Biện phu nhân xuất thân hèn mọn, nhưng nhân phẩm hay cách đối nhân xử thế của bà đều là một tấm gương mẫu mực, quả đúng là “mẹ hiền vợ đảm” danh bất hư truyền. Tào Tháo cũng vì vậy mà cả đời kính trọng, giao cho bà xử lý mọi chuyện trong gia tộc.

Biện phu nhân (160-230), tên là Biện Linh Lung, người Lâm Nghi, Sơn Đông. Ngày bà sinh ra, khắp căn phòng đều được ánh hào quang vàng rực bao phủ, cha của bà đi hỏi thầy bói, thì được trả lời rằng: “Đúng là điềm đại cát, nữ nhi này tiền đồ đầy hứa hẹn”.

Nhưng Biện Linh Lung chỉ xuất thân trong một xướng gia hèn mọn. “Thuyết văn giải tự” giải thích “xướng” chính là “âm nhạc”, chỉ những nghệ nhân tạp kỹ chuyên ca múa đàn nhạc, thường xuyên biểu diễn ca múa trong các buổi yến tiệc hoặc hội họp.

Biện Linh Lung hát hay múa đẹp bôn ba khắp nơi để mưu sinh, năm đó “mãi nghệ” đến vùng đất Tiếu Địa (An Huy – Bạc Châu), đúng lúc cha của Tào Tháo mừng sinh nhật, vì vậy Tào Tháo đã mời Biện Linh Lung và các nghệ nhân khác ca múa chúc thọ. Biện Linh Lung 20 tuổi, diện mạo thanh tú, phong thái yểu điệu đã mê hoặc Tào Tháo, sau đó Tào Tháo đã nạp làm thiếp.

Tào Tháo tuổi trẻ đã thành danh, từng trúng tuyển kỳ thi Hiếu Liêm, 25 tuổi ông đã lấy Đinh phu nhân làm vợ. Đinh phu nhân khinh thường xuất thân hèn kém của Biện thị nên hay làm khó bà, nhưng Biện thị chỉ nhẫn nhục khiêm tốn, không giở thủ đoạn. Mặc dù được Tào Tháo sủng ái nhưng vẫn an phận thủ thường, không vì được ưu ái mà kiêu ngạo.

Lâm nguy không loạn

Vì Tào Tháo không muốn Đổng Trác trọng dụng, nên dẫn theo thân tín chạy về Lạc Dương, mất tích mấy tháng, bặt vô âm tín. Lúc đó Viên Thuật phao tin giả rằng Tào Tháo đã chết, rất nhiều tướng sĩ vốn đi theo Tào Tháo muốn bỏ đi để tìm hướng đi riêng, phủ Tào Tháo trở nên náo loạn.

Không biết Tào Tháo sống chết thế nào, gia quyến đương nhiên hoảng sợ không yên, Biện thị lúc đó 28 tuổi trong lòng cũng vô cùng lo lắng. Nhưng bà tự kiềm chế cảm xúc của mình, mặc kệ thị phi, ra ngoài gặp tướng sĩ của Tào phủ.

Bà vô cùng bình tĩnh, khuyên răn các tướng sĩ hoảng loạn: “Bây giờ tin tức chưa được chứng thực, Tào quân sống hay chết không thể dựa vào tin đồn. Nếu như bây giờ các ngươi bỏ đi, sau này Tào quân trở về, các ngươi còn có mặt mũi nào nhìn lão gia? Để tránh cái họa chưa biết, các ngươi lại dễ dàng vứt bỏ danh tiết, danh tiếng cả đời liệu có đáng không? Vì gặp khó khăn, nên nghĩa sĩ mới phải cùng sống chết!”.

Lời của Biện thị khiến các tướng sĩ ngơ ngác nhìn nhau, bọn họ vô cùng xấu hổ, dần dần từ bỏ ý định trở về nhà, quyết tâm ở lại đợi Tào Tháo. Biện thị đã giúp Tào Tháo giữ lại người ngựa, ổn định hậu phương.

Sau đó Đổng Trác thiêu rụi Lạc Dương, cục diện hỗn loạn, chính nhờ vào sự bảo vệ của các tướng sĩ, gia quyến nhà họ Tào mới được bảo toàn. Từ đó Tào Tháo càng thêm kính trọng năng lực “lâm nguy không loạn” của Biện thị, rất nhiều việc đều giao phó cho bà xử lý.

Thấu hiểu lòng người, bỏ qua thù cũ

Con trai trưởng của Tào Tháo vì cha mà bỏ mạng, Đinh phu nhân thống khổ tuyệt vọng rất căm hận Tào Tháo, thường xuyên than khóc. Tào Tháo cảm thấy phiền phức, nhất thời nổi giận đuổi bà về nhà mẹ đẻ. Sau đó Tào Tháo hối hận, đích thân đi đón Đinh phu nhân trở về, nhưng Đinh phu nhân không tha thứ cho ông, Tào Tháo đành phải li dị với bà.

