Mặc dù là hoạn quan và nắm trong tay quyền cao chức trọng nhưng nhân vật này lại luôn được người đời kính nể chứ không bị lên án như những hoạn quan cướp quyền hoàng đế khác.
Trong các triều đại lịch sử của Trung Quốc, có không ít hoạn quan làm rối kỷ cương triều đình, người nổi tiếng nhất là Nguỵ Trung Hiền thời Minh Hy Tông, được gọi là “Cửu thiên cửu bách tuế” (ý chỉ kém hoàng đế – vạn tuế 100 tuổi), thậm chí dân gian còn lưu truyền câu nói “Chỉ biết có Trung Hiền, chứ không biết có hoàng thượng”, nhưng hiếm có hoạn quan được ngồi lên ngai vàng của hoàng đế.
Thế nhưng thời xưa vẫn có một hoạn quan duy nhất được làm hoàng đế. Khác với những hoạn quan khác, người này quyền hành huynh đảo triều đình nhưng lại được người ta tôn kính, con cháu ông còn là danh nhân của thời Tam Quốc.
Người đó chính là Tào Đằng, tự Quý Hưng, sinh năm 100.
Theo ghi chép trong “Tam quốc chí”, Tào Đằng còn là hậu duệ khai quốc công thần nhà Tây Hán là Tào Tham. Vào thời Hán Huệ Đế, Tào Tham đảm nhiệm vai trò Tướng quốc, ngày ngày ăn chơi hưởng lạc, không màng chính sự, vậy mà lại được dân chúng kính yêu.
Tào Đằng tuy không giống như Tào Tham, khởi điểm của ông là từ một hoạn quan, suốt cuộc đời trải qua bốn đời hoàng đế, nhưng lại khiến người đời hết sức kính phục.
Phò tá thái tử nhà Hán
Vào thời Hán An Đế, Tào Đằng 19 tuổi giữ chức Hoàng môn tòng quan, trở thành bề tôi thân cận với hoàng đế. Tào Đằng an phận biết điều, cẩn thận kỹ càng, nhận được sự tán thưởng của Đặng Thái hậu.
Đặng Thái hậu đã ban cho Tào Đằng một công việc báu bở, đó là hầu Hoàng thái tử Lưu Bảo đọc sách.
Tranh chân dung Tào Đằng.
Lưu Bảo là con của Hán Văn Đế và một cung nhân họ Lý, nhưng Lý thị mới sinh con xong đã bị Hoàng hậu Diêm Cơ của Hán An Đế hại chết bằng thuốc độc.
Tuy rằng Diêm Cơ được Hán An Đế vô cùng yêu thích nhưng không sinh được con nối dõi, đành phải để cho Lưu Bảo được làm Hoàng thái tử nhưng trong lòng luôn mang oán trách.
Đặng Thái hậu lo Diêm Cơ gây bất lợi cho Lưu Bảo, do đó đã dặn Tào Đằng phải chăm sóc tốt cho Lưu Bảo. Tào Đằng vâng lệnh, chưa từng có chút lơ là, bởi thế Lưu Bảo cũng hết sức tín nhiệm ông, luôn muốn ban thưởng nhiều thêm cho Tào Đằng.
Năm 121, Đặng Thái hậu qua đời, trong hoàng cung không còn một ai chèn ép được Hoàng hậu nữa. Hoàng hậu Diêm Cơ được vua yêu chiều, anh em nhà mẹ đẻ như Diêm Hiển, Diêm Cảnh, Diêm Diệu, Diêm Yến đều đảm nhiệm chức quan lớn trong triều, quyền hành khuynh đảo một thời. Phe cánh Diêm Cơ lại hãm hại Hoàng thái tử, phế Lưu Bảo thành Tế Dương Vương.
Ngày 10 tháng 3 năm Diên Quang thứ 4 (năm 125), Hán An Đế qua đời tại huyện Diệp, phe cánh Diêm Cơ che giấu tin tức này. Mãi cho tới khi về đến hoàng cung mới phát tang Hán Văn Đế như thật.
