Nhìn lại mấy ngàn năm chế độ phong kiến ngự trị trên mảnh đất Trung Hoa, không khó để nhận thấy lịch sử nước này đã từng ghi nhận không ít trường hợp quyền lực rơi vào tay các nữ quân chủ.
Trong số đó, bốn người phụ nữ nắm thực quyền nổi tiếng hơn cả phải kể tới Lữ hậu của Hán triều, Tiêu Thái hậu của Đại Liêu Khiết Đan, Võ Tắc Thiên – Nữ đế nhà Võ Chu và Tây Thái hậu Từ Hi của vương triều Mãn Thanh.
Một điểm chung dễ nhận thấy ở những tên tuổi kể trên chính là việc họ đều từng làm vợ của các Hoàng đế và đều sinh hạ được con trai.
Những người con của họ sau đó cũng có cơ hội kế thừa ngai vàng. Thế nhưng bởi vì có một mẫu thân quá ưu việt, các vị Hoàng đế trẻ tuổi ấy luôn sống trong cảnh yếu thế hơn hẳn so với mẹ mình, bất luận là về danh tiếng hay quyền lực.
Nếu đánh giá về tài năng hay bản lĩnh chính trị, những người phụ nữ tên tuổi kể trên đều sở hữu năng lực được coi là “vượt mặt” hơn hẳn chồng con của họ.
Và chỉ riêng việc có thể bộc lộ được tài năng trong bối cảnh một xã hội trọng nam khinh nữ đã là minh chứng rõ nhất khẳng định kiến thức chính trị vượt bậc của những người phụ nữ quyền lực ấy.
Thế nhưng trong số 4 tên tuổi kể trên, ai mới thực sự là người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Hoa phong kiến?
Theo xếp hạng của trang Sina, ngay cả những tên tuổi khét tiếng như Lữ hậu hay Võ Tắc Thiên vẫn phải xếp sau một người phụ nữ từng trụ vững đỉnh cao quyền lực trong suốt gần nửa thế kỷ.
Vị trí thứ tư: Lữ Trĩ – Hoàng hậu của vương triều Đại Hán
Hán Cao Tổ Lưu Bang và Lữ hậu từng là “đạo diễn” đứng sau nhiều màn thanh trừng các công thần khai quốc của nhà Hán, trong đó có chiến thần Hàn Tín. (Ảnh minh họa).
Lữ Trĩ (241 TCN – 180 TCN) là Hoàng hậu của Hán Cao Tổ Lưu Bang và là mẹ thân sinh của Hán Huệ Đế. Trong số 4 người phụ nữ nắm quyền nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, bà là vị Hoàng hậu khai quốc duy nhất, cũng là người có được ngai vị mẫu nghi thiên hạ ngay từ ban đầu.
Năm xưa, Lưu Bang ở huyện Bái tới năm 40 tuổi mới cưới được Lữ Trĩ, vốn là vị tiểu thư danh giá của một gia đình giàu có trong vùng. Khi còn trẻ, bà vốn là một người vợ hiền thục lễ độ, vừa có tài có sắc, lại vừa đức hạnh.
Chỉ tiếc rằng một Lưu Bang háo sắc, ít học chưa bao giờ được xem là người chồng lý tưởng. Trong suốt những năm tháng Lưu Bang còn lông bông, Lữ Trĩ luôn một lòng bên cạnh phò tá cho người trượng phu của mình. Tới lúc chồng mình phất cờ khởi nghĩa, bà ở lại hậu phương chăm lo mọi việc trong nhà một cách chu toàn.
Thế nhưng những cuộc chiến đẫm máu trong giai đoạn hỗn loạn ấy đã tước đoạt đi cuộc sống bình yên của Lữ Trĩ. Bà thậm chí đã phải làm con tin và sống trong quân doanh của Hạng Vũ suốt khoảng thời gian 2 năm ròng rã.
Trở về bên cạnh Lưu Bang sau một 2 năm xa cách, Lữ Trĩ hiền đức năm xưa đã thay đổi. Cũng kể từ đó, bà trở thành một người phụ nữ đầy dã tâm và tàn độc.
Vì Lữ hậu từng “lâm triều xưng chế” dưới thời hai Thiếu Đế, cho nên Tư Mã Thiên khi biên soạn “Sử ký” đã xếp phần tư liệu liên quan đến bà liệt vào danh mục bản kỷ vốn dành cho các Hoàng đế. Điều này đủ để thấy thủ đoạn và năng lực chính trị của người phụ nữ ấy cao tay tới nhường nào.