Biện thị biết Tào Tháo thương nhớ Đinh phu nhân, nhân lúc Tào Tháo ra ngoài chinh chiến, bà thường sai người tặng quà cho Đinh phu nhân, và nhiều lần bí mật đón Đinh phu nhân đến nhà khoản đãi.

Biện thị vẫn một mực cung kính, cư xử lễ phép đối với Đinh phu nhân. Khi ăn cơm, Biện thị ngồi ở ghế dành cho thê thiếp, nhường ghế chính thê ngay sát ghế của phu quân cho Đinh phu nhân, còn mình thì ngồi ở mé bên cạnh. Bà không tính toán chuyện cũ, khiến Đinh phu nhân vô cùng áy náy: “Ta là người đã li dị, phu nhân hà cớ phải như vậy?”

Vài năm sau, Đinh phu nhân mất, Tào Tháo tự trách bản thân không có cơ hội để chuộc lỗi nên vô cùng đau lòng. Vốn thấu hiểu lòng người nên Biện thị hiểu được tâm tư của Tào Tháo, bà đã chủ động tổ chức lễ tang cho Đinh phu nhân, mời Tào Tháo mai táng cho bà theo lễ nghi, sau đó chôn cất ở Hứa Xương, Thành Nam.

Mẫu nghi đức hạnh

Sau đó Biện phu nhân được Tào Tháo lập làm chính thê. Việc đối nội đối ngoại của gia đình bà đều cư xử rất thỏa đáng.

Con cái của Tào Tháo đông đúc, nhiều đứa trẻ mất mẹ từ khi còn nhỏ, Biện phu nhân đều tận tâm dưỡng dục dạy bảo, coi như con đẻ. Đồng thời bà cũng cư xử hòa nhã với các thê thiếp, khiến Tào Tháo không phải lo lắng về chuyện gia đình nhà cửa, yên tâm theo đuổi hùng đồ bá nghiệp.

Tào Tháo và Biện phu nhân đều hết sức cần kiệm, dưới tác động của Biện phu nhân, hậu cung của Tào Ngụy rất thanh đạm. Đồ dùng phòng ốc của Biện phu nhân không sơn hội họa, chỉ độc một màu đen. Bà không cất giữ kho báu châu ngọc, trước nay bà cũng chưa từng đeo những thứ trang sức này, trên quần áo đến đường viền hoa văn để trang trí cũng không có.

Một lần, Tào Tháo mang về mấy đôi khuyên tai tinh xảo, đưa cho Biện phu nhân chọn trước, Biện phu nhân chỉ chọn một đôi tầm trung, bình thường. Tào Tháo rất ngạc nhiên, hỏi bà sao không chọn đôi đẹp nhất? Biện phu nhân đáp: “Nếu như chọn đôi đẹp nhất, thì đó là lòng tham; nếu chọn đôi xấu nhất, thì đó là giả tạo; vì thế thiếp chọn đôi tầm trung bình thường”.

Ai là người phụ nữ mà Tào Tháo cả đời kính trọng? H2
Biện phu nhân không cất giữ kho báu châu ngọc, trước nay bà cũng chưa từng đeo những thứ trang sức này, trên quần áo đến đường viền hoa văn để trang trí cũng không có. (Ảnh: Kknews)

Khi Tào Tháo chọn Tào Phi làm người thừa kế, các quần thần đều chúc mừng Biện phu nhân, và đưa ý kiến rằng bà nên ban thưởng lễ vật để mọi người cùng hưởng niềm vui trở thành Thế tử với Tào Phi. Không ngờ Biệt phu nhân chỉ cười nhạt nói: “Lập Tào Phi làm Thế tử chỉ vì nó là con trưởng, đồng thời chứng tỏ rằng ta làm mẹ dạy dỗ con cái không phạm lỗi gì quá lớn. Thực ra thì mẹ con ta không có công lao gì cả, đâu đáng khua chiêng gõ trống trọng thưởng để chúc mừng?”

Tào Tháo biết được vô cùng vui mừng, ông khen ngợi sự kiên định của Biện phu nhân: “Nộ bất biến dung, hỷ bất thất tiết, cố thị tối vy nan”. Tức giận không thay đổi sắc mặt, vui mừng mà vẫn giữ được lễ tiết, điều này là khó thực hiện nhất!

Năm 219, Tào Tháo chính thức phong Biện phu nhân lúc đó 58 tuổi làm vương hậu, ca ngợi Biện phu nhân “Hữu mẫu nghi chi đức”. Lúc đó để chúc mừng, tất cả phạm nhân mắc tội chết ở khắp nơi trên đất nước đều được giảm một bậc tội danh.

Cả đời Tào Tháo thê thiếp nhiều vô kể, hậu cung đều do Biện phu nhân quản lý. Biện phu nhân ân cần điềm đạm làm việc gì cũng đúng mực, cư xử rất hòa nhã với thê thiếp.

Biện phu nhân hiền đức thương người, lúc tòng quân xuất chinh, bắt gặp cụ già tóc bạc trắng bà nhất định sẽ dừng xe lại. Bà bước xuống đích thân chào hỏi cụ già, thủ thỉ hỏi han, đồng thời tặng cho họ một dải lụa. Có lần, bà không nhịn được nước mắt giàn giụa: “Ôi, chỉ hận là cha ta không còn sống nữa!”

