Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, tổng lượng hàng rau củ quả về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh các chợ đầu mối, lượng hàng bán trực tiếp qua kênh điện thoại, Zalo ước khoảng 1.426 tấn/ngày đêm.

Theo số liệu của Chi cục Thú y, số lượng thịt và sản phẩm thịt cung ứng ra thị trường đạt 1.086,6 tấn/đêm, trong đó: 652 tấn giết mổ tại TP, 118 tấn nhập từ tỉnh Long An và 316,6 tấn là thịt từ các nguồn khác.

Như vậy, tổng lượng hàng về chợ đầu mối ngày 9-7 đạt gần 2.800 tấn/ngày đêm, tăng hơn 32% so với ngày 8-7. Trong đó, nhóm mặt hàng thịt gia súc đạt 1.086,6 tấn, tăng 262,2%; mặt hàng thủy hải sản đạt 278,5 tấn, tăng 457%.

Theo Sở Công thương, tại các chợ truyền thống, giá thịt heo pha lóc bán ra tăng 5%, mặt hàng rau, củ tăng 10-20%.

Theo ghi nhận, giá hầu hết các loại rau bán ra tại khu vực chợ truyền thống như Bà Chiểu, Thị Nghè, Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) có xu hướng tăng cao nhiều ngày qua.

Cụ thể, hiện giá bắp cải tròn, cải thảo, bầu, bí, mướp, các loại rau cải hiện ở mức 35.000-60.000 đồng/kg tùy điểm bán, tùy loại, tăng gấp 2-3 lần ngày thường.

Khoai tây, cà rốt 45.000-65.000 đồng/kg tùy nơi bán, gấp 2 lần ngày thường. Tuy giá cao nhưng nhiều thời điểm người dân vẫn không mua được hàng vì lượng bán giảm.

Đi chợ Bà Chiểu mua rau sáng 10-7, bà Cẩm Vân (Q.Bình Thạnh) “ngã ngửa” khi nghe người bán thông báo giá rau như bầu, bí, cải thảo mức 40.000-60.000 đồng/kg. Theo bà Vân, tất cả các mặt hàng giá đều tăng lên so với ngày hôm qua và tăng gấp 2-3 lần bình thường.

“Vào siêu thị thì giá có thể rẻ hơn nhưng không tiện đi, còn giá rau, củ bán ở chợ giờ gần bằng giá thịt”, bà Vân than.

Lý giải việc tăng giá, đơn vị này cho biết do số lượng chợ tạm dừng hoạt động tăng cao, các tiểu thương không nhập hàng về nhiều, trong một số thời điểm khách hàng đông nên người bán tự nâng giá.

Theo Sở Công thương, sức mua tại các chợ truyền thống ngày 9-7 giảm 50-70% so với ngày 8-7. Lý do ngày đầu tiên TP thực hiện giãn cách nên người dân ít đi chợ. Tại các siêu thị, sức mua ngày 9-7 cũng giảm nhiều so với ngày trước đó.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hiện người mua đã không còn tập trung mua thực phẩm tươi sống đông như các ngày trước đó, giá hầu hết các mặt hàng bán ra ở siêu thị ổn định.

“Ngoài tăng lượng hàng tươi sống khi cần, đơn vị đề nghị các hệ thống siêu thị tăng lượng sản phẩm chế biến và tiêu dùng dài ngày trên các quầy kệ để đáp ứng nhu cầu người dân. Người dân yên tâm mua sắm trong thời gian giãn cách”, ông Phương khẳng định.

Ảnh: Tổng hợp

Nguồn tham khảo: Báo Tuổi Trẻ