“Bát trận đồ” không phải là phát minh độc quyền của Gia Cát Lượng nhưng ông chính là người đưa trận pháp này lên tầm huyền thoại với đầy đủ tinh hoa nghệ thuật dụng binh. “Bát trận đồ” là trận pháp kinh điển của Gia Cát Lượng.
Do tư liệu lịch sử đã tản mát nhiều nên hiện nay người ta không thể nghiên cứu kỹ về “Bát trận đồ”. Tuy vậy, “Bát trận đồ” của Khổng Minh Gia Cát Lượng biến hóa khôn lường, không thời nào không giành được lời khen tặng. La Quán Trung trong “Tam Quốc diễn nghĩa” khen “Bát trận đồ” rằng: “Thường hữu khí như vân, từng nội nhi khởi”, nghĩa là: Có khí như mây, sức mạnh phát ra từ bên trong. Trên bia đá ở Thành Đô (nước Thục cũ) lại có câu: “Giang thượng trận đồ do bố liệt. Thục trung tương nghiệp hữu huy quang”, tạm dịch là: Trên sông trận đồ vẫn còn dấu tích. Cơ đồ nước Thục muôn đời sáng ánh vinh quang.
Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cho rằng, uy lực của “Bát trận đồ” chính là bố cục theo phương hướng, biến hóa khôn lường, khi tách, khi hợp. Hình thế của trận này dựa trên nguyên lý “Bát quái” với 8 cửa: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Ảnh, Tử, Cảnh, Khai. Các cửa Sinh, Cảnh, Khai được gọi là “cửa cát” (cửa tốt), còn lại Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Ảnh chính là “cửa hung” (cửa xấu).
Trong một trận đồ điển hình, toàn trận có thể huy động 14 ngàn kỵ binh, cứ 50 người thành 1 đội hình, tất cả gồm 280 đội. Bộ binh có 10 ngàn người, chia đều thành 200 đội. Mỗi một đội bộ binh chiếm 10 thước trong trận đồ. Tùy theo tình hình cụ thể, “Bát trận đồ” có thể biến hóa khôn lường, làm quân địch mất phương hướng. Ngoài ra, ở bên trong “Bát trận đồ” người ta còn có thể bố trí các loại vật liệu đặc biệt như đá, xe lương thực tạo chướng ngại vật, ngăn cản kỵ binh địch tấn công. Sau khi địch lọt vào trận, quân sĩ bên trong sẽ dùng cung, tên, mâu, kích để đả thương, tấn công địch. Trận đồ này là cơn ác mộng với các đội quân kỵ binh trang bị nhẹ.
“Bát trận đồ” gắn liền với tên tuổi Gia Cát Lượng suốt hàng nghìn năm qua. Đó là kết tinh trí huệ của vị “quân sư muôn đời”. Câu chuyện về Lục Tốn lạc trong “Bát trận đồ” cũng rất đẹp. Đó là một minh chứng hùng hồn cho tài dùng binh của Gia Cát Lượng. Trước trận thắng Di Lăng, Gia Cát Lượng đã biết Lục Tốn nhất định kéo quân qua bến Ngư Phúc, nhất định lạc vào thạch trận và nhất định gặp Hoàng Thừa Ngạn. Thậm chí ông còn dặn bố vợ đừng dẫn Lục Tốn thoát khỏi trận này.
Ở một chiều ngược lại, câu chuyện cũng là minh chứng cho chữ “nghĩa” thời Tam Quốc. Hoàng Thừa Ngạn vì nghĩa mà bỏ qua lời dặn của con rể, một mình đi vào thạch trận để cứu Lục Tốn. Hoàng Thừa Ngạn có thừa lý do để không cứu Lục Tốn nhất là khi Tốn vừa đốt sạch trại Thục ở Di Lăng, đánh đuổi cho Lưu Bị chạy dài về thành Bạch Đế. Nhưng anh hùng trọng anh hùng, họ đã đối xử với nhau đầy nghĩa hiệp. Lục Tốn là người có tài và Hoàng Thừa Ngạn cũng vậy (không có tài sao được khi có thể giải được “Bát trận đồ” của Gia Cát Lượng!). Hoàng Thừa Ngạn mến mộ tài Lục Tốn mà Lục Tốn cũng thực sự cầu thị khi thừa nhận mình không sao bằng được Gia Cát Lượng, muốn học hỏi “Bát trận đồ”.
Theo Võ Thuật