Hiểu lễ pháp, biết tiến biết lui

Biện phu nhân rất hiểu lễ pháp, biết tiến biết lui. Em trai của bà là Biện Bỉnh, theo Tào Tháo nam chinh bắc chiến, chiến công hiển hách nhưng chức quan lại nhỏ bé, tiền bạc cũng không nhiều, một số người dù chiến tích không bằng, nhưng lại giàu có hơn ông.

Biện phu nhân cũng từng đưa ý kiến với chồng, Tào Tháo nói: “Chính vì hắn là tiểu cữu tử (em vợ) của ta, vì thế không thể để cho hắn chức quá cao bổng lộc nhiều được”. Biện phu nhân cũng không nhắc lại chuyện này nữa. Cho đến khi Tào Tháo chết, Biện Bỉnh cũng không được thăng quan.

Có người xì xào bàn tán nói rằng Biện phu nhân bạc tình, Biện phu nhân cũng không bận tâm. Mỗi lần gặp họ ngoại, bà đều căn dặn người nhà mẹ đẻ phải cần kiệm, đừng đòi hỏi những tài sản không thuộc về mình. Bà nói: “Ta phụng dưỡng Vũ đế 40 – 50 năm, một mực cần kiệm, cũng không có tiền cho mọi người. Với những người phạm tội, ta sẽ tăng tội danh thêm một bậc”.

Lần nọ, Tào Thực – người con trai mà bà hết mực yêu thương đã phạm tội, Ngụy Văn Đế Tào Phi đã sai người bẩm báo với Biện phu nhân, Biện phu nhân hiểu rõ nghĩa lớn, kiên quyết đáp lại rằng: “Không ngờ hắn dám làm những việc như vậy. Nói với Văn Đế, không thể vì ta mà vi phạm đại pháp quốc gia”. Bà cho tỏ ý rằng mình sẽ không can thiệp, xử lý Tào Thực thế nào cứ xử lý.

Cố gắng bù đắp cho sai lầm chính trị của chồng và con cháu

Đối với những sai lầm chính trị của chồng và con cháu, Biện phu nhân đều ra sức bù đắp, cứu vãn, để có thể giữ gìn đại nghiệp của Tào Ngụy.

Năm Công Nguyên 219, Dương Tu bị Tào Tháo xử tử. Biện phu nhân lập tức viết một bức thư cho Viên thị – mẹ của Dương Tu. Đầu tiên bà khen ngợi tài năng của Dương Tu, sau đó nói rằng chồng mình trong lúc “nóng nảy hồ đồ” đã xử tử Dương Tu, khi xảy ra sự việc bà cũng không hề hay biết. Bà thể hiện sự kinh động và đau thương thống khổ khi biết tin, hi vọng Viên thị bớt giận. Hơn nữa, bà gửi kèm theo thư rất nhiều vật phẩm như quần áo, tơ lụa, quan cẩm, xe kiệu, trâu bò… để an ủi Viên thị.

Năm 220, Tào Tháo bệnh mà chết, Tào Phi kế thừa vương vị, tôn Biện phu nhân làm Vương thái hậu, sau đó tôn làm Hoàng thái hậu, sống ở cung Vĩnh Thọ.

Tào Phi và Tào Thực ghen ghét đố kị, Biện phu nhân nỗ lực giảng hòa; Tào Phi muốn giết Tào Hồng, Biện phu nhân giả vờ muốn phế truất Quách hoàng hậu, để khuyên giải can gián, đồng thời liệt kê công lao của Tào Hồng, đặc biệt là ân cứu mạng Tào Tháo, bà cảnh cáo Tào Phi, làm người đừng quá vong ơn bội nghĩa.

Biện phu nhân sinh cho Tào Tháo bốn người con trai: Ngụy Văn Đế Tào Phi, Nhậm Thành Uy Vương Tào Chương, Trần Tư Vương Tào Thực, Tiêu Hoài Vương Tào Hùng, ai ai cũng văn thao võ lược, kiệt xuất hơn người. Tào Phi hạ bút thành văn, Tào Thực tài hoa đầy mình, đều là những nhân vật tiêu biểu cho văn học Kiến An.

Năm 226, Tào Phi băng hà, Tào Duệ lên ngôi, tôn Biện phu nhân làm Thái hoàng thái hậu.

Năm 230, Biện phu nhân mất, thọ 71 tuổi. Bà được hợp táng với Ngụy Vũ Đế Tào Tháo tại Cao Lăng Phụ, sau này được truy tặng danh hiệu là “Tuyên”, có nghĩa là tâm địa từ bi, tầm nhìn sâu rộng, hiền đức phúc hậu. Là một phụ nữ, nhân phẩm hay cách đối nhân xử thế của Biện phu nhân đều là một tấm gương mẫu mực, quả đúng là “mẹ hiền vợ đảm” danh bất hư truyền.