Lấy ít đánh nhiều chưa bao giờ là một cuộc chiến dễ dàng, dù cho người cầm quân là một bá chủ có tài năng toàn diện như Tào Mạnh Đức.

Giải mã Tam quốc: Toan tính của Tào Tháo trên chiến trường Quan Độ

Hai thế lực Viên – Tào được ngăn cách bởi thiên hiểm là con sông Hoàng Hà, trong đó Ký châu và Thanh châu của Viên Thiệu nằm ở bờ bắc Hoàng Hà, áp sát phần lãnh thổ phía nam Hoàng Hà của Tào Tháo, bao gồm Duyện châu, Từ châu. NgoLài ra, còn có Cao Cán – cháu trai Viên Thiệu đóng ở Tinh châu, cũng chỉ cách Hoàng Hà có một quận Hà Nội. Trong điều kiện chiến tuyến kéo dài từ tây sang đông, bên có quân số ít hơn chắc chắn sẽ gặp bất lợi nếu phải căng mình ra đối đầu trực diện với tất cả các lộ quân đối phương. Hiểu rằng không thể có đủ quân để đồng thời tác chiến trên cả ba chiến trường, Tào Tháo quyết định dùng tốc độ sấm sét để giành thế chủ động ở tây lộ và đông lộ, sau đó mới dồn chủ lực cho quyết chiến ở trung lộ.
Tây lộ: Ra đòn sấm sét

Tháng 4/199, Thái thú Hà Nội là Trương Dương (đồng minh của Lữ Bố) bị thuộc tướng là Dương Sửu ám sát. Một thuộc tướng khác là Tuy Cố lại giết chết Dương Sửu, định đem quân đầu hàng Viên Thiệu. Tuy Cố cử Tiết Hồng và Mâu Thượng đóng quân ở Xạ Khuyển để chống giữ Tào quân, bản thân thì dẫn binh về Bắc cầu cứu Viên Thiệu. Nếu kế hoạch này thành công, thì thế lực của Viên Thiệu sẽ được nối dài từ Tinh châu, Hà Nội đến sát bờ bắc Hoàng Hà. Đây sẽ là mối uy hiếp lớn ở tây lộđối với Tào Tháo.

Tào Tháo hành động rất nhanh. Ông ta đích thân “tiến quân đến ven Hoàng Hà, phái Sử Hoán – Tào Nhân vượt sông đánh Tuy Cố” [1]. Hoán-Nhân chặn được Tuy Cố ở Khuyển Thành.Lúc này Tào Tháo cũng qua sông vây Xạ Khuyển. Cả hai đạo quân đều giành thắng lợi, Tào Tháo thành công cướp lấy tiền đồn phía tây này ngay trước mắt Viên Thiệu.

Theo cách kể của Trần Thọ trong Tam Quốc Chí (TQC) – Vũ Đế kỷ, có cảm giác rằng Viên Thiệu đã không tận dụng được cơ hội trời cho này (Tuy Cố định dâng đất đầu hàng), trái lại, quân Tào thì hành động quá mau lẹ (sự việc diễn ra ở bờ bắc Hoàng Hà, gần lãnh địa của Viên Thiệu hơn, nhưng quân Tào từ bờ nam vượt sông đánh thành chiếm đất như sấm sét, không ai cản được).

Kỳ thực, sự chuẩn bị của Tào Tháo kỹ hơn Viên Thiệu. Có câu, “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Ở đây, Trương Dương là bạn tốt của Lữ Bố (từng có ý định đi cứu viện Lữ Bố khi họ Lữ bị quân Tào bao vây ở Hạ Bì), có thể xem như là kẻ địch của Tào Tháo, vậy cũng là “bạn” của Viên Thiệu. Thế nhưng Viên Thiệu lại không quan tâm lắm đến thế lực này, không chủ động liên kết, lôi kéo. Đến khi Hà Nội có biến, Tuy Cố rút quân về bắc, Viên Thiệu cũng hành động chậm chạp, không kịp cứu việnTuy Cố, đánh mất tiên cơ. Ngược lại, Trương Dương chắc chắn đã “lọt vào tầm ngắm” của Tào Tháo từ trước, cho nên khi Tuy Cố rút quân thì quân Tào mới có thể xuất hiện nhanh, tiêu diệt gọn như vậy.

Sau khi chiếm được ưu thế ở chiến tuyến phía tây, Tào Tháo bắt đầu nhìn sang chiến trường phía đông.

