Có thể bạn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng nguyên tác gốc của Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa, Sở Kiều truyện, Chân Hoàn truyện… đều là tiểu thuyết đạo nhái.
‘Đạo văn’ là từ chuyên dùng cho việc sao chép ngôn từ, ý tưởng… trong tác phẩm của người khác vào tác phẩm của mình. Những tác phẩm đạo văn thường phải nhận rất nhiều sự chỉ trích từ phía dư luận. Tuy nhiên, có rất nhiều bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết đạo văn của Trung Quốc sau khi lên sóng lại cực kỳ thành công.
Hậu cung Chân Hoàn truyện
Ngay từ khi lên sóng vào năm 2011, Hậu cung Chân Hoàn truyện đã gây bão màn ảnh nhỏ không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhiều nước Châu Á. Bộ phim này được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cung đấu nổi tiếng của tác giả Lưu Liễm Tử. Đây cũng được biết đến là bộ phim đã giúp tên tuổi của Tôn Lệ nổi tiếng hơn nữa trong giới giải trí.
Thế nhưng, vào tháng 8/2017, cuốn tiểu thuyết Hậu cung Chân Hoàn truyện của Lưu Liễm Tử đã bị tố sao chép từ 2 tiểu thuyết nổi tiếng là Ma thổi đèn: Quỷ xuy đăng (Thiên Hạ Bá Xương) và Tịch mịch không đình xuân dục vãn (Phỉ Ngã Tư Tồn).
Ít lâu sau, chính tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn cũng lên tiếng bày tỏ sự bức xúc của mình khi bị Lưu Liễm Tử ăn cắp chất xám. Một trong những chứng cứ không thể chối cãi về việc đạo văn, đó là Phỉ Ngã Tư Tồn bất cẩn viết sai 1 ý thơ trong Lãnh nguyệt như sương và trong Chân Hoàn truyện câu thơ này cũng sai y hệt.
Sở Kiều truyện
Sở Kiều truyện quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Triệu Lệ Dĩnh, Lâm Canh Tân, Lý Thấm… lại thêm cốt truyện hấp dẫn nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Không chỉ nổi tiếng ở Trung nước, Sở Kiều truyện còn làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ của nhiều nước Châu Á.
Thế nhưng, trước khi được chuyển thể thành phim, nguyên tác của Sở Kiều truyện đã bị tố sao chép Bạo quân, Ta đến từ quân tình báo số 9 và Hộc châu phu nhân của tác giả Tiêu Như Sắt.
Mới đây, ngày 13/6, Tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết cùng kết luận Sở Kiều truyện đã đạo Hộc Châu phu nhân trong 15 phân đoạn. Theo đó tác giả Tiêu Tương Đông Nhi sẽ phải công khai xin lỗi Tiêu Như Sắt và bồi thường số tiền là 50.000 nhân dân tệ. Nhiều người cho rằng mức án phạt này với một kẻ ăn cắp chất xám của người khác là quá nhẹ nhàng.
Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa
Có thể nói những lùm xùm xung quanh việc đạo văn của Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa ồn ào chẳng hề kém cạnh Sở Kiều truyện. Vào năm 2015, Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa đã bị tố sao chép tác phẩm Duyên nợ đào hoa của Đại Phong Quát Quá. Rất nhiều chứng cứ đã được đưa ra tuy nhiên cho đến nay cả tác giả Đường Thất Công Tử và tác phẩm đều chưa nhận được án phạt thích đáng.
Năm 2017, bộ phim Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa lên sóng và gặt hái được vô số thành công. Địa vị giới của loạt diễn viên trong phim tiểu biểu là Dương Mịch, Triệu Hựu Đình và Địch Lệ Nhiệt Ba cũng theo đó mà tăng cao. Thậm chí, sau khi bản truyền hình kết thúc, Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa lại có thêm cả bản điện ảnh. Việc này khiến cho nhiều người vô cùng tức giận và kêu gọi tẩy chay cả tác giả, tác phẩm và diễn viên đóng phim.
Cẩm tú vị ương
Năm 2016, Cẩm tú vị ương được lên sóng và nhanh trong trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất trên màn ảnh hoa ngữ. Chỉ sau 21 ngày bộ phim đã cán mốc 12 tỷ lượt xem và rating lên đến 2%. Đây cũng là bộ phim đã giúp La Tấn và Đường Yên nên duyên vợ chồng không lâu sau đó.
Dù phim thành công là vậy, nhưng nguyên tác của Cẩm tú vị ương là Thứ nữ hữu độc lại là một tác phẩm đạo văn. Theo đó, truyện có 294 chương thì chỉ có 9 chương là không đạo. Phần còn lại đều lấy ý tưởng, sao chép, xào lại từ hơn 200 cuốn truyện khác.
Trong những cuốn truyện bị tác giả Tần Giản sao chép thì phải kể đến Hồng lâu mộng, Hoàng đế Càn Long, Tây Sương Ký… Đến ngày 8/5/2017, tòa án đã tuyên Tần Giản tội xâm quyền, tiểu thuyết Thứ nữ hữu độc cũng bị cấm phát hành truyền bá dưới mọi hình thức.
Hoa Thiên Cốt
Trước Sở Kiều truyện, Triệu Lệ Dĩnh cũng từng vào vai nữ chính trong bộ phim Hoa Thiên Cốt có nguyên tác đạo văn. Theo đó, có bằng chứng cho thấy tác giả Fresh Quả Quả đã cắt ghép rồi xào nấu nhiều tác phẩm để cho ra bản hoàn chỉnh của ‘rác phẩm’ Hoa Thiên Cốt. Những cuốn tiểu thuyết đã bị ăn cắp chất xám bao gồm Hoa khai bất ký niên, Tiêu thanh yết, Tiên khiếm thần khúc và Sưu thần ký.
Thế nhưng, dù bị tố đạo văn thì bản truyền hình của Hoa Thiên Cốt vẫn gặt hái vô số thành công. Thậm chí bộ phim này còn đưa tên tuổi của Triệu Lệ Dĩnh vụt sáng thành sao hạng A. Hoa Thiên Cốt cũng trở thành một trong những bộ phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2015.
Em của thời niên thiếu
Cách đây không lâu, bộ phim điện ảnh Em của thời niên thiếu chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Thời niên thiếu tươi đẹp ấy được công chiếu và gặt hái vô số thành công. Dịch Dương Thiên Tỷ và Châu Đông Vũ cũng nhận về nhiều giải thưởng danh giá với vai trò là nam nữ chính trong phim.
Thế nhưng, trước đó cuốn tiểu thuyết gốc do Cửu nguyệt Hi viết đã bị tố đạo văn. Cụ thể, tác giả Cửu nguyệt Hi đã đạo Bạch dạ hành và Phía sau nghi can X của Higashino Keigo. Chưa dừng lại ở đó, Thời niên thiếu tươi đẹp ấy cũng dính nghi án đạo Cây kim ngân của tác giả Twentie – một trong những người bạn thân thiết của Cửu Nguyệt Hi.
Dù được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết đạo văn, thế nhưng những bộ phim này lại cực kỳ thành công. Bạn có ủng hộ những bộ phim chuyển thể từ nguyên tác ăn cắp chất xám không?