Thế nhưng sự thực là trong suốt khoảng thời gian Lưu Bang còn tại thế, Lữ hậu chưa bao giờ làm ra một điều gì quá phận, ngay cả khi địa vị Thái tử của con bà từng có lúc bị đe dọa bởi con trai của một sủng phi họ Thích.
Nếu lúc đó Lữ Trĩ không phải là một Hoàng hậu có bản lĩnh chính trị, lại nắm trong tay một tập đoàn ủng hộ đông đảo, rất có thể lịch sử nhà Hán kể từ sau khi Lưu Bang qua đời sẽ được viết theo một cách khác.
Tài năng của Lữ hậu thể hiện rõ nhất ở thế cục triều đình nhà Hán sau khi Cao Tổ băng hà. Trước bối cảnh một vương triều mới thành lập có nhiều lục đục trong nội bộ, Lữ Trĩ đã một tay dẹp yên mọi mâu thuẫn.
Thủ đoạn và năng lực của bà không hề kém cạnh so với người chồng Lưu Bang. Điều này cũng lý giải vì sao đến cả chiến thần Hàn Tín cũng phải chết tức tưởi dưới tay người phụ nữ quyền lực như Lữ hậu.
Vị trí thứ ba: Tiêu Xước – Thái hậu của nước Đại Liêu
Tiêu Thái hậu Tiêu Xước từng là Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu và chính trị gia nổi tiếng của Đại Liêu – triều đại phong kiến do người Khiết Đan kiến lập và đối kháng với triều Tống ở phía nam. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Tiêu Thái hậu (953 – 1009), vốn tên là Tiêu Xước, tự Yến Yến, người tộc Khiết Đan. Thời kỳ bà buông rèm nhiếp chính cũng được xem là giai đoạn đỉnh cao thịnh trị của nước Đại Liêu xưa.
Bởi vì Hoàng tộc Gia Luật của nước Liêu vốn có truyền thống thông hôn với dòng họ Tiêu, nên sau khi Liêu Cảnh Tông kế vị, Tiêu Xước đã được chọn làm Quý phi và sau đó trở thành Hoàng hậu danh chính ngôn thuận của vị vua này.
Khi còn là chính thê của Liêu Cảnh Tông, bà đã sinh hạ tổng cộng 7 người con. Điều này cũng chứng minh tình cảm Đế – hậu của Đại Liêu bấy giờ hết sức mặn nồng.
Sau khi Tiên đế băng hà, con trai bà là Liêu Thánh Tông đã thuận lợi kế vị ngai vàng, Tiêu Xước cũng được tôn làm Hoàng Thái hậu và bắt đầu thời kỳ nhiếp chính.
Chiến công lớn nhất của bà đối với đại nghiệp của Liêu quốc phải kể tới việc vị Thái hậu này đã đẩy lui cuộc chinh phạt của Tống Thái Tông. Chỉ riêng sự kiện này cũng đã gián tiếp chứng minh năng lực của Tiêu thị thậm chí còn được đánh giá cao hơn Thái Tông Triệu Quang Nghĩa một bậc.
Sau đó, Tiêu Thái hậu lại cho quân phạt Tống. Quân Liêu tiến công như vũ bão, tới tháng 11 cùng năm đã đánh thẳng tới cổng thành Thiền Uyên – cửa ngõ của kinh đô Khai Phong thuộc triều Bắc Tống. Cuộc chiến này sau đó được dàn xếp trong hòa bình bằng việc ký kết Thiền Uyên chi minh.
Chưa dừng lại ở đó, cuộc đời của vị Thái hậu họ Tiêu ấy còn lưu truyền một giai thoại đẹp về mối tình của bà với Hàn Đức Nhượng.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, mối tình này thậm chí còn nhận được sự công nhận của con trai bà là Liêu Thánh Tông. Bấy giờ, Thánh Tông Gia Luật Long Tự không còn xem Hàn Đức Nhượng là bề tôi mà luôn kính cẩn gọi ông là “thúc thúc”.
Người tình họ Hàn của Tiêu Thái hậu cũng được ban họ Gia Luật, hưởng thụ đãi ngộ như một Thái thượng hoàng của Liêu quốc.
Bởi vì Hàn Đức Nhượng lúc sinh thời không có con trai, Tiêu Thái hậu liền đặt ra quy định hoàng tộc Gia Luật mỗi đời đều phải cử ra một thân vương để trở thành hậu duệ lo hương khói cho dòng tộc của ông sau này.
Tương truyền rằng sau này Liêu Thánh Tông Gia Luật Long Tự đã để cho Tiêu Thái hậu và Hàn Đức Nhượng được hợp táng chung một nơi. Người tình họ Hàn của vị thái hậu này cũng là người Hán duy nhất được táng trong hoàng lăng của nhà Liêu.
