm chừng” – anh Chử Văn Nhung, chủ Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Việt Trung ở Đồng Kỵ cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ và Bí thư phường Đồng Kỵ trao đổi cùng phóng viên.
Theo anh Nhung, thị trường Trung Quốc nếu gặp thời điểm tốt thì cơ sở sản xuất bình quân mỗi 1 tháng ra hàng khoảng 3 đến 5 sản phẩm có giá trị doanh thu vào vài trăm triệu. Một năm doanh thu trung bình đạt khoảng 3-5 tỷ. Nhưng bây giờ thậm chí có nhiều gia đình 6 tháng không bán được bộ sản phẩm nào.
“Do làng nghề Đồng Kỵ đa phần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc rơi vào tình trạng đóng băng kéo theo các doanh nghiệp nhập khẩu tại Đồng Kỵ cũng lao đao, không còn đơn hàng, nhà xưởng hoạt động cầm chừng.
Trong khi đó, thị trường trong nước cũng không mấy khả quan, sức tiêu thụ chậm, yêu cầu cạnh tranh mẫu mã lại khắt khe, mặt hàng tiêu dùng chính cũng chỉ là sản phẩm từ gỗ hương, gỗ mun có giá thành vừa phải. Riêng loại gỗ trắc có giá đắt đỏ gấp 2-3 lần thì chủ yếu thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc”, anh Nhung nói.
Tại cụm công nghiệp Đồng Quang vốn toàn nhà xưởng, cửa hàng gỗ nhưng nhiều nhà đã đóng cửa nghỉ sớm và nhiều xưởng không hoạt động. Dọc con phố chúng tôi thấy có 3 người thợ đang hoàn tất công việc đánh giấy ráp trước cửa xưởng của cửa hàng mỹ nghệ Hải Hà. Chị Nguyễn Thị Đỗ thợ đánh giấy ráp cho biết, công thợ giờ cao hơn trước nhưng ít việc. Các xưởng không có đơn hàng nên thợ cũng phải tính chuyển làm việc khác để có thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Hải, chủ cửa hàng mỹ nghệ Hải Hà cho biết, đến thời điểm này nhà xưởng nào cũng khó khăn. Nguyên nhân của lượng tiêu thụ nội địa giảm là do người mua về dùng trong gia đình ít hơn, bởi người dân mua đã tương đối ổn định. Mỗi tháng gia đình chỉ bán được vài ba món với doanh thu từ 100-200 triệu đồng. Trong khi trước đây mỗi tháng bán được 400-500 triệu. Với sản phẩm gỗ đa dạng, mẫu mã phong phú, cửa hàng của ông Hải vẫn giữ chân được khách hàng.
“Nhà tôi làm gỗ vào hàng sớm nhất làng”, và chỉ bán thị trường nội địa, những năm làng gỗ Đồng Kỵ hưng thịnh thì làm không hết việc. Tuy nhiên, đến nay vào vụ bán hàng rồi mà khách hàng thưa thớt, hàng tồn đọng nhiều. Công nhân thì giảm 2/3. Đây cũng là khó khăn chung của cả làng nghề”, ông Hải cho hay.
Chỉ tay về đống đồ đã đóng mộc đang được xếp đầy nhà, ông Hải cho hay, hơn 50 năm trong nghề, chứng kiến những lúc thăng trầm của làng nghề, nhiều nhà giàu lên từ gỗ và cũng mất hết từ gỗ. Để giữ được nghề và duy trì nhà xưởng, chúng tôi cũng phải đầu tư vào các bản thiết kế, tìm hiểu xu hướng của thị trường để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Anh Nguyễn Văn Toàn chủ một xưởng sản xuất nhỏ trong làng Đồng Kỵ cho biết, đơn hàng không có đa phần các hộ sản xuất đều khoá cửa xưởng. Như xưởng nhà anh, máy móc xếp vào một góc, gỗ nguyên liệu để ngổn ngang. Để duy trì có thu nhập anh phải xoay xở sang đi xẻ gỗ thuê, bán gỗ xỉ. Cũng hy vọng cuối năm phía thị trường Trung Quốc khởi sắc họ bán được hàng thì mình mới có việc.
Loay hoay chuyển đổi thị trường
Ông Vũ Quốc Vương, Giám đốc Công ty CP gỗ Đồng Kỵ đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ cho rằng, tình trạng đìu hiu ở làng nghề Đồng Kỵ trong thời gian tới sẽ còn bi đát hơn nếu các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ không thay đổi tư duy, cải thiện công nghệ máy móc. Phải thay đổi các mẫu mã, chủng loại gỗ làm sao để hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để thuận lợi cho khách hàng kiểm chứng chất lượng sản phẩm.
Những cửa hàng vắng khách là cảnh thường thấy ở Đồng Kỵ những ngày này.
“Thực tế hiện nay, làng gỗ Đồng Kỵ đa phần là làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, không có dây chuyền sản xuất hiện đại, các yêu cầu khắt khe của châu Âu rất khó đáp ứng được. Do vậy, vừa yếu về vốn, không đủ sức cạnh tranh nên chỉ loay hoay chờ cơ hội từ thị trường Trung Quốc phục hồi”. anh Nhung nói.
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề CSTC, ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết, do thị trường tiêu thụ chậm, ít đơn hàng nên một số doanh nghiệp làm ăn với thương nhân Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên họ cũng xoay sở và chuyển hướng kinh doanh. Số lượng hộ chuyển đổi kinh doanh hiện vào khoảng 40%. Thị trường sụt giảm, thợ của làng nghề cũng đi làm thuê cho các xưởng lớn ở trong làng hoặc các vùng lân cận.
Còn các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa cơ bản vẫn ổn định tuy mức tiêu thụ có chậm hơn năm trước nhưng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các doanh nghiệp. Hiện, UBND phường đang định hướng tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể cá nhân về các hồ sơ để huy động vốn của các ngân hàng nhà nước, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tập trung đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu trưng bày sản phẩm và chợ gỗ Đồng Kỵ để phát triển làng nghề ổn định lâu dài.
Nguồ: https://danviet.vn/day-tung-la-lang-ty-phu-giau-nhat-mien-bac-sao-nay-diu-hiu-the-nay-77771032554.htm