Nhà nghiên cứu – phê bình văn học Lại Nguyên Ân đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm thầy cô nên bỏ cách gọi “con” với học trò trong nhà trường.

Mới đây, trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu – phê bình văn học Lại Nguyên Ân, được biết đến trong hơn 50 năm qua với vai trò cầm bút viết phê bình, tiểu luận của văn học Việt Nam hiện đại và trung đại đã có đăng tải một bài viết với nhan đề “YÊU CẦU GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ GIÁO DỤC KHÔNG GỌI HỌC SINH LÀ “CON”.

Trong bài viết của mình, ông lên tiếng yêu cầu Bộ GD&ĐT thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông. Trong đó, ông nêu rõ 3 điều nên thay đổi sau đây:

1- Cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là “Con”, “Các con”; phải gọi là “Trò”, “Các trò”, “Các em”, “Các bạn”

2- Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là “các con”, “con”, khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là “các bạn”.

Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là “giáo viên”, “giảng viên”, không gọi là “thầy”, “cô”; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi “thầy giáo”, “cô giáo”!

3- Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng “Tôi” trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.

Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân.

Ngay sau khi đăng tải bài viết, nhà phê bình Lại Nguyên Ân đã nhận về những ý kiến trái chiều, cả ủng hộ lẫn không đồng tình.

Về quan điểm ủng hộ, một tài khoản MXH cho rằng: “Học trò xưng con/ với thầy cô đã mặc nhiên mang một ‘danh phận’ bề dưới, không thể có ý kiến phản biện khi thầy cô nói hoặc làm không đúng (mà có ai chắc chắn là thầy cô thì không bao giờ sai?). Hãy để cho các em được tự tin và mạnh mẽ trước cuộc đời!”

Một tài khoản khác đưa ý kiến:

– “Gọi là con tưởng là thân thiết. Nhưng thực ra làm mất đi ý nghĩa của nền giáo dục khai phóng, biến học sinh thành những người thụ động!”

-“Ở bậc mầm non và tiểu học, thầy/cô giáo gọi các cháu là các con thì được, thậm chí tốt. Còn từ THCS trở lên thì không nên gọi trò là con nữa. Song cũng không nên quá cứng nhắc mà ‘để thầy, cô giáo và học sinh tự lựa chọn vì thầy, cô giáo có nhiều độ tuổi khác nhau’.

– “Giáo viên xưng thầy cô và các em hoặc các bạn (với học sinh THPT) vừa thân mật vừa có khoảng cách Sư phạm. Chứ giáo viên mới ra trường dạy được 5 năm, chỉ kém phụ huynh 15 tuổi gọi con – xưng thầy cô với học sinh nghe vô lý cực kỳ!” – một dân mạng khác cho hay.

Bên cạnh các ý kiến này, một số tài khoản cũng cho rằng cách gọi thầy cô xưng con lại cho cảm giác ấm áp. Một tài khoản nêu quan điểm: “Họ gọi các con nhưng xưng là thầy với cô, chứ họ không xưng là cha là mẹ của các trò. Đúng là giáo viên đi dạy nhận lương và học sinh đi học phải đóng tiền. Nhưng đối với học sinh mầm non và cả các bé lớp 1, để trông giữ và dạy dỗ các bé, ngoài trách nhiệm của 1 người thầy người cô thì cũng cần phải có tình cảm như mẹ với con mới làm được!”

“Các nhà nghiên cứu có vẻ quan trọng hóa việc xưng hô. Tôi đồng ý hiện tượng xưng hô này trong trường học là phổ biến, do thói quen dần trở thành mặc định. Tôi vẫn gọi các trò của mình là các con. Bởi, ở các cấp dưới các trò đã quen được gọi như vậy. Các cô giáo cũng thế. Khi học sinh lớp 10 mới vào trường, nhiều bỡ ngỡ, nên chúng tôi gọi “con” để tạo gần gũi. Lâu dần thành quen”, một ý kiến khác từng bày tỏ về chủ đề trên.

Ảnh minh họa

Đang giữa cuộc tranh luận xem nên hay không nên thay đổi cách xưng hô trong nhà trường, mới đây nhất nhà phê bình Lại Nguyên Ân lại đăng tải 1 bài viết liên quan tới chủ đề này và cho biết đây là ý kiến của một tài khoản Facebook tự nhận là phụ huynh. Người này bày tỏ việc đồng tình với quan điểm của ông và phản đối tình trạng giới giáo viên gọi học trò là “Con”.

Tài khoản này đưa ra 6 lý do để cho rằng mình không đồng tình với cách xưng thầy cô – gọi con trong nhà trường, trong đó nổi bật một số quan điểm như:

– Giáo viên gọi học sinh là “con” là sai tiếng Việt, gọi người lạ là “con” là cướp công sinh thành, làm khác biệt giữa cha mẹ và người lạ vô tình bị lu mờ.

– Làm tiếng Việt suồng sã, xuề xòa đi, làm quan hệ thầy trò không bình đẳng.

Được biết, đây không phải là lần đầu việc xưng hô như thế nào trong trường học được đem ra bàn tán. Chủ đề này từng được nhà nghiên cứu về Văn học, tiếng Việt, ngôn ngữ đem ra tranh luận nhiều năm nay.

Hiện bài đăng này vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

https://kenh14.vn/nha-nghien-cuu-van-hoc-noi-tieng-neu-quan-diem-tranh-cai-cam-giao-vien-khong-goi-hoc-sinh-la-con-20220213233121307.chn