Theo Qulishi, chính hai sơ hở chí mạng trong kế sách tại Thượng Phương cốc đã khiến Khổng Minh phải ngậm ngùi bỏ qua cơ hội trừ khử kỳ phùng địch thủ Tư Mã Ý.

 

Trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”, mưu kế của Gia Cát Lượng lừa cha con Tư Mã Ý tới Thượng Phương cốc từng được miêu tả hết sức đặc sắc trong hồi thứ 102 và 103.

Theo đó, Khổng Minh đã thành công dẫn dắt Tư Mã Ý xuất đầu lộ diện, hơn nữa còn lừa được địch thủ quỷ quyệt này tới Thượng Phương cốc để dùng hỏa công đánh úp.

Nếu kế sách ấy thành công, cha con nhà Tư Mã cùng quân Ngụy đều sẽ vùi thây trong biển lửa. Thế nhưng chỉ tiếc rằng giữa chừng trời lại đổ mưa to, Tư Mã Ý nhờ vậy mà được cứu.

Đọc tới đây, có không ít độc giả đã nảy sinh nghi vấn: Ở vào thời điểm trời đổ mưa, Gia Cát Lượng hoàn toàn có thể cho quân mai phục từ trước đó bắn tên để triệt hạ Tư Mã Ý.

Tuy nhiên ông lại quyết định không đi nước cờ này mà tha cho kỳ phùng địch thủ của mình một mạng. Vì sao lại như vậy?

Theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi, nếu cẩn thận “mổ xẻ” chiến thuật của Khổng Minh ở Thượng Phương cốc, không khó để nhận thấy một khi thoát khỏi kế sách hỏa công nói trên, Tư Mã Ý chắc chắn có thể qua được  hiểm cảnh này.

Thượng Phương cốc – quân át chủ bài cho kế sách triệt hạ đối thủ của Khổng Minh

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Nói về bối cảnh diễn ra kế sách ở cốc Thượng Phương, dựa theo tình tiết của “Tam quốc diễn nghĩa”, không khó để nhận thấy Khổng Minh trước đó đã 5 lần ra Kỳ Sơn nhưng không thu về lợi thế.

Vì để có thể hoàn thành đại nghiệp do Lưu Bị giao phó, cũng nhằm hóa giải những mâu thuẫn đang tồn tại trong nội bộ Thục Hán, ông đã quyết định ra Kỳ Sơn lần thứ sáu.

Thế nhưng sau khi hạ trại ở đây, quân Thục đã thất bại ngay từ trận mở đầu ở Bắc Nguyên, tổn thất hơn mười ngàn binh mã.

Sau đó, Khổng Minh liền tương kế tựu kế, lừa Tư Mã Ý tới cướp trại, coi như là gỡ lại được một màn thua trông thấy.

Tuy nhiên từ đó trở đi, bất luận Ngọa Long tiên sinh có cho quân khiêu khích tới mức nào, Tư Mã Ý vẫn cương quyết không xuất đầu lộ diện.

Quân Thục khi ấy lương thảo có hạn, không thể không tốc chiến tốc thắng. Khổng Minh vì vậy mà nghĩ ra cách tìm một địa điểm có địa thế phù hợp để đánh một trận quyết định nhằm hạ gục đối thủ.

Đúng lúc này, ông đã có cơ duyên tìm được một nơi có địa thế tuyệt hảo. Đó chính là Thượng Phương cốc.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Về địa hình của cốc Thượng Phương, “Tam Quốc diễn nghĩa” miêu tả:

“Khổng Minh đi tới một cửa hang, trông như hình quả bầu, ở giữa phình rộng ra, có thể chứa tới hàng nghìn người, được một quãng, núi đôi bên thắt lại, rồi lại phình ra một hang chứa được bốn năm người. Phía sau có núi bọc quanh, có một con đường ở giữa, chỉ một người một ngựa đi vừa”.

Vừa nhìn thấy nơi đây, Gia Cát Lượng đã mừng rỡ trong lòng, hỏi người dẫn đường rằng đây là nơi nào. Người ấy trả lời:

“Đây là Thượng Phương cốc, còn gọi là Hồ Lô cốc”.

Vì vậy, Ngọa Long tiên sinh quyết định chọn cốc này là nơi bày kế triệt hạ kỳ phùng địch thủ Tư Mã Ý.

Ba nước cờ chủ chốt của Gia Cát Lượng quyết đẩy Tư Mã Ý vào cửa tử

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Tuy nhiên, Tư Mã Ý cũng không phải là người dễ dàng mắc mưu, cương quyết không trực tiếp giao chiến.

Trên thực tế, nhân vật này đã nhìn ra nhược điểm chí mạng khiến quân Thục không thể đánh lâu dài. Đó không gì khác ngoài vấn đề lương thảo.

Thế nhưng Khổng Minh cũng tương kế tựu kế, lợi dụng chuyện lương thảo, lại chế ra ngựa gỗ, trâu máy vận chuyển quân lương để tung hỏa mù.

Hết thảy những động thái nói trên đã khiến Tư Mã Ý không khỏi đứng ngồi không yên vì nghĩ rằng quân Thục giải quyết được vấn đề lương thảo, từ đó có thể trường kỳ kháng chiến.

Bên cạnh đó, Gia Cát Lượng còn phái người hiến kế cho Tôn Quyền ở Đông Ngô, để quân Ngô tấn công các thành trì của Ngụy ở dọc sông Trường Giang.

Tất cả những yếu tố này đã khiến Tư Mã Ý bị đẩy vào thế không thể không xuất chiến, nếu không sẽ chẳng còn mặt mũi ăn nói với triều đình nước Ngụy.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Mặc dù đã thành công ép đối thủ ra mặt, nhưng để lừa được Tư Mã Ý dẫn quân tới Thượng Phương cốc, Khổng Minh đã đi 3 bước cờ:

Nước cờ thứ nhất: Phái người dùng ngựa gỗ, trâu máy vận chuyển lương thảo tới Thượng Phương cốc, hơn nữa còn cố ý loan tin khiến quân Ngụy nghĩ rằng đây là nơi tích trữ lương thảo của quân Thục, từ đó dụ Tư Mã Ý tới cướp lương thảo.

Nước cờ thứ hai: Sắp xếp cho Mã Đại dẫn quân mai phục ở Thượng Phương cốc, một mặt vừa chuẩn bị các nguyên vật liệu phục vụ cho kế hỏa công, mặt khác lại bịt kín đường lui, cho quân phục sẵn trong hang.

Nước cờ thứ ba: Gia Cát Lượng phái Ngụy Diên dẫn một nhóm quân ít ỏi chủ động đi đánh Tư Mã Ý, chỉ cho phép bại, không được phép thắng, sau đó dẫn dụ kẻ địch tới địa điểm mai phục.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Một khi Tư Mã Ý dẫn quân tiến vào Thượng Phương cốc, đại kế của Khổng Minh gần như đã thành công chắc chắn.

Sau đó, mọi chuyện quả nhiên diễn ra đúng như tính toán của Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý bị lừa vào Thượng Phương cốc, suýt chút nữa mất mạng vì hỏa công của quân Thục.

Thế nhưng người tính không bằng trời tính, ngay lúc Tư Mã Trọng Đạt tưởng như phải chấp nhận sự thật rằng mình sẽ mất mạng ở đây thì trời đột nhiên đổ cơn mưa lớn, lửa trong cốc đều bị dập tắt. Đại kế vốn dĩ tưởng như đã thành của Khổng Minh cũng vì vậy mà thất bại.

Hai sơ hở chí mạng khiến thần cơ diệu toán Gia Cát Lượng để kỳ phùng địch thủ lọt lưới

Theo nhận định của Qulishi, sở dĩ kế sách của Gia Cát Lượng thất bại theo cách khó tưởng tượng như vậy là bởi những sơ hở dưới đây.

Thứ nhất: Nhược điểm chí mạng về số lượng binh sĩ

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Để có thể dẫn dụ Tư Mã Ý vào cốc, Ngụy Diên lúc đầu chỉ mang theo số ít binh sĩ đi khiêu chiến.

Bên cạnh đó, Mã Đại tuy chịu trách nhiệm hạ trại, chuẩn bị nguyên nhiên liệu dẫn lửa và mai phục lối ra, thế nhưng quân sĩ ước chừng cũng chỉ vẻn vẹn vài trăm người.

Nhìn vào số lượng binh lực ít ỏi này, có thể nhận thấy Gia Cát Lượng đã quá tin tưởng vào diệu kế của mình mà không tính tới tình huống ngoại lệ.

Kết quả là vài trăm binh lính ít ỏi của Mã Đại sau đó cũng không cản được quân Ngụy với lực lượng lên tới hàng trăm ngàn, vì vậy mà để Tư Mã Ý chạy thoát nhưng cũng không dám đuổi theo.

Thứ hai: Không có chuẩn bị cho kế hoạch dự phòng

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Theo Qulishi, để khiến Tư Mã Ý tin tưởng Thượng Phương cốc chỉ đơn thuần là nơi trữ lương thảo, Gia Cát Lượng căn bản không bố trí quá nhiều quân mai phục.

Khi Tư Mã Ý đuổi tới miệng cốc, cho người tiền vào thám thính, người này sau đó trở ra và khẳng định rằng trong cốc không có phục binh, trên núi đều là nhà cỏ.

Tư Mã Ý vì vậy mà an tâm tiến vào hang. Tới khi đối thủ sập bẫy, quân sĩ mai phục khi ấy liền phóng tên bắn mồi lửa, kích hỏa địa lôi.

Theo Qulishi, những người được giao thực hiện nhiệm vụ này vốn không nhiều, số lượng ít ỏi như vậy thì dù có là quân tinh nhuệ cũng khó có thể tác chiến linh hoạt nếu kế sách xảy ra tình huống ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, vào thời điểm trời đổ mưa to, quân Thục hoàn toàn có thể ở phía trên bắn tên hạ sát cha con Tư Mã Ý.

Tuy nhiên theo Qulishi, chính bởi sĩ số quân mai phục đã ít, lại không có nhiều cung thủ tinh nhuệ, hơn nữa số cung tên chuẩn bị đều dùng để bắn mồi lửa chứ không phải tên thông thường, vì vậy việc thực hiện phương án này là điều rất khó khả thi.

Chính bởi hai sơ hở chí mạng trên đây mà ở vào thời điểm trời bất ngờ đổ mưa lớn, ngay tới một Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán cũng chỉ có thể ngậm ngùi nhìn kẻ địch thoát thân mà than rằng:

“Mưu việc tại người, thành việc do trời, không thể cưỡng cầu!”.

*Theo quan điểm của Qulishi