Sau khi Lưu Bang thống nhất được thiên hạ, đại công thần số 1 Hàn Tín liền gì bị giết, các công thần khác cũng không tránh khỏi kết cục thảm khốc. Trương Lương cũng không ít lần bị Hán Cao Tổ nghi ngờ, dò xét…

Lưu Bang – vị hoàng đế nổi tiếng giết hại công thần (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

“Thỏ khôn hết, chó săn bị mổ, chim bay cao hết, cung tốt bị vứt xó, nước địch phá xong, mưu thần bị giết”. Đây là câu nói nổi tiếng thời Xuân Thu, khi Phạm Lãi khuyên Văn Chủng từ bỏ tước vị để tránh khỏi bị Việt Vương Câu Tiễn giết hại. Văn Chủng không nghe theo, về sau quả nhiên bị giết còn Phạm Lãi bỏ trốn và sống cuộc đời ẩn dật, vui thú.

Vào thời chiến tranh Hán – Sở, cũng xảy ra sự việc sát hại công thần tương tự. Hán đế Lưu Bang, sau khi chiến thắng Hạng Vũ, là người đã thực hiện mưu đồ này.

Hai tác phẩm nổi tiếng là Sử ký của Tư Mã Thiên và Hán Sở tranh hùng đều có ghi chép lại về sự kiện nói trên khá cụ thể. Nạn nhân đầu tiên của cuộc thanh trừng đẫm máu này không ai khác chính là Hàn Tín. Hàn Tín (230 TCN – 196 TCN), là một danh tướng bách chiến bách thắng, nổi tiếng bậc nhất lịch sử Trung Hoa, ông được Lưu Bang ca ngợi là “Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy”.

Hàn Tín được cho là bị vu cho tội phản nghịch và bị sát hại (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hàn Tín là đại công thần số một của nhà Hán, ông là Đại nguyên soái nắm trong tay quân đội, lập nhiều chiến công hiển hách giúp cho Lưu Bang thống nhất thiên hạ. Tuy nhiên, do trước đó đã từng xảy ra nhiều mâu thuẫn với Lưu Bang, ông bị nghi ngờ và bị tước hết binh quyền. Sau khi mưu đồ phản nghịch bị bại lộ, Hàn Tín bị Lã Hậu – vợ của Lưu Bang lừa vào cung và giết chết.

Sự kiện lịch sử này đã gây tranh cãi rất nhiều giữa các học giả, khi nhiều người cho rằng Hàn Tín thực chất vốn trung thành với Lưu Bang, nhưng do bị Lưu Bang đố kỵ mà ông phải chịu cái chết oan khuất, cùng với đó là án chém cả ba họ (tru di tam tộc) – hình phạt khắc nghiệt nhất thời phong kiến bấy giờ.

Sau Hàn Tín, đến lượt những công thần khác của Lưu Bang là Bành Việt, Anh Bố cũng không thoát khỏi cái chết tương tự. Bành Việt là người có công rất lớn đối với Lưu Bang, ông là người liên tiếp đem quân đội của mình đánh phá Hạng Vũ, quấy rối phía sau Hạng Vũ nhằm chia sẻ áp lực chiến đấu cho Lưu Bang, ông cũng nhiều lần hỗ trợ Lưu Bang trong những chiến dịch lớn và tỏ ra trung thành với Lưu Bang.

Hai đại tướng Bành Việt và Anh Bố cũng là “nạn nhân” của Lưu Bang (ảnh minh họa)

Khi bị Lưu Bang nghi kỵ, Bành Việt gạt bỏ lời khuyên nên tạo phản mà đến thỉnh tội với Lưu Bang. Ông bị Lưu Bang tước hết binh quyền và bắt chịu tội đi đày. Trên đường đi chịu tội, Lã Hậu gặp và lừa ông quay lại, hứa rằng sẽ xin tội cho ông nhưng lại khuyên Lưu Bang giết ngay Bành Việt để trừ hậu họa. Bành Việt bị xử tử cùng án tru di tam tộc, Lưu Bang đem xác ông làm mắm.

Anh Bố cũng là một đại tướng đã phản Hạng Vũ đầu quân cho Lưu Bang, lập nhiều chiến công. Chứng kiến cái chết oan ức của Bành Việt, lại bị Lưu bang gửi cho hũ mắm làm từ thịt của Bành Việt, Anh Bố sinh ra sợ hãi, bèn phản lại Lưu Bang. Ông sau đó thua trận và bị người quen lừa giết hại, chặt đầu và dâng đến cho Lưu Bang. Hồi 46 Hán Sở tranh hùng có đoạn: Lưu Bang thấy đầu Anh Bố liền cất tiếng mắng, bỗng đầu Anh Bố trợn mắt, râu tóc dựng ngược, một luồng ác khí xông ra đánh Lưu Bang xây xẩm mặt mày, té nhào xuống đất.

