Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số – Bộ Công Thương, cho biết thời gian qua có hiện tượng một số thương nhân, tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để găm hàng, nâng giá bán khẩu trang y tế, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn và hàng hóa phục vụ phòng dịch khác với giá cao gấp nhiều lần để trục lợi.
Găm hàng, tăng giá bán
Thực tế, qua phối hợp rà soát của cục này với một số sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki… đã phát hiện và xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.
“Do vậy, Cục TMĐT và Kinh tế số đã có văn bản yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu webite và ứng dụng TMĐT kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng TMĐT các hàng hóa phục vụ phòng dịch nâng giá nếu có. Ngoài ra, các sàn cần chủ động triển khai những biện pháp kỹ thuật như bộ lọc, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm; xử lý mạnh tay với người bán vi phạm, không để lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường” – ông Đặng Hoàng Hải thông tin.
Ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết để ngăn chặn tình trạng trục lợi trong buôn hán hàng hóa phòng dịch nói chung, tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa; đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để trục lợi. Nếu phát hiện các hành vi trên có dấu hiệu tội phạm, Bộ Công Thương sẽ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, trong số 30.000 gian hàng bán sản phẩm phòng dịch vi phạm trên các trang TMĐT, cục và các sàn TMĐT đã xử lý bằng nhiều biện pháp với các mức độ vi phạm khác nhau, từ nhắc nhở, cảnh cáo, tạm khóa gian hàng đến khóa vĩnh viễn các gian hàng, xử phạt hành chính.
“Việc găm hàng, tăng giá bán các sản phẩm phòng dịch cũng sẽ bị xử lý giống các mặt hàng khác do đây là những sản phẩm không thuộc diện bình ổn giá. Theo đó, sẽ căn cứ vào các trường hợp cụ thể để xử lý” – đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Khó thẩm tra, xác minh
Về phía sàn TMĐT, hầu hết các sàn không chia sẻ con số gian hàng cụ thể bị khóa vĩnh viễn trong tổng số các gian hàng bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, các sàn đều cam kết bình ổn giá bán, đồng thời kiểm soát giá sản phẩm của các nhà bán trên sàn để hạn chế tối đa tình trạng “đội giá” không đáng có.
“Với các trường hợp vi phạm tăng giá cao quá mức, chúng tôi đã nhắc nhở và bắt buộc cài đặt lại giá đúng. Nếu cố tình vi phạm sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn theo quy định giữa sàn với người bán như khóa tài khoản vĩnh viễn và xử phạt hành chính” – đại diện Tiki cho hay.
Dưới góc độ luật pháp, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết căn cứ Luật Xử phạt hành chính và Luật Thương mại, tùy thuộc hành vi găm hàng, thổi giá ảnh hưởng đến xã hội ở những mức độ nào thì sẽ có hình thức xử lý khác nhau. Theo đó, nhẹ nhất là cảnh cáo, xử phạt hành chính; trường hợp gây ra ảnh hưởng lớn thì có thể xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Hướng, hành vi thổi giá khẩu trang thường phải đi kèm với hành vi đầu cơ, găm hàng thì mới có thể xử lý hình sự. Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát và chứng minh được hành vi găm hàng đối với các gian hàng trên nền tảng TMĐT khó khăn hơn đối với các cửa hàng truyền thống.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận lực lượng này có đủ chế tài để xử phạt những trường hợp vi phạm trong việc bán khẩu trang trên nền tảng TMĐT nhưng gặp không ít khó khăn bởi việc thẩm tra, xác minh trên mạng rất khó và mất thời gian.
Khẩu trang y tế tiếp tục khan hiếmTin từ Bộ Công Thương ngày 20-2 cho biết nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn vẫn tăng cao. Các tỉnh, TP; các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế nên tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế, còn tiếp diễn.Trong ngày 20-2, lực lượng chức năng trên cả nước đã xử lý 34 vụ vi phạm với số tiền xử phạt 28,6 triệu đồng, tạm giữ 431.300 chiếc khẩu trang vi phạm.