Có ý kiến cho rằng, khoảng thời gian Lưu Bị đang dốc toàn tâm toàn lực cho trận chiến ở Ích Châu chính là thời điểm thích hợp nhất để Tào – Tôn tiêu diệt đối thủ này.
Năm xưa, để có thể lấy được vùng đất Ích Châu, Lưu Bị đã phải mất khoảng 3 năm ròng rã. Tuy nhiên điều đáng nói lại nằm ở chỗ: Ngay cả khi biết Lưu Bị sẽ trở thành một thế lực bành trướng sau khi có được địa bàn này thì cả hai đối thủ khét tiếng của ông là Tào Tháo và Tôn Quyền đều không hề ngăn cản.
Vậy đâu là lý do khiến Tào – Tôn án binh bất động, tạo điều kiện cho Lưu Bị trở thành đối tượng chia ba thiên hạ cùng mình như vậy?
Theo quan điểm của Qulishi, ở vào thời điểm lúc bấy giờ, Tào Tháo và Tôn Quyền thực chất đều vì nhiều lý do khác nhau mà bỏ lỡ thời cơ triệt hạ đối thủ nặng ký này.
Tào Tháo: Bất đắc dĩ phải bỏ qua cho Lưu Bị vì 2 nguyên nhân đặc biệt
Theo quan điểm của Qulishi, việc Tào Tháo không đem quân tiêu diệt Lưu Bị vào khoảng thời gian vị quân chủ họ Lưu đang tập trung lực lượng chinh phạt Ích Châu bắt nguồn từ hai nguyên nhân dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Tào Tháo biết sức lực của bản thân có hạn nên không có ý xen vào chiến sự ở phương Nam.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trước cuộc chiến Xích Bích, Tào Mạnh Đức từ sớm đã nuôi mộng thống nhất thiên hạ. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi vào thời điểm bấy giờ, ông sở hữu vô số binh hùng tướng mạnh, là nhân vật nắm trong tay thời cơ và thực lực thống nhất.
Tuy nhiên sau thất bại của quân Tào trước liên minh Tôn – Lưu tại Xích Bích, cục diện thế chân vạc đã dần hình thành.
Theo Qulishi, kể từ sau sự kiện này, tâm lý của Tào Tháo đã phát sinh thay đổi. Ông dường như đã buông bỏ ý định tiêu diệt Tôn Quyền, Lưu Bị vì biết rằng thực lực của bản thân không còn đủ.
Do đó, Tào Tháo bắt đầu nổi lên ý định lấy danh nghĩa của Hán Hiến Đế để thâu tóm toàn bộ phương Bắc.
Vào năm Kiến An thứ 17, quần thần vốn đã có ý định tiến cử ông làm Ngụy công. Thế nhưng do Tuân Úc cùng các đại thần có xuất thân sĩ tộc một mực ngăn cản, phải tới một năm sau đó, Tào Mạnh Đức mới có được vị trí này.
Lúc bấy giờ, ông đã bước sang tuổi 59, chí tiến thủ dường như đã bị thời gian và tuổi tác mai một, cho nên Tào Tháo đối với chuyện chiến sự cũng dần trở nên có phần kiêng dè hơn so với thời trẻ.
Nguyên nhân thứ hai: Nội bộ của tập đoàn Tào Ngụy phát sinh biến hóa, cần thời gian hòa giải và ổn định.
Ảnh minh họa.
So với các đối thủ khác, Tào Tháo có ưu thế là nắm trong tay Thiên tử để ra lệnh cho các chư hầu. Tuy nhiên thực tế là nội bộ Tào Ngụy trước kia vẫn còn không ít các đại thần trung thành với Hán thất.
Sau cuộc chiến Xích Bích, mâu thuẫn bên trong nội bộ tập đoàn này ngày càng trở nên rõ ràng. Thân là một vị quân chủ, Tào Tháo đương nhiên phải tiêu tốn không ít tâm sức để giải quyết tình trạng này.
Vào thời điểm Lưu Bị tấn công Ích Châu, Tào Mạnh Đức vào năm Kiến An thứ 16 vừa phái Chung Do tấn công Hán Trung, nhưng sau đó lại bị Mã Siêu cầm chân ở chiến trường Đồng Quan.
Mặt khác, tới năm Kiến An thứ 17, Tào Tháo lại cùng Tôn Quyền giằng co tại cửa Nhu Tu. Kết quả là năm sau đó, ông buộc phải lui binh vì không chiếm được nhiều lợi ích.
Trên thực tế, năm xưa một Tư Mã Ý với tầm nhìn chiến lược xuất chúng đã từng khuyên vị quân chủ họ Tào ấy dẫn binh vào Ích Châu. Thế nhưng Tào Tháo vì lo lắng những vấn đề nội bộ nên không tiếp nhận, chỉ lệnh cho Hạ Hầu Uyên và Trương Hợp đưa quân tới trú đóng nơi tiền tuyến.
Bởi vậy, nguyên nhân về những mâu thuẫn bên trong nội bộ tập đoàn cũng là một trong những lý do khiến Tào Tháo không có thời gian để tham gia vào các vấn đề chiến sự ở phương Nam, đồng thời cũng bỏ lỡ mất thời cơ tiêu diệt một đối thủ nặng ký như Lưu Bị.
Tôn Quyền: Muốn “triệt hạ” em rể từ sớm nhưng lực bất tòng tâm
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo Qulishi , Tôn Quyền thực chất cũng muốn tấn công Ích Châu nhưng không có được ưu thế trên phương diện địa lợi.
Bản thân vị quân chủ này cũng từng muốn liên minh với Lưu Bị để tiến đánh vùng đất này, tuy nhiên việc lại không thành. Ban đầu, Lưu Bị cũng có phần lung lay trước lời đề nghị của Tôn Quyền.
Thế nhưng sau đó thuộc hạ đã thay ông phân tích, cho rằng nếu Tôn – Lưu liên minh, một khi Lưu Bị không hạ được Ích Châu mà đường lui còn bị Đông Ngô nắm giữ, như vậy Thục Hán rất có thể sẽ rơi vào hiểm cảnh.
Cho nên Lưu Huyền Đức nhanh chóng bỏ đi ý định này. Dù cho sau đó Tôn Quyền đã sai Tôn Du dẫn thủy quân tới Hạ Khẩu, thì Lưu Bị từ sớm đã an bài binh lính chặn không cho Đông Ngô tiến quân.
Thấy người em rể này đã có tâm phòng bị, hơn nữa còn chuẩn bị kỹ càng, Tôn Quyền chẳng thể làm gì khác.
Sau đó, Lưu Bị chẳng những đem Bàng Thống nhập Thục, còn phái Gia Cát Lượng và Quan Vũ, Trương Phi cùng Triệu Vân ở lại Kinh Châu.
Những động thái cẩn trọng này khiến Tôn Quyền dù muốn cũng chẳng thể ra tay, không còn cách nào khác ngoài việc đứng nhìn Lưu Bị có được mảnh đất địa lợi quý giá này.
Từ những minh chứng trên đây, có thể dễ dàng nhận thấy cả Tào Tháo và Tôn Quyền không phải là không muốn tiêu diệt Lưu Bị mà đều lực bất tòng tâm.
Hoặc cũng có lẽ, lịch sử đã ưu ái cho vị Hoàng thúc họ Lưu ấy có được thiên thời, để rồi sau này cùng Tào – Tôn trở thành ba thế lực chia ba thiên hạ khét tiếng một thời…
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)