Nhiều học giả cho rằng nguyên nhân của cuộc thanh trừng đẫm mãu này là do Lưu Bang bấy giờ đã về già mà thái tử lại còn nhỏ tuổi, chưa có uy tín. Ông lo sợ sau khi mình mất, những công thần này trong tay nắm binh quyền sẽ làm phản, lật đổ triều Hán tương tự như nhà Tần nên Lưu Bang phải ra tay tiêu diệt họ trước.

Âm mưu sát hại công thần được cho là sự phối hợp của Lưu Bang và Lã Hậu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Trong sự kiện thảm sát này, chỉ duy nhất một người tránh khỏi tai họa đến từ Lưu Bang, đó là Trương Lương. Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là Hán sơ Tam kiệt. Khi Hán đế Lưu Bang lên ngôi, tháng Giêng năm 200 TCN, Lưu Bang phong thưởng cho các công thần, Hán đế nói: “Bàn mưu kế ở trong màn trướng, quyết định sự thắng lợi ở ngoài ngàn dặm, đó là công của Tử Phòng (Trương Lương), cho tự chọn lấy ba vạn hộ ở đất Tề”.

Đây có thể nói là mức phong thưởng cao nhất trong lịch sử phong kiến, thông thường, những người có công lớn với vua chỉ được phong làm vạn hộ hầu, tức là được cắt đất, làm chủ quản đối với một khu vực gồm 1 vạn dân, coi như là quyền sở hữu riêng của mình. Đối với Lưu Bang, một người muốn thống nhất thiên hạ thì việc cắt đất cho Trương Lương tự chọn lấy đến 3 vạn hộ là điều cực kì hiếm có.

Trương Lương khôn khéo tránh được tai họa (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tuy nhiên, Trương Lương một mực từ chối, ông nói: “Xưa kia thần khởi nghĩa ở Hạ Bì, tới đất Lưu thì gặp bệ hạ. Đó là trời đem thần giao cho bệ hạ. Bệ hạ dùng mưu kế của thần, may mà có lúc trúng, thần xin được phong ở đất Lưu là đủ rồi, không dám nhận ba vạn hộ”. Cao đế bèn phong Trương Lương làm Lưu hầu (một danh xưng cao quý nhưng không có quyền lực).

Sau khi chứng kiến việc Hàn Tín bị giết, lại thêm việc thừa tướng là Tiêu Hà do mắc lỗi nhỏ cũng bị hạ ngục, vốn nhìn thấu con người của Hán Cao Tổ Lưu Bang, Trương Lương nhất định không nhận chức tước. Hán vương thấy Trương Lương cáo ốm, không chịu vào chầu, trong lòng nghi hoặc. Một hôm cho gọi Trương Lương vào triều và dò ý:

– Trẫm từ khi được Tiên sinh chẳng khác nào như chim hồng thêm cánh. Nhờ Tiên sinh mà trẫm dựng nên nghiệp cả, ý trẫm muốn lựa một nước lớn phong cho để đền ơn Tiên sinh.

Trương Lương nói:

– Thần từ khi theo Bệ hạ vào đất Quan Trung, được nhờ hồng đức của Bệ hạ làm nên đôi việc. Tuy nhiên, thần là kẻ áo vải, chân không mà được Bệ hạ phong cho làm Lưu hầu thế cũng đã cao sang lắm rồi, đâu còn dàm mong ước gì hơn. Sau khi đã được đội ơn dày của Bệ hạ thần muốn xa lánh nhân gian, theo ông Xích Tùng Tử tu luyện, nghiên cứu cái phép tịnh cốc làm kế trường sinh, sống một cuộc đời an nhàn cho thỏa thích.

Trương Lương ngao du sơn thủy, sống ẩn dật (ảnh minh họa)

Hán đế Lưu Bang thấy Trương Lương có ý thành thực, bèn chuẩn y cho về dưỡng bệnh, không nghi ngờ gì ông nữa. Trương Lương từ đó đóng cửa, không bước chân ra khỏi nhà, mỗi tháng chỉ theo các quan vào chầu một lần. Khi tan chầu chẳng hề bận nghĩ đến điều gì cả. Thực ra Xích Tùng tử cũng chỉ là một cái tên do Trương Lương vẽ ra để che mắt Lưu Bang mà thôi.

Về sau, Trương Lương thường ngao du sơn thủy, hưởng an nhàn. Ông cũng có công phò trợ thái tử Lưu Doanh con của Lưu Bang lên ngôi vua, ngăn chặn mưu đồ tiếp tục sát hại công thần của Lã Hậu sau khi Lưu Bang chết. Có thể nói Trương Lương là người sáng suốt nhất trong các công thần của Lưu Bang. Ông được người đời sau sùng bái và xưng tụng là Mưu Thánh.