Giải mã Tam quốc: Toan tính của Tào Tháo trên chiến trường Quan Độ - ảnh 1Tào Tháo quyết định ra tay trước ở 2 chiến tuyến: Thanh châu ở Đông lộ và quận Hà Nội ở Tây lộ.
Đông lộ: Chủ động quấy phá

Ở đông lộ, con trưởng của Viên Thiệu là Viên Đàm nắm giữ Thanh châu, sẵn sàng xuôi nam uy hiếp Từ châu bất cứ lúc nào. Trên thực tế, Viên Đàm không phải là quá vô dụng như La Quán Trung mô tả trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Được Viên Thiệu giao cho quản lý Thanh châu, Viên Đàm cũng làm được không ít việc. Lúc đầu phần lãnh thổ Viên Đàm quản lý chỉ có “từ Hoàng Hà về phía tây, chỉ đến chỗ huyện Bình Nguyên là hết” [2]. Thế là Đàm “lên bắc diệt Điền Khải, sang đông đánh Khổng Dung” [2], mở mang không ít lãnh thổ cho Viên Thiệu. Trong tương lai, nếu chiến tuyến trung lộ giữa Viên Thiệu và Tào Tháo kéo dài, thì Viên Đàm sẽ là một mũi đột kích đáng sợ ở phía đông.

Hiểu rõ điều này, Tào Tháo đã bố trí một nhân vật có năng lực ưu tú để đối phó với Viên Đàm. Người đó là Tang Bá, một trong những người mà tài năng đã bị Tam Quốc Diễn Nghĩa lược bỏ rất nhiều. Trong thực tế, Tang Bá từng làm đến Thứ sử Từ châu, Trấn đông tướng quân.Ở mặt trận chống Đông Ngô, Bá đã từng đánh bại Hàn Đương, phá tan Lã Phạm. Tào Tháo giao phó chiến trường đông lộ cho Tang Bá, không nghi ngờ gì, là một quyết định sáng suốt.

Tháng 8/199, Tháo “sai bọn Tang Bá tiến vào Thanh Châu, đánh phá đất Tề, Bắc Hải, Đông An” [1]. Sử liệu không chép rõ, nhưng chắc chắn Viên Đàm không phải là đối thủ của Tang Bá, bởi theo TQC – Tang Bá truyện thì “Bá nhiều lần đem tinh binh xâm nhập Thanh châu”, giúp cho Tào Tháo“chuyên tâm vào việc chống Thiệu, không phải lo nghĩ về phương đông” [3].

Giải mã Tam quốc: Toan tính của Tào Tháo trên chiến trường Quan Độ - ảnh 2Ở Đông lộ, Viên Đàm (trái) không phải là đối thủ của Tang Bá (phải).

Phải vất vả phòng thủ sự cơ động quấy phá của quân đội Tang Bá, cánh quân ở đông lộ của Viên Đàm không thể xuôi nam uy hiếp Từ châu, càng không thể tạo thành một chiến tuyến kéo dài để tiêu hao binh lực của Tào Tháo. Sau này khi thất bại ở Quan Độ, “quân của Thiệu vỡ lở, Thiệu cùng Đàm cưỡi ngựa rút qua sông” [2], chứng tỏ Viên Đàm luôn ở bên cạnh Viên Thiệu, ít nhất là ở nửa cuối chiến dịch.Có thể suy đoán, Viên Đàm đã để một bộ phận binh lực ở lại phòng thủ khu vực Thanh châu, đồng thời đem quân bản bộ hợp nhất với Viên Thiệu ở trung lộ Ký châu.

Hậu phương: bộ thự vững chắc

Tiền tuyến đã nắm được thế chủ động, nhưng Tào Tháo cũng không quên bố trí phòng thủ ở hậu phương. Bởi ông ta thừa hiểu, với ưu thế binh lực, Viên Thiệu hoàn toàn có thể từ trung lộ phân binh tập kích mặt sau. Thực tế sau này đã diễn ra đúng như vậy, nhưng do có bố trí lực lượng hợp lý, quân Tào đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.
<class=”article-photo inlinephoto”>Giải mã Tam quốc: Toan tính của Tào Tháo trên chiến trường Quan Độ - ảnh 3Quân Tào thu được chiến quả tích cực ở cả hai chiến tuyến Đông – Tây.<>
Lúc này, tất cả các trọng địa quân sự mặt sau đều được Tào Tháo bố trí chặt chẽ để bảo vệ căn cứ địa trung tâm – Hứa huyện:

+ Tuân Úc điều phối tổng thể tạiHứa huyện;

+ Quảng Dương Thái thú Tào Nhân bảo vệ phía tây Hứa huyện (các huyện phía tây của quận Dĩnh Xuyên và Nhữ Nam);

+ Dương An Đô úy Lý Thông và Nhữ Nam Thái thú Mãn Sủng phụ trách chính tại Nhữ Nam,có tướng Thái Dương hỗ trợ, ổn định hậu phương và phòng bị Tôn Sách.

Những bố trí nhân sự này, về sau đã thể hiện rõ tác dụng, đặc biệt là khi chiến dịch Quan Độ bước vào giai đoạn cầm cự.
Các trận đánh tiền chiến dịch đã hoàn thành, các bố trí phòng thủ cũng đã được chuẩn bị, đại chiến dịch Quan Độ chỉ còn chờ một mồi lửa nữa để khai màn.

(Còn tiếp)

—————————-

Chú thích và tham khảo:

Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).

[1]: Tam Quốc Chí –Vũ Đế kỷ truyện.

[2]: Tam Quốc Chí – Viên Thiệu truyện.

[3]: Tam Quốc Chí – Tang Bá truyện.