Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc nhiều UBND, chủ tịch UBND không chịu thi hành án hành chính mà không có ai bị xử lý khiến người dân bức xúc.
Thảo luận tại phiên họp Quốc hội ngày 26.10 về Báo cáo công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2020, tỷ lệ thi hành các bản án hành chính mới chỉ đạt 43,73%.
Cũng theo bà Dung, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã đề nghị tiếp tục chấn chỉnh những tồn tại trong công tác thi hành án hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm những người có thẩm quyền, nhất là chủ tịch UBND và UBND không chấp hành bản án quyết định hành chính của tòa án. “Điều này cho thấy, những bản án hành chính không được thi hành nghiêm trong thực tiễn. Tôi đề nghị phải đề cao trách nhiệm và Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa, có chỉ đạo và phải yêu cầu người đứng đầu của UBND phải chịu trách nhiệm về những bản án hành chính, để pháp luật được thực hiện nghiêm túc trên thực tế”, bà Dung nói.
Thảo luận sau đó, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng cho biết, có rất nhiều bản án hành chính không được các chủ tịch UBND và UBND thi hành, song không có bất kỳ một trường hợp nào bị xử lý. “Tức là toàn đánh vào con số 0 hết”, ông Nhưỡng nói.
Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, vấn đề đặt ra là tại sao không xử lý các UBND, chủ tịch UBND, trong khi pháp luật đã có quy định? “Kể cả xử lý hình sự. Tội không chấp hành bản án có rồi. Tại sao không xử lý?”, ông Nhưỡng nói, và đặt vấn đề: “Liệu có việc cơ quan nhà nước bao che cho nhau?”.
“Việc của dân thì chúng ta cứ đè ra xử, còn cơ quan nhà nước không có ai chịu trách nhiệm cả”, ông Nhưỡng so sánh.
Một vấn đề khác được Phó trưởng Ban Dân nguyện nêu là nhiều đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương chưa quan tâm hoạt động giám sát, thờ ơ với tiếng kêu của người dân, càng làm cho tìn hình tội phạm trở nên trầm trọng. “Điều đáng nói là trong các Đoàn đại biểu Quốc hội đó có những đại biểu chức vụ cao, nắm giữ những vị trí quan trọng ở T.Ư và địa phương. Cử tri rất băn khoăn, đề nghị Quốc hội xem xét cân nhắc vấn đề này”, ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cũng nêu vấn đề, một số vụ việc người dân kêu oan, bức xúc được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng dường như không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc.
“Khi thông báo trả lời đại biểu Quốc hội, các cơ quan luôn khẳng định không có cơ sở hoặc cho rằng không có dấu hiệu phạm tội, trong khi dư luận nêu đầy đủ cơ sở, lập luận chứng cứ rõ ràng. Một số nơi tìm cách đưa vấn đề từ có dấu hiệu phạm tội sang vấn đề khiếu nại tố cáo để giải quyết cho nó nhẹ nhàng. Thậm chí, một số đơn vị, cơ quan thực hiện chính sách nhạc không lời. Có nghĩa là đại biểu Quốc hội cứ tấu nhưng cuối cùng người ta không trả lời, gọi là nhạc không lời”, ông Nhưỡng nêu.
Từ đó, Phó trưởng ban Dân đề nghị các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nêu cao vai trò bản lĩnh trong giám sát các vụ việc, nhất là ở địa phương mình.“Đề nghị các cơ quan khi trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội yêu cầu cần giải thích đầy đủ vấn đề nêu ra để tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trả lời cử tri, tránh tình trạng chỉ nêu không có cơ sở, không có điều kiện. Tóm lại là trả lời mà không thể giải thích với cử tri được”, ông Nhưỡng nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/viec-cua-dan-thi-de-ra-xu-co-quan-nha-nuoc-thi-khong-ai-chiu-trach-nhiem-1296712.html