Qua thanh tra quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều giám đốc doanh nghiệp dính sai phạm.
Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Chè Việt Nam vừa được Thanh tra Chính phủ công khai.
Cơ quan thanh tra phát hiện Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (Bình Phước) cho cán bộ, công nhân viên mượn đất (đất phi nông nghiệp) làm nhà ở với tổng diện tích 0,81ha tại Trụ sở Nông trường Tân Thành (xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước); đến nay 33 cán bộ, công nhân viên đang sử dụng diện tích đất này làm nhà ở là vi phạm Luật Đất đai.
Việc Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho 44 công nhân mượn gần 2.600m2 nhà để ở trên diện tích 3,2 ha đất là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Điều 12 Luật Đất đai 2013.
Giám đốc Lâm trường Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) ký hợp đồng giao khoán 150ha đất nông nghiệp với Trung tâm ứng khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp, thời gian giao khoán 50 năm để làm các mô hình nghiên cứu, thực nghiệm. Tuy nhiên khi Nghị định số 135/2005 có hiệu lực thì đơn vị giao khoán không thuộc đối tượng được giao khoán đất nông nghiệp, cần phải được rà soát để thanh lý hợp đồng, thu hồi đất, đảm bảo đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ việc Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình, Công ty Lâm nghiệp Đình Lập (thời điểm trước khi chuyển 2 công ty này từ tỉnh Lạng Sơn về Tổng công ty Lâm nghiệp) ký hợp đồng với Chi nhánh của một công ty dịch vụ viễn thông ở Lạng Sơn cho thuê, cho mượn đất (Công ty Lâm nghiệp Đình Lập cho thuê 0,3ha, Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình cho mượn 0,24 ha) để xây dựng 5 trạm phát sóng trên đất trồng rừng là vi phạm.
Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình để người dân lấn chiếm và UBND thị trấn Lộc Bình tự ý xây dựng 1 nhà văn hóa với diện tích 500m2 đất phi nông nghiệp tại thị trấn này.
UBND huyện Lộc Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 37 hộ dân tại xã Lợi Bác, cấp bìa xanh cho 28 hộ dân tại xã Nam Quan, diện tích đất này trùng với diện tích UBND tỉnh Lạng Sơn giao cho Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình quản lý và sử dụng để trồng rừng và cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Chu Văn Đặng – nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình 292 m2 (đất xây dựng nhà ở) là vi phạm Nghị định 181/2004 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, UBND huyện Đình Lập cũng đã cấp sổ bìa xanh cho người dân trùng lên đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập 112,5ha.
Từ kết quả thanh tra đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xử lý đối với 150ha đất tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình) liên quan đến hợp đồng đã ký giữa Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam với Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.
UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo UBND huyện Lộc Bình, huyện Đình Lập rà soát để xử lý đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trùng lên đất Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình, Đình Lập (trong đó có 37 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân), xử lý việc cấp 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định cho ông Chu Văn Đặng, 1 giấy chứng nhận đã cấp cho ông Chu Văn Thiện và xử lý việc xây dựng 2 ngôi nhà không phép trên đất của công ty…
Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng liên quan xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật những cán bộ liên quan sai phạm này.
Bộ Công an xác minh, điều tra 12 địa điểm nhà đất
Như Dân trí đã phản ánh, sau khi chỉ ra hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra xác minh xử lý theo quy định pháp luật đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất ở 12 địa điểm .
Cụ thể gồm: Số 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); số 25D Cát Linh, quận Đống Đa (Hà Nội); Khu đất 1.500m2 tại phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); Kho Cổ Loa, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh (Hà Nội); Số 126 phố Lạch Chay, phường Lạch Chay, quận Ngô Quyền (Hải Phòng); Số 341 Vạn Mỹ, phường Đông Hải, quận Hải An (Hải Phòng); Khu đất có diện tích 13.147m2 tại Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình); Khu đất có diện tích 11.022 m2 Vườm ươm trồng chè tại thôn Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu (Sơn La); Khu đất có diện tích 15.123 m2 Nhà máy chè Vân Hồ tại thôn Bó Nhang, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu (Sơn La); Khu đất có diện tích 5.402 m2 Nhà máy chè Chiềng Đi tại Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu (Sơn La); Số 59 An Bình, phường 6, quận 5 (TPHCM); Số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 (TPHCM).
Thế Kha
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thanh-tra-chinh-phu-phat-hien-nhieu-giam-doc-doanh-nghiep-dinh-sai-pham-20210220120448066.htm