Đã có hàng loạt vụ lừa như vụ xem video kiếm tiền, lừa nộp tiền cho vay, lừa gửi tiền lãi suất cao… Tuy nhiên, dường như các nhà đầu tư đã quên những câu chuyện trong quá khứ và bị mờ mắt bởi “lợi nhuận quá cao” để rồi như con thiêu thân lao vào tàn lửa.
1 tháng, 10 sàn “đầu tư siêu lãi” sập
Mới đây, báo chí đã thông tin về ứng dụng mang tên “trang trại tiết kiệm” có hành vi lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư (NĐT), với chiêu trò người tham gia app sau 10 – 20 ngày sẽ thu lợi nhuận khủng.
Theo đó, nhiều NĐT sau khi tham gia, muốn có được lãi nhiều, lãi cao, hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu người tham gia, đã lôi kéo người thân, bạn bè cùng khởi nghiệp, nên số nạn nhân đến thời điểm này là rất lớn.
Cụ thể, NĐT trực tiếp giới thiệu người mới tham gia (gọi là F1) sẽ được hưởng 12% hoa hồng từ số tiền từ F1 nạp vào. Nếu F1 giới thiệu một người mới khác (gọi là F2), NĐT vẫn được nhận 6% hoa hồng từ số tiền F2 nạp vào… Cứ như vậy, hệ thống khuyến khích các NĐT lôi kéo càng nhiều người mới tham gia để hưởng hoa hồng từ các cấp dưới.
Trước đó nữa, hàng trăm nhà đầu tư đã đệ đơn tố cáo Coolcat – sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn vì hành vi chiếm đoạt tài sản. Sau khi thu hút nhiều người tham gia với lời mời hấp dẫn về lợi nhuận không tưởng, lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày, ứng dụng Coolcat đã sập, tiền không thể rút về.
Trong khi chưa hết bàng hoàng với những thiệt hại từ Coolcat, ngày 17/4, lại có thêm ứng dụng kiếm tiền online Pchome dừng hoạt động, khiến hàng trăm người mất trắng.
Được biết, Pchome được quảng cáo là app đặt hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài và trong nước như Amazon, Tiki, Shopee,… để nhận hoa hồng.
Muốn vậy, người tham gia phải bỏ tiền thật để mua các gói từ 350.000 đồng đến 200 triệu đồng. Sau khi giật đơn thành công, tiền hoa hồng sẽ chảy về tài khoản với tỷ lệ 3,5%/ngày, tức 105%/tháng. Mỗi ngày có thể giật 40 đơn. Chưa hết, sau một tháng, nhà đầu tư sẽ được nhân đôi tài khoản.
Tuy nhiên, đến ngày 17/4, app Pchome đã không thể truy cập, kéo theo đó là số tiền của nhiều nhà đầu tư không thể lấy lại.
Như hiệu ứng domino, liên tiếp sau đó là thông tin về các nền tảng kiếm tiền khác lần lượt sụp đổ khiến không ít người “vỡ mộng”, như Shopping Mail, sàn ảo GardenBO, sàn swissmes.com, Fioption, Busstrade… Theo thống kê của PV, chỉ trong tháng 4/2021, đã có hơn 10 sàn đầu tư tiền ảo “bay màu”, hàng nghìn NĐT bị lừa với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Như con thiêu thân lao vào tàn lửa
Thực tế, thủ đoạn của sàn đầu tư tiền ảo chẳng có gì mới so với các đường dây lừa đảo huy động vốn trước đây: huy động vốn lãi suất cao, giới thiệu người mới tham gia thì nhận được thêm hoa hồng như đa cấp… Đối tượng cầm đầu chỉ thay đổi về hình thức, thay vì kêu gọi đầu tư tiền ảo, tham gia sàn bảo hiểm.
Vậy nhưng, không ít nhà đầu tư đã quên những câu chuyện trong quá khứ và bị mờ mắt bởi “lợi nhuận quá cao” để rồi như con thiêu thân lao vào tàn lửa.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, nạn nhân của nhiều vụ lừa thường là những người đang bế tắc trong cuộc sống, trong làm ăn, không có niềm tin làm ăn dài hạn, muốn kiếm tiền nhanh.
Nắm bắt được yếu tố đó, đối tượng tội phạm dùng các loại hình công nghệ để người dân tin rằng hoạt động của họ có thể sinh ra lời cao. Do ý thức được đây là hành vi phạm pháp nên tội phạm thường “lừa nhanh, rút lẹ” khi cơ quan chức năng chưa kịp vào cuộc. Và những người vào sau là những người trắng tay vì chưa kịp thu lời thì app đã sập.
Trong khi đó, đứng dưới góc độ pháp luật, luật sư Trương Hồng Điền – Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, các sàn giao dịch này tiềm ẩn rủi ro cho người tham gia thứ cấp là rất lớn. Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý hoàn thiện để kiểm soát, nên thường phải đến khi hậu quả xảy ra như: Những người sáng lập, đại diện sàn bỏ trốn; tiền của người đầu tư thứ cấp bị chiếm đoạt… thì mới có thể xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan cấp Bộ đồng loạt lên tiếng cảnh báo
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã phát đi cảnh báo nhấn mạnh: Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch tiền ảo chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép, do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức.
Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Nêu quan điểm về vấn đề này, từ phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nhiều sàn Forex và tiền ảo hiện nay có hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên, sàn Forex hay tiền ảo, không phải là mặt hàng có thể kinh doanh đa cấp và có thể nói đây là mặt hàng cấm trong kinh doanh đa cấp.
“Bộ Công thương cũng đã có những khuyến cáo không nên tham gia vào những hình thức kinh doanh này. Người tham gia cũng là vi phạm pháp luật vì đây là hình thức bị cấm. Thứ hai là quyền lợi của người tham gia chắc chắn ảnh hưởng và không có phương thức nào để có thể đòi lại tiền mà chúng ta tham gia”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật. Hiện cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.
Nguồn: https://danviet.vn/1-thang-hon-10-san-dau-tu-sieu-lai-sap-dan-mat-hang-nghin-ty-dong-20210427101823671.htm