Vì vậy có thể nói trong 4 người phụ nữ nắm quyền nổi danh Trung Hoa, Tiêu Thái hậu là người sở hữu chuyện tình viên mãn nhất, cũng là người có được mối quan hệ mẹ con hòa thuận hơn cả.
Vị trí thứ hai: Võ Tắc Thiên – Nữ đế nhà Võ Chu
Cuộc đời của Võ Tắc Thiên từng được biết đến như một truyền kỳ khi bà từ thân phận hậu phi của nhà Lý Đường bước lên trở thành Nữ đế sáng lập ra nhà Võ Chu. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Võ Tắc Thiên (624 – 705), vốn là một phi tử của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau lại trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị. Năm 690 sau Công nguyên, bà chính thức lên ngôi Hoàng đế và trở thành Nữ đế của nước Đại Chu ở tuổi 67.
Võ Tắc Thiên ở ngôi Hoàng đế 15 năm, tới năm 705 thì qua đời khi đã 82 tuổi. Bà cũng là Nữ đế duy nhất được công nhận chính thức trong lịch sử Trung Hoa.
Nhìn lại cuộc đời từng làm vợ của hai Hoàng đế nhà Lý Đường, không khó để nhận thấy Lý Thế Dân và Lý Trị đã để lại những ảnh hưởng sâu sắc về kiến thức chính trị cũng như nguyên tắc xử thế của vị Nữ Hoàng đế họ Võ.
Võ thị vào cung năm 14 tuổi, được ban cho danh phận tài nhân – cấp bậc thấp nhất trong hàng ngũ thê thiếp của Đường Thái Tông. Sau khi Thái Tông băng hà, bà buộc phải xuất gia ở tuổi 25.
Vốn dĩ con đường tiến thân của Võ thị đã chấm dứt từ đây, thế nhưng việc được đưa trở lại hậu cung của Cao Tông Lý Trị vì cuộc chiến tranh sủng giữa Vương Hoàng hậu và Tiêu Thục phi đã đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời bà.
Sau khi trở lại hậu cung trong tư cách là thê thiếp của Cao Tông, Võ Tắc Thiên với vẻ đẹp mặn mà của một người phụ nữ trưởng thành đã khiến Lý Trị vô cùng say mê. Vị Hoàng đế trẻ hơn Võ thị tới 4 tuổi đã quyết định phong bà làm Hoàng hậu.
Tình cảm vợ chồng của cặp đôi Đế – Hậu trong nhiều năm sau đó vẫn luôn tốt đẹp, Võ Tắc Thiên đã sinh hạ cho Lý Trị 6 người con cả nam lẫn nữ.
Đối với những vị Hoàng đế có quyền nắm trong tay tam cung lục viện, tình cảm chung thủy và bền chặt của Lý Trị dành cho Võ Tắc Thiên có thể coi là hết sức hiếm thấy, đó là chưa nói tới việc Võ thị từng làm phi tần của cha ông và thậm chí còn lớn hơn ông tới mấy tuổi.
Kể từ lúc bước lên ngai vị mẫu nghi thiên hạ, Võ Tắc Thiên đã có cơ hội thi triển tài năng của mình. Bà nổi tiếng với những thủ đoạn triệt hạ đối thủ một cách thẳng tay và tàn nhẫn, lại có bản lĩnh chính trị cao, tài nghệ thuộc hàng thượng thừa.
Có thể nói, Võ Tắc Thiên từ sớm đã hội tụ đủ những tố chất để trở thành một chính trị gia kiệt xuất. Sau này, bà lên ngôi Hoàng đế và lập ra nhà Võ Chu.
Trước khi Võ Tắc Thiên lên ngôi nắm quyền, nhà Lý Đường dưới triều Thái Tông từng có giai đoạn “Trinh Quán chi trị”. Sau khi nhà Võ Chu chấm dứt, giang sơn Đại Đường lại trải qua một giai đoạn “Khai Nguyên thịnh thế” dưới thời Đường Huyền Tông.
Vì vậy, vương triều mà Võ Tắc Thiên cai trị có thể coi là cường đại nhất nếu so với thời đại của 3 người phụ nữ nắm quyền còn lại.
