Theo thông tin trong đoạn video, cô gái ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm với giá 22 triệu đồng/tháng, đặt cọc 50 triệu đồng, đã thuê được 14 tháng (vừa ở vừa cho thuê lại). Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người thuê nhà chậm thanh toán 7 ngày. Sang ngày thứ 8, chủ nhà đuổi đi, giữ lại toàn bộ tiền cọc.
Để mọi người nắm rõ tính đúng sai trong sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Chủ nhà trọ ở TP.HCM đuổi người thuê vì chậm thanh toán tiền nhà. (Ảnh cắt từ clip)
PV: Trường hợp người thuê nhà chậm thanh toán tiền 7 ngày như trên thì chủ nhà có quyền đuổi người thuê, lấy lại nhà hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ và điểm b khoản 2 Điều 132 Luật nhà ở năm 2014, nếu hợp đồng thuê nhà ở còn thời hạn mà bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 3 tháng trở lên và không có lý do chính đáng thì bên cho thuê nhà mới được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê.
Lưu ý, cho dù trước đó tại hợp đồng thuê nhà nếu hai bên thoả thuận rằng trong trường hợp bên thuê chậm thanh toán tiền nhà quá 7 ngày thì bên cho thuê được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà thì thoả thuận này sẽ không có hiệu lực (vì nội dung thoả thuận trái quy định pháp luật).
Như vậy, đối với trường hợp nêu trên (chỉ chậm thanh toán tiền nhà 7 ngày) mà chủ nhà đòi đuổi người thuê ra khỏi nhà là không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, hiện nay toàn thể đồng bào đang đoàn kết lại để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà chủ nhà đuổi người thuê chậm thanh toán tiền nhà (do khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19) thì càng không nên, không đúng với truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.
PV: Nếu chủ nhà vẫn bất chấp quy định của pháp luật, đuổi người thuê nhà để thu hồi lại nhà ở trong trường hợp này thì có bị gánh lấy chế tài gì hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Tại khoản 1 Điều 12 Luật cư trú năm 2006 quy định “Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, trong trường hợp này dù căn nhà thuộc quyền sở hữu của chủ nhà nhưng nó là chỗ ở hợp pháp của người thuê (thời hạn thuê nhà vẫn còn theo hợp đồng thuê nhà). Do đó, nếu chủ nhà đuổi người thuê nhà ra khỏi căn nhà đó thì chủ nhà có dấu hiệu phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo điểm b khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi đó, khung hình phạt sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
PV: Trong trường hợp người thuê nhà không gặp khó khăn về tài chính mà cứ chây ì trong việc thanh toán tiền thuê nhà (chậm từ 1 đến 2 tháng) mà chủ nhà không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà thì có phải quy định của pháp luật là bất lợi cho người cho thuê nhà hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Tôi khẳng định, quy định của pháp luật hiện hành là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, hài hòa được quyền và lợi ích của người thuê nhà và chủ nhà. Bởi lẽ, chủ nhà đang giữ tiền đặt cọc của người thuê (thông thường, số tiền đặt cọc tương đương với 2 đến 3 tháng tiền nhà); trong hợp đồng thuê nhà hai bên có quyền đưa vào hợp đồng quy định phạt vi phạm hợp đồng (ví dụ trong trường hợp chậm thanh toán tiền nhà mà không có lý do chính đáng thì phải trả thêm một khoản tiền lãi…); trong trường hợp xấu nhất tiền đặt cọc chỉ bằng 2 tháng tiền nhà, người thuê nhà nợ gần 3 tháng tiền nhà rồi bỏ trốn gây thiệt hại cho chủ nhà thì chủ nhà có quyền khởi kiện ra Tòa án để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình.
Thông qua sự việc này, tôi khuyên chủ nhà nói riêng và mọi người nói chung cần thượng tôn pháp luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người khác, cũng như bản thân mình không gặp phải rủi ro pháp lý.