Lúc này Diêm Cơ là Hoàng thái hậu, một mình nắm quyền lực. Bà ta cùng bọn Diêm Hiển, Giang Kinh ủng hộ lập một người cháu trai của Hán Chương Đế là Lưu Ý làm hoàng đế bù nhìn.
Ảnh minh họa.
Có điều Lưu Ý lên ngôi mới hơn hai trăm ngày đã mắc bệnh qua đời, đám người Diêm Cơ, Diêm Hiển và Giang Kinh định điều vương tử của Tế Bắc Vương, Hà Gian Vương làm hoàng đế bù nhìn mới.
Lập Thái tử lên làm vua
Thế nhưng vương tử còn chưa kịp tới kinh thành, tối ngày 4 tháng 11, mười chín hoạn quan bao gồm Tôn Trình, Tào Đằng… cùng tính kế giết chết đám người Giang Kinh, ủng hộ lập Lưu Bảo lên ngôi làm Hán Thuận Đế.
Hán Thuận Đế cho xử tử phe cánh Diêm Hiển, đưa Diêm Cơ chuyển tới sống ở hành cung, không gặp lại nữa. Còn mười chín hoạn quan như Tôn Trình, Tào Đằng đều được phong tước hầu.
Từ đó về sau, hoạn quan chuyên chính, duy chỉ có Tào Đằng gần như không hề động tĩnh, chỉ cố gắng làm tròn bổn phận chăm sóc hoàng đế. Năm Kiến Khang thứ nhất (năm 144), Lưu Bảo qua đời, đứa con trai vừa tròn hai tuổi của ông lên ngôi, trở thành Hán Xung Đế. Chưa tới nửa năm, Hán Xung Đế đã qua đời, sau đó đứa con trai tám tuổi của Bột Hải Hiếu Vương được ủng hộ ngồi lên ngai vàng, trở thành Hán Chất Đế.
Triều đình xáo trộn lại từ đầu, hai thế lực lớn hình thành thế đối đầu, một phe muốn ủng hộ Thanh Hà Vương làm hoàng đế, một phe muốn ủng hộ Lưu Chí làm hoàng đế.
Tào Đằng ra mặt
Vào thời điểm này, Tào Đằng đã ra mặt.
Ông cho rằng Lưu Chí là lựa chọn tốt hơn cho ngai vàng, nhờ đó Lưu Chí lên ngôi hoàng đế, trở thành Hán Hoàn Đế. Nhờ công lao đó, Tào Đằng đã được phong làm Phí Đình hầu, thăng chức Đại trường thu, thêm chức vị Đặc tiến.
Tào Tháo chính là cháu nội của Tào Đằng.
Tào Đằng tuy là hoạn quan, ở trong hoàng cung mấy chục năm, nhưng chưa từng làm ra bất cứ việc vượt quá giới hạn nào, hơn nữa còn tiến cử được không ít người có tài năng, trung hiền cho triều đình.
Giống như Diên Cố, Trương Ôn ở Nam Dương, Trương Hoán ở Hoằng Nông, Tào Đằng có tấm lòng rộng mở, bởi thế dân chúng và đại thần đều khen ngợi ông hết lời.
Tào Đằng là một hoạn quan, hiển nhiên không có con trai ruột, nhưng ông đã nhận nuôi một người con trai tên là Tào Tung, cũng chính là cha của Tào Tháo, cũng có thể nói rằng danh nhân Tào Tháo thời Tam Quốc là cháu trai của Tào Đằng.
Năm Thái Hoà thứ 3 (năm 229), Nguỵ Minh Đế Tào Duệ truy tôn cho Tào Đằng làm Cao Hoàng đế. Trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có duy nhất một hoạn quan là Tào Đằng được chính thức trao tặng tước hiệu Hoàng đế của vương triều chính thống.