Diễn viên Hứa Vĩ Văn thức bốn đêm liền bên giường bệnh em trai, khi anh thiếp đi, người em qua đời ở tuổi 34.

– Anh ít xuất hiện ở các sự kiện của làng giải trí, nếu có, mặt thường buồn. Điều gì đang khiến anh bận tâm?

– Thật khó để kể với mọi người về chuyện của tôi. Cuộc đời tôi nhiều bi thương. Trước đây, khi tôi mới đi vào nghề diễn, ngày đầu tôi đi làm, anh trai tôi mất do tai nạn giao thông. Sau một thời gian, ba tôi mất vì ung thư. Cuối năm ngoái, một căn bệnh quái ác cướp mất em trai tôi. Mẹ tôi hiện bị liệt. Tôi sống cùng mẹ để tiện chăm sóc bà. Tâm hồn tôi nhiều nỗi đau và mất mát.

Hứa Vĩ Văn sinh năm 1979 tại Chợ Lớn, TP HCM. Anh bắt đầu sự nghiệp người mẫu năm 16 tuổi. Năm 2002, Hứa Vĩ Văn đoạt giải ba cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh triển vọng toàn quốc, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, từ đó chuyển sang đóng phim, tham gia nhiều phim như: “Giao lộ định mệnh”, “Thần tượng”, “Em là bà nội của anh”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

– Đâu là khoảng thời gian anh tuyệt vọng nhất?

– Tôi không bao giờ quên những tháng ngày cuối đời của em trai mình. Mỗi đêm đi làm về, tôi đi ngang phòng thấy em nằm đấy. Tôi hỏi: “Em ổn không?” Ánh mắt em tôi nói em ổn. Nhưng tôi biết sẽ không còn bao lâu nữa em ra đi. Tôi bước vội vào phòng và đau quặn khi không thể làm được gì để níu kéo em mình ở lại lâu hơn. Lúc em mất, tôi chỉ muốn ôm em tôi thật lâu, chỉ ước một phép màu để tôi thế chỗ em mình. Nhưng sau đó tôi biết mình phải mạnh mẽ và làm nốt những điều em mong mỏi. Đám tang em, tôi không khóc, cho đến khi tôi thật sự biết em không còn ở cõi đời này nữa. Suốt mấy tháng liền tôi bị trầm cảm.

– Anh làm thế nào để vực dậy bản thân?

– Gần hai thập kỷ chứng kiến người thân ra đi, lòng tôi chất chứa nhiều suy tư. Mất nhiều thời gian tôi mới lấy lại cân bằng. Trước đó, có những tháng ngày tôi cứ khóc một mình vì không biết phải thế nào. Nỗi đau cứ bám lấy tôi. Tôi cố gắng quay lại với công việc, lấy đó làm niềm vui. Động lực lớn của tôi là trách nhiệm chăm sóc cho mẹ già và hai đứa con thơ nhỏ. Hai bé cần tôi.

Thời dịch, tôi dành thời gian tự cách ly ở nhà. Tôi nấu ăn, vẽ tranh vì muốn mỗi ngày trôi qua phải thật ý nghĩa. Tôi vẽ hơn 30 bức, sau đó đem bán đấu giá và quyên góp cho các quỹ từ thiện, cũng được 56 triệu đồng. Một số bức, tôi đem tặng bạn bè. Thời điểm ấy tưởng buồn chán nhưng hóa ra lại rất vui.

Khi giãn cách xã hội hồi tháng 4, Hứa Vĩ Văn vẽ tranh để đấu giá góp quỹ chống Covid-19, hạn mặn. Video: Nhân vật cung cấp.

– Ai là người ở bên cạnh anh những lúc khó khăn?

– Bên ngoài, tôi là người khá mạnh mẽ, mọi người luôn nghĩ tôi ổn và bản thân tôi cũng là điểm tựa của nhiều người, nên tôikhông để ai phải lo lắng cho mình. Nhiều khi tôi nghĩ mình giống Iron Man (Người Sắt). Nhưng trái tim tôi thì không.

Tôi trân quý những người bạn luôn ở bên cạnh mình. Tôi muốn cảm ơn người đã kéo tôi khỏi khoảng thời gian u buồn, đó là nhà sản xuất Trinh Hoan. Sau khi em trai tôi mất, anh Hoan tới an ủi tôi. Chính anh Hoan là người đã kéo tôi vào dự án Tiệc trăng máu để tôi quay về guồng làm việc.

Trong “Tiệc trăng máu” Hứa Vĩ Văn đóng cặp Hồng Ánh vai vợ chồng. Vai Quang ở độ tuổi trung niên, đúng với tuổi thật của anh. Hứa Vĩ Văn chia sẻ thời điểm quay, nỗi đau ngoài đời khiến anh trông già đi, vô tình lại hợp vai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

– Anh gặp áp lực gì về tài chính khi gần như là trụ cột của gia đình?

– Tài chính gia đình tôi ổn, không có vấn đề gì. Sau khi em trai mất tôi cũng cố gắng dàn xếp cho em dâu và hai cháu nhỏ ở riêng để tôi lẫn gia đình bên ngoại tiện cùng chăm sóc.

Nếu em trai tôi còn sống, có lẽ tôi sẽ tự do tự tại hơn. Nhưng mọi thứ không như tôi tính. Bây giờ tôi phải có trách nhiệm với gia đình. Từ nhỏ đến giờ tôi luôn là trụ cột trong nhà, chắc ông trời đã sắp đặt tôi phải như vậy. Cứ lo hết người này đến người khác. Tôi chỉ mong mọi thứ bình yên cho những người thân yêu của mình. Được vậy là tôi hạnh phúc rồi.

– Anh mong chờ gì vào một tình yêu cho mình?

– Tôi không biết nữa. Tâm hồn tôi có lẽ cần rất lâu mới chữa lành được. Trải qua nhiều đau thương thì sẽ khó tìm được ai để chia sẻ, chứ đừng nói là để yêu. Tôi từng nói tôi chọn cô đơn để đợi người chân thành, và có lẽ giờ tôi vẫn sẽ đợi.

Trên facebook tôi có đến hơn 15 nghìn lá thư tỏ tình sau phim Em là bà nội của anh. Tôi không thể trả lời hết và không biết phải làm gì. Tôi trân trọng cảm xúc của họ và cảm ơn sự yêu mến ấy. Cứ để đó, sau này họ nhìn lại và mỉm cười vì đã có một thời ta yêu mến ai đó như thế. Hiện tại, công việc là niềm vui duy nhất của tôi.