Auto Investment Group, công ty từng đăng ký vốn điều lệ nửa triệu tỷ đồng, đã thông báo giải thể sau 6 tháng vì không góp đủ vốn.
Ngày cuối năm 2021, Nguyễn Vũ Quốc Anh đã đặt bút ký vào thông báo giải thể doanh nghiệp gửi Phòng đăng kí kinh doanh TPHCM. Quốc Anh là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu – Auto Investment Group. Nguyễn Vũ Quốc Anh là nhân vật từng gây ồn ào giới kinh doanh cách đây nửa năm về việc thành lập siêu công ty có vốn điều lệ 500 nghìn tỷ đồng.
Thông tin này được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngày 6/1/2022. Lý do giải thể được cơ quan này nêu ra là các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu.
Tổng giám đốc của Auto Investment Group chia sẻ, ông không cảm thấy thất bại hay xấu hổ khi giải thể doanh nghiệp vì bản thân đang cố gắng mang đến giá trị tốt cho xã hội. Ngược lại, ông còn cảm thấy tự hào vì “dám nghĩ” đến những kế hoạch lớn.
“Tôi là người khởi xướng chuyện này. Người đi đầu thường gặp khó khăn, chỉ trích, thuận lợi nhưng sau này sẽ có những người rút được bài học của tôi và thành công hơn”, ông nói.
Sau khi giải thể công ty, ông Quốc Anh cho biết hiện tại không làm việc mà dành thời gian suy xét các mối quan hệ, tìm kiếm đối tác phù hợp để sau Tết Nguyên đán phát triển dự án mới với tham vọng chinh phục thị trường thế giới.
Văn bản thông báo việc giải thể công ty của Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hồi cuối tháng 5/2021, công chúng được dịp xôn xao trước thông tin một 8x lập siêu công ty, đăng ký góp vốn… 525.000 tỷ đồng.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (35 tuổi) đăng ký thành lập một loạt công ty trong tháng 5/2021. Trong đó, có Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group), trụ sở tại TP.HCM, vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng.
Bố cáo của công ty này cho thấy, có 3 cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Thị Diễm Hằng góp 1 tỷ đồng, Lưu Hữu Thiện góp 1 tỷ đồng và Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.999 tỷ đồng (tương đương 21,7 tỷ USD).
CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, toà nhà Bitexco Financial Tower vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng; và CTCP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group) vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng, trụ sở tại tầng 72, toà nhà Landmark 81. Cả hai công ty cùng được thành lập trong ngày 20/5/2021. Theo thông tin đăng ký, người dự kiến góp 99,99% cổ phần vào các công ty mang tên Nguyễn Vũ Quốc Anh.
Vốn điều lệ của siêu công ty này đăng ký vượt qua cả những doanh nghiệp lớn hiện nay như Vingroup, Viettel, Vietcombank, FPT,… và thậm chí gấp hơn hai lần tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Con số hơn 500 nghìn tỷ mà Nguyễn Vũ Quốc Anh đã “cao hứng” đăng ký là con số không tưởng, tương đương 6% GDP Việt Nam năm 2021 và cao hơn giá trị vốn hóa của bất kỳ doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán hiện tại. Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) đã không ghi nhận vốn đăng ký của Auto Investment Group lẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group) vào tổng vốn đăng ký kinh doanh mới trong năm 2021.
Sau đó, Nguyễn Vũ Quốc Anh tiếp tục gây chú ý với truyền thông bằng việc thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng, họp báo công bố kế hoạch doanh nghiệp. Trong buổi livestream trên YouTube trước đó, Nguyễn Vũ Quốc Anh còn tự tin tuyên bố: “Mọi người mong chờ sau 3 tháng trong tài khoản ngân hàng của công ty tôi có 21,7 tỷ USD hoặc hơn. Dĩ nhiên tôi có rất nhiều nguồn, nhiều cái mang về dòng tiền. Chúng tôi không phải đi tìm khách hàng, mà sẽ có một “đám khách” luôn. Vài triệu khách hàng về một lúc luôn. Con số đó là đã ra số tiền rồi đấy”.
Chưa kể, nhân vật này còn muốn các “anh hai, anh ba” – ở đây là các doanh nghiệp lớn góp cho “em út”, mỗi người vài tỷ đồng.
CEO này từng tự “nổ”: từ tháng 7 đến tháng 12, dự kiến tập đoàn sẽ đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng. Con số này theo Quốc Anh chia sẻ chưa lớn là do chưa xúc tiến được vào 3 thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ. Nhân vật này cũng đưa ra tầm nhìn GAB Group sẽ tấn công những thị trường lớn này.
“Nhiều người nói 10.000 tỷ từ bây giờ đến cuối năm khủng quá nhưng đối với tập đoàn chúng tôi chả là gì. Nếu như chúng tôi có lượng khách hàng lớn, số lượng sản phẩm lớn thì số doanh thu này chả là gì”, Quốc Anh liên tục nhấn mạnh cụm từ “chả là gì”. Trước đó anh này cho biết 3 năm nữa tập đoàn của mình sẽ cho ra 100.000 sản phẩm để phân phối, năm 2022 sẽ mang về doanh thu 1 tỷ USD, từ 2023- 2025 mang về 30 tỷ USD.
Chủ nhân doanh nghiệp đăng ký góp vốn 525.000 tỷ đồng – Nguyễn Vũ Quốc Anh (Ảnh chụp từ Youtube nhân vật)
Tuy nhiên, đến sáng ngày 18/8 – hạn cuối để góp vốn theo quy định pháp luật, doanh nghiệp của Nguyễn Vũ Quốc Anh vẫn chưa hề có động thái gì.
Trụ sở chính của 2 doanh nghiệp được đại diện pháp luật là Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký đều là các văn phòng ảo. Bản thân nhân vật này đang thường trú tại TP. Thủ Đức, TP.HCM. Theo Tiền phong, cơ ngơi của vị “đại gia” này khiến nhiều người không khỏi hoang mang.
Cụ thể, nguồn trên cho biết, người này hiện đang sống tại một ngôi nhà cấp 4 tại một con đường thuộc phường Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Trước khi đăng ký doanh nghiệp với số vốn không tưởng 500 ngàn tỷ đồng, người đàn ông này mở công ty chuyên bán sản phẩm chức năng và trang sức như túi xách, giày dép. Tuy nhiên chỉ bán online là chủ yếu.
Căn nhà cấp 4 tại phường Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM của người đàn ông đăng ký vốn kinh doanh 500.000 tỉ để thành lập doanh nghiệp. Ảnh: Tiền phong.
Liên quan đến việc đăng ký góp vốn khi thành lập doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Đăng Tư cho biết Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Do không quy định bắt buộc ngày góp vốn cụ thể mà chỉ quy định góp đủ trong vòng 90 ngày, nên điểm d, khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm là trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp. Sau 60 ngày tiếp theo, nếu không có động thái góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Bước cuối cùng, nếu doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện các quyền được pháp luật cho phép sẽ bị xử lý phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Đây chính là kẽ hở để thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi khả năng tài chính thực sự không đủ.
Nguồn: Cafebiz