Những ngày qua, người dân Thanh Chương đang xôn xao về một gia đình nông dân nghèo có 3 người con sinh 3 cùng đỗ vào một trường đại học.
Đó là các em Nguyễn Doãn Mạnh, Nguyễn Doãn Trọng và Nguyễn Doãn Vinh, con ông Nguyễn Doãn Dũng và bà Thái Thị Tân ở khối 2 thị trấn Dùng. Đây được xem là chuyện hiếm xưa nay ở đất học – xứ Nghệ.
Ba anh em: Mạnh – Trọng – Vinh. Ảnh: Huy Thư.
Nhớ lại cách đây 19 năm, bà Tân mẹ các em cho biết: Khi mới có bầu, nghe bác sỹ bảo “thai 3” bà hết sức lo lắng. May mắn những vất vả của những ngày mang bầu cũng trôi qua. Năm đó chỉ còn 1 tuần nữa là tết Nguyên đán thì bà trở dạ. Lo cho t.ính m.ạng của cả 4 mẹ con, anh em trong nhà đã phải chở bà xuống tận Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh để sinh cho an toàn.
Bà Thái Thị Tân và các con. Ảnh: Huy Thư.
Bà Tân sinh một lúc 3 đứa con trai. Lúc mới sinh, ai cũng “choáng” về sức chịu đựng của người mẹ nghèo: Mạnh và Trọng đều nặng 2,4 kg, Vinh nặng 2,3 kg, tổng trọng lượng 3 em lúc mới sinh là 7,1 kg. Do lúc nhỏ 3 anh em khá giống nhau nên mỗi em được đeo một cái vòng có ký hiệu riêng để nhận biết.
Ông Nguyễn Doãn Hùng (54 tuổi) – bác ruột của các em kể: Lúc 3 anh em mới sinh, ngày mấy mẹ con ở viện về, cả họ đến nhà chào đón, ăn mừng. Ông tộc trưởng họ Nguyễn Doãn đích thân đặt tên cho 3 anh em.
Trong họ, gia đình ông Dũng có “truyền thống” sinh nhiều hơn 1. Được biết, trước đây, ông Dũng – bố các em Mạnh – Trọng – Vinh và ông Nguyễn Doãn Sỹ – chú ruột các em cũng là anh em sinh đôi.
Kể về quá trình nuôi 3 con sinh 3, bà Tân cho biết: “Chăm lo cho 1 con nhỏ đã khó, nuôi 3 con cùng lúc lại càng khó hơn. Gần như suốt ngày các em được để nằm ngửa ở trên giường chứ “không đủ người để bồng bế trên tay”. Việc nuôi 3 đứa con sinh 3 với vợ chồng bà Tân là một quá trình gian nan. Lúc các em còn nhỏ thì bố mẹ tất bật chạy từng bữa, khi các em lớn lên thì lại lo vay mượn để trang trải chi tiêu, ăn học.
Gia đình bà Tân lúc trước ở khối 8 thị trấn Dùng, năm 2002, do điều kiện khó khăn, vợ chồng bà phải bán vườn ở đó để về ở với bố mẹ, tuy nhiên về đây gia đình bà cũng không chăn nuôi được gì thêm vì điều kiện không cho phép, hơn nữa, cũng muốn dành thời gian cho các con tập trung học tập.
Những năm qua, khi con đầu Nguyễn Thị Phương (SN 1995) theo học Trường ĐH Y khoa Vinh, 3 đứa em thì học THPT, là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình. Không nói chuyện ăn tiêu, việc lo cho các con được đi học cũng đã khá vất vả. Có giáo viên ở lò luyện thi, biết hoàn cảnh gia đình các em Mạnh, Trọng, Vinh, đã giảm cho các em một nửa học phí, nhưng thi cử xong xuôi, gia đình vẫn chưa trả được tiền học phí cho thầy.
Góc học tập giản dị của các em . Ảnh: Huy Thư.
Đỗ cùng trường
3 em Mạnh, Trọng, Vinh có chung ngày tháng năm sinh (11/1/1999), học cùng trường (Trường THPT Thanh Chương 1), xét tuyển cùng khối (khối A), và nay cùng đỗ vào 1 trường (Trường Sĩ quan Thông tin).
Từ tiểu học đến hết THCS, 3 anh em đều học 1 lớp, lên THPT mỗi em học mỗi lớp. Mạnh học lớp 12 I, Trọng học lớp 12 C, Vinh học lớp 12 B. Mạnh và Trọng đam mê thể thao, Vinh thì có năng khiếu về nội trợ. Những năm học cấp 2, các em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. Riêng Vinh 12 năm học phổ thông đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, các em đều giành được điểm cao. Mạnh có tổng điểm khối A là 24,6 (Toán 8,6. Lý 8,25. Hóa 7,75), Trọng có tổng điểm khối A là 26,95 (Toán 9,2. Lý 8,5. Hóa 9,25) còn Vinh đạt tổng điểm khối A là 27,45 (Toán 9,2, Lý 8,75, Hóa 9,5). Các em đều đăng ký xét tuyển vào trường Sĩ quan Thông tin.
Em Mạnh cho biết: “Bọn em đều thi vào trường này, trước hết là vì các em có chung niềm đam mê, mong ước được học cùng một trường, thứ 2 là điều kiện gia đình không cho phép, chỉ có đăng ký xét tuyển ở trường quân sự, khi cùng trúng tuyển, chúng em mới có thể đi học”.
Cách đây mấy ngày, khi Trường Sĩ quan Thông tin công bố điểm chuẩn là 24,5 thì cả 3 anh em vô cùng mừng rỡ vì đều trúng tuyển khi chưa cần cộng điểm ưu tiên.
Vinh chia sẻ “Em tin tưởng mình sẽ đỗ, chỉ lo cho 2 anh”. Còn Mạnh thì xúc động “Lúc đầu thì sợ không đỗ, nhưng sau biết điểm chuẩn thì vui quá, vì bọn em đã thực hiện được ước mơ”.
Gia đình nông dân như ông Dũng – bà Tân, khá vất vả khi nuôi 4 chị em cùng ăn học. Nhà có 6 miệng ăn nhưng chỉ có 2 sào ruộng, hàng ngày ông Dũng phải chạy xe ôm để kiếm sống. Bà Tân thì bị bệnh tuyến giáp và mắt, sức khỏe yếu, sau mùa vụ, ai gọi cũng phải đi làm thuê, mong kiếm thêm thu nhập để nuôi các con.
Nay cả 3 anh em đều đỗ đại học đúng như nguyện vọng, bà Tân không giấu nổi niềm vui mừng: “Hiểu hoàn cảnh gia đình, nên các cháu đều chăm lo học tập. Gia đình rất phấn khởi khi các cháu đã đỗ vào trường quân sự và cũng chỉ có các trường thuộc khối lực lượng vũ trang các cháu mới theo học được, chứ trường khác thì nhà không có điều kiện”.
Chia sẻ niềm vui với học trò, thầy Lê Xuân Hường – Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 1 cho biết: “Ba anh em sinh 3 trong một gia đình, đều chăm ngoan học giỏi, cùng đậu vào 1 trường đại học là chuyện hiếm chưa từng có ở trường này. Thành tích của các em đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường. Tôi tin tưởng các em còn nỗ lực và phát huy hơn nữa”.
Theo Huy Thư/ Báo Nghệ An