Vị trí thứ nhất: Từ Hi Thái hậu – “Lão Phật gia” của Đại Thanh Mãn Châu
Ngồi vững ở đỉnh cao quyền lực của vương triều Mãn Thanh trong gần nửa thế kỷ, Từ Hi Thái hậu được xem là người phụ nữ quyền lực nhất trên vũ đài chính trị của lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Từ Hi (1835 – 1908), là phi tần của Hoàng đế Hàm Phong và cũng là thân mẫu của vua Đồng Trị thời nhà Thanh. Nếu dùng một cụm từ ngắn gọn để miêu tả về ảnh hưởng của nhân vật này đối với Thanh triều, không ít sử gia đã gói gọn trong 4 chữ – Họa quốc ương dân.
Đánh giá từ phương diện đời sống riêng tư, Từ Hi quả thực có một cuộc đời không mấy hạnh phúc: Cha mất sớm, xuất thân thuộc vào dòng thứ, gia cảnh càng lúc càng suy sụp.
Năm 17 tuổi, bà gia nhập kỳ tuyển tú của Thanh cung và trở thành phi tần của Hàm Phong đế. Trong những năm tìm cách trụ vững trong hậu cung, may mắn đã mỉm cười với người phụ nữ ấy bằng việc ban cho bà một người con trai là trưởng tử của nhà vua.
Cũng tại nơi được mệnh danh là “chiến trường đẫm máu không đao kiếm” như chốn thâm cung, bản lĩnh của Từ Hi đã được tôi luyện qua từng ngày. Chẳng những là người sở hữu nhan sắc thuộc hàng nổi bật trong số các phi tần, bà cũng được đánh giá là có tài năng ưu tú và năng lực chính trị, đối nhân xử thế tương đối cao.
Sau khi Hàm Phong đế đột ngột qua đời trong cuộc chiến tranh nha phiến, Từ Hi đã phải thủ tiết khi mới đôi mươi. Cũng kể từ đó, người góa phụ ấy đã chính thức bước lên vũ đài chính trị, thuận lợi thâu tóm quyền lực vào tay mình trong suốt 47 năm.
Trong số 3 chính biến lớn của Đại Thanh dưới thời Từ Hi nhiếp chính, “Giáp Thân dịch xu” là sự kiện thể hiện rõ nhất thủ đoạn cao tay của Tây Thái hậu. Thông qua sự kiện này, bà đã biếm truất một lúc 4 vị đại thần cốt cán trong triều, bao gồm Cung Thân vương Dịch Hân và 3 người ủng hộ ông nằm trong hàng ngũ Quân Cơ Xứ là Bảo Vân, Lý Hồng Tảo và Cảnh Liêm.
Kể từ năm 1861 đến năm 1909, Từ Hi được xem là người thống trị tối cao của Mãn Thanh trong suốt gần nửa thế kỷ. Việc bà ngồi vững ở vị trí này trong suốt khoảng thời gian 47 năm có thể xem là đáng để khâm phục nếu đặt vào bối cảnh thời bấy giờ.
Khi đó, vương triều Đại Thanh đang phải đối mặt với nguy cơ xâm lược từ các thế lực bên ngoài cùng với đó là sự lạc hậu, mục ruỗng ngày càng hiện rõ trong nội bộ phong kiến, tình thế hết sức chật vật.
Dù đã cố gắng để lèo lái con thuyền chông chênh ấy, nhưng học thức, năng lực và tài cán của Từ Hi lại không thể khiến bà vực dậy một vương triều từ sớm đã trượt dài trên đà suy sụp.
Hơn nữa, hết thảy mọi thủ đoạn và tâm cơ của Từ Hi đều được dùng để đối phó với các đại thần, để ăn chơi hưởng lạc chứ không có nửa phần toan tính vì quốc gia đại sự.
Cũng bởi vì những khuyết điểm như phung phí, xa xỉ, ham mê quyền lực, Từ Hi đã từng gánh chịu không ít lời chỉ trích của bách tính đương thời cũng như các sử gia sau này.
Tuy nhiên nếu đánh giá một cách công bằng, bản lĩnh chính trị của người phụ nữ này từ sớm đã vượt xa người chồng là Hàm Phong đế và người con trai là vua Đồng Trị.
So với những người phụ nữ nắm quyền trong giai đoạn quốc gia đang yên bình hoặc đang trên đà cực thịnh như Lữ hậu hay Võ Tắc Thiên, nếu đặt họ vào một bối cảnh chính trị lịch sử phức tạp giống giai đoạn cuối của thời nhà Thanh, có lẽ các nhân vật ấy chưa cũng chưa chắc đã có thể trụ vững tới gần nửa thế kỷ bằng Từ Hi Thái hậu.
Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến Từ Hi được xếp ở vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng những người phụ nữ nắm quyền nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa do Sina